Chuyên gia hiến kế xử lý biệt thự nghìn tỷ bỏ hoang ở Hà Nội

Việc xây dựng ồ ạt nhiều căn hộ biệt thự, nhà ở liền kề sau đó bỏ hoang trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gây lãng phí và ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt mỹ quan đô thị. Việc giải bài toán lãng phí đối với biệt thự bỏ hoang là vấn đề nan giải từ nhiều năm nay.

Hàng nghìn căn biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng mọc lên san sát tại nhiều khu vực ở Hà Nội nhưng bị bỏ hoang, không có người ở như khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị Lideco (Hoài Đức) khu đô thị Dương Nội (Hà Đông), … Điểm chung của các khu biệt thự này là nhiều hạng mục xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm, rác thải bủa vây xung quanh…

Hầu hết các nhà biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang mới chỉ xây xong phần thô, một số căn trong tình trạng xây dựng dang dở và trở thành nơi ở tạm của phụ hồ hay lao động tự do.

Nguyên nhân của tình trạng này là do hạ tầng chưa đồng bộ, các tiện ích phục vụ đời sống người dân như khu vui chơi giải trí hay dịch vụ, siêu thị, trung tâm thương mại chưa được đầu tư. Nhiều nơi hệ thống đèn cao áp chưa có khiến ban ngày vốn đã vắng vẻ, ban đêm càng hoang lạnh, nhiều người đi qua có cảm giác không an toàn… Đây là lý do khiến lượng người dân về sống còn thưa thớt, có khu đô thị không một bóng người.

Việc bỏ hoang hàng nghìn căn hộ đắt tiền như thế này khiến nhiều người dân sống ở khu vực xung quanh cảm thấy sót xa, nuối tiếc.

Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) được xây dựng khang trang và hoàn thiện nhưng bị bỏ hoang nhiều năm nay

Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) được xây dựng khang trang và hoàn thiện nhưng bị bỏ hoang nhiều năm nay

Ông Nguyễn Văn Bình, người dân sống gần khu đô thị Nam An Khánh cho biết, ngày nào ông cũng đi làm qua khu vực này. Thấy cảnh hàng trăm khu biệt thự được xây dựng hoành tráng nhưng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, ông cảm thấy rất bức xúc vì quá lãng phí.

“Giá nhà tăng cao, nhiều người dân thiếu nhà ở trong khi hàng trăm, hàng nghìn căn biệt thự bị bỏ không hàng chục năm nay, không có người ở. Những người dân bị thu hồi đất xây biệt thự bây giờ không có việc làm, không có đất canh tác. Người trẻ còn làm được việc nọ, việc kia, còn người có tuổi thì không biết đi đâu, làm gì. Chúng tôi vô cùng bức xúc trước thực trạng này”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, việc nhiều biệt thự tiền tỷ bỏ hoang không người ở tại một số khu đô thị là hệ quả của giai đoạn thị trường bất động sản phát triển "nóng" cách đây hàng chục năm. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đô thị mà còn gây lãng phí rất lớn nguồn lực đất đai của nhà nước, gây cản trở quá trình phát triển của địa phương.

TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc bỏ hoang các biệt thự, nhà liền kề lâu năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện mạo của đô thị, không đáp ứng được tiêu chí của thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Cùng với đó là lãng phí về tài sản, tài nguyên đất đai, nhà cửa đã gây dựng nên. Trong việc này có trách nhiệm của người dân, của chủ sở hữu nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm quản lý của Nhà nước, vì đây là vấn đề diện mạo của đô thị nên cần quan tâm và tổ chức thực hiện giám sát chặt chẽ thì mới có thể sử dụng hiệu quả tài nguyên của đất nước.

TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam

Cũng theo ông Nghiêm, biệt thự và các công trình kiến trúc giá trị đã có trong danh mục của nhà nước, có những công trình là tài sản công của nhà nước nhưng cũng có nhiều công trình thuộc sở hữu tư nhân. Vì vậy phải tiến hành song song 2 việc, một là phải khai thác tài sản công sao cho hiệu quả, vấn đề này đã nhận diện được, thành phố Hà Nội đã thông qua và cụ thể hóa trong Luật Thủ đô, sẽ có nghị quyết của Hội đồng nhân dân về thực hiện việc này và mở ra những cách làm mới, ví dụ, có thể hợp tác, hợp doanh để khai thác có hiệu quả những biệt thự này.

Trong quá trình làm phải chú trọng đến việc phân loại biệt thự. Trong đó có 3 loại. Một loại giữ nguyên, một loại được cải tạo và một loại có thể phá vỡ đi để làm lại hoàn toàn và tái thiết đô thị. Trên cơ sở phân loại như vậy để có giải pháp thích hợp, còn định hướng chung, mới đây Hà Nội đã ban hành việc sử dụng tài sản công, quản lý tài sản công thuộc phạm vi thành phố quản lý. Như vậy có thể nói rằng, đã có đầy đủ giải pháp và hành lang pháp lý để giải quyết các căn hộ liền kề.

“Cần xem xét đối tượng khai thác sử dụng và phương thức kinh doanh trong giai đoạn vừa qua như thế nào. Bởi vì rất nhiều công trình thuộc sở hữu tư nhân đã được mua hoàn toàn nhưng chưa đưa vào sử dụng. Có công trình mới đặt hàng nhưng chưa thanh quyết toán với các doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư. Vì vậy có 2 giải pháp. Một là thúc đẩy chủ đầu tư giải quyết các tồn đọng cũ để đưa vào thị trường, còn của các cá nhân đã đăng ký rồi thì phải vận động họ để đưa vào sử dụng hợp lý. Trong bối cảnh hiện nay, kinh doanh bất động sản, đầu tư, chính sách về nhà ở không hạn chế việc có nhiều nhà ở, vấn đề là sử dụng làm sao cho hợp lý, có chính sách quản lý thích hợp”, ông Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, khu đô thị bỏ hoang gây lãng phí lớn nguồn lực cho xã hội, cho đất nước. Vấn đề này cần có cơ chế chính sách giải quyết để sử dụng hợp lý. Thông thường, người mua nhà đều có nhu cầu sử dụng, hoặc là cho thuê, đầu tư sinh lời, nhưng phải bỏ không vì kết nối hạ tầng chưa tốt, chưa đồng bộ. Người mua nhà muốn ở không được, cho thuê cũng không xong.

Khu đô thị Lideco (Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội) đã xây dựng xong phần thô, bị bỏ hoang hơn 10 năm nay

Khu đô thị Lideco (Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội) đã xây dựng xong phần thô, bị bỏ hoang hơn 10 năm nay

Ông Thịnh cho rằng, việc bỏ hoang các biệt thự, nhà ở liền kề có một số vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, phải rà soát, kiểm tra, phân loại các dự án cũng như các khu vực bỏ hoang để tìm nguyên nhân và từ đó có giải pháp khắc phục một cách sát thực cho phù hợp với thực tiễn; Các dự án đã xây thô xong nhưng người mua lại không hoàn thiện, không có dự định ở là do kết nối hạ tầng điện, nước hoặc bệnh viện không phù hợp nên họ không muốn về ở. Để giải quyết tình trạng này, buộc chủ đầu tư phải xây dựng các kết nối, xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội thành khu đô thị hoàn chỉnh thì mới “hút” người dân mới đến ở.

Với trường hợp mua nhà nhưng chỉ để giữ tài sản, đầu cơ thì cần xem xét để đánh thuế. Nếu cứ để tình trạng các khu nhà xây dựng dở dang, lôm côm, xấu xí thì không chỉ ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị mà còn là nơi tập trung các tệ nạn xã hội, gây bất ổn an ninh chính trị tại địa phương đó.

Nếu mua nhiều bất động sản rồi để không thì nên đánh thuế người sở hữu căn hộ. Trường hợp nếu chỉ là căn nhà thứ hai thì cần đánh thuế chính chủ đầu tư, là căn nguyên để khu đô thị bỏ hoang, chứ không phải đánh thuế người sở hữu căn hộ và người mua để đầu tư. Trong trường hợp đánh thuế căn hộ bỏ hoang thì cơ quan quản lý cần đánh thuế tương xứng với giá trị coi như nhà chưa sử dụng, còn trường hợp mua để đó, không sử dụng thì đánh thuế như cho thuê.

“Biện pháp đánh thuế là hợp lý nếu sở hữu nhiều nhà không sử dụng phải đánh thuế. Các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần có nghiên cứu kỹ để đưa ra chính sách, đề xuất chính sách thấu đáo vừa có cơ sở khoa học vừa có thực tiễn, tránh tiếp tục tình trạng hàng nghìn căn biệt thự triệu đô bỏ hoang gây lãng phí lâu nay”, ông Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-hien-ke-xu-ly-biet-thu-nghin-ty-bo-hoang-o-ha-noi-post1141684.vov
Zalo