Chuyên gia hiến kế Hà Nội phát triển hệ thống giao thông thông minh

Hội thảo 'Di chuyển xanh thông minh cho đô thị thông minh phát triển bền vững', diễn ra vào ngày 3/12, tập trung thảo luận về lộ trình phát triển giao thông thông minh tại Hà Nội trong thời gian tới, cũng như những ứng dụng tiên tiến sắp được triển khai.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho rằng thành phố cần đẩy nhanh việc triển khai hệ thống thông minh nhằm hạn chế tối đa tình trạng ách tắc giao thông, cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khói bụi từ phương tiện di chuyển.

Theo ông Hải, Hà Nội là thành phố có diện tích và mật độ dân số lớn, với hơn 8,5 triệu dân và khoảng 8 triệu phương tiện giao thông. Trong khi đó, việc tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ khoảng 12,13% và tỷ lệ vận tải hành khách công cộng thấp, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Phạm Hùng

Ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Phạm Hùng

Hiện, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã trình UBND Thành phố phê duyệt Đề án Giao thông Thông minh, bao gồm các nội dung chính như: quản lý, khai thác hạ tầng giao thông hiệu quả; ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực quản lý; bảo đảm an toàn giao thông và văn hóa giao thông. Đề án nêu ra lộ trình triển khai gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2025-2027): Hình thành và vận hành Trung tâm Quản lý, Điều hành Giao thông thông minh với 9 chức năng chính; Giai đoạn 2 (2028-2030): Mở rộng phạm vi hoạt động, bổ sung 3 chức năng mới; Giai đoạn 3 (sau 2030): Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giao thông thông minh, hướng tới trở thành hệ thống quản lý, điều hành, giám sát giao thông tiên tiến khu vực.

"Chúng tôi sẽ áp dụng các giải pháp như: sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai nhanh chóng hệ thống giao thông thông minh," ông Hải nói.

Áp dụng thẻ vé thông minh liên thông từ ngày 1/1/2025. Khai thác dữ liệu giao thông để cung cấp dịch vụ và hỗ trợ quản lý, quy hoạch giao thông."

Đại biểu tham gia sự kiện. Ảnh: Phạm Hùng

Đại biểu tham gia sự kiện. Ảnh: Phạm Hùng

Hội thảo "Di chuyển xanh thông minh cho đô thị thông minh phát triển bền vững" nằm trong khuôn khổ Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam-châu Á 2024 (02-03/12) đang diễn ra tại Hà Nội, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp tập trung thảo luận giải pháp giao thông thông minh, sử dụng công nghệ tiên tiến và phương tiện thân thiện với môi trường nhằm cải thiện hệ thống giao thông tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Quế, Giám đốc chiến lược kinh doanh tại tập đoàn Intel, đã chia sẻ: "Intel cam kết đồng hành động cùng Việt Nam trong việc phát triển hệ sinh thái giao thông thông minh. Công nghệ xử lý dữ liệu tại biên (Edge Computing), cảm biến IoT và kết nối 5G sẽ là nền tảng giúp cải thiện hiệu quả quản lý giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm."

Ông Quế cũng cho biết Intel đã thực hiện các dự án tương lai tại các thành phố lớn trên thế giới như Singapore và Barcelona, nơi các hệ thống cảm biến giao thông thông minh đã giúp tối ưu hóa thời gian đèn tín hiệu và giảm thiểu được thừa nhận đáng kể.

Toàn cảnh Hội thảo "Di chuyển xanh thông minh cho đô thị thông minh phát triển bền vững. Ảnh: Phạm Hùng

Toàn cảnh Hội thảo "Di chuyển xanh thông minh cho đô thị thông minh phát triển bền vững. Ảnh: Phạm Hùng

Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc thương mại Phenikaa, cam kết sẽ phổ biến công nghệ xe tự hành "made in Vietnam" trong tương lai.

"Phenikaa đã sản xuất xe tự hành cấp độ 4, sánh ngang với các thương hiệu lớn như Baidu. Xe tự động của chúng tôi không chỉ phục vụ giao thông công cộng mà còn ứng dụng trong giữ gìn vệ sinh đô thị và nông nghiệp," ông cho biết.

Công ty đã phát triển dự án xe tự hành tại Bình Dương, Hưng Yên có khả năng vận hành qua kết nối 5G và công nghệ tránh vật cản bằng cảm biến LIDAR.

Hội thảo đề cập việc triển khai hệ thống giao thông thông minh tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hội thảo đề cập việc triển khai hệ thống giao thông thông minh tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam, khẳng định: Grab cam kết phát triển các giải pháp chuyển đổi giao thông bền vững, hướng tới giao thông thông minh và thân thiện với môi trường. Các dịch vụ như Grab Rap, Grab Mát giúp giảm thải CO2 và đảm bảo hiệu quả vận chuyển. Bên cạnh đó, Grab phát triển tính năng ghép đơn hàng để giảm lượng xe hoạt động và khí thải.

"Công ty hỗ trợ tài xế chuyển đổi sang xe điện với lãi suất 0%, hợp tác trồng rừng tại Ninh Thuận để trung hòa carbon. Những chiến lược này khẳng định vai trò của Grab trong việc xây dựng hệ thống giao thông bền vững tại Việt Nam," bà Trang cho biết.

Kết thúc buổi hội thảo, các diễn giả khẳng định việc phát triển giao thông thông minh tại Việt Nam cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, chính phủ cần phải đẩy mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, hoàn thiện các khung pháp lý cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án giao thông thông minh, giao thông bền vững, khuyến khích người dân sử dụng giao thông xanh, giao thông công cộng.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-hien-ke-ha-noi-phat-trien-he-thong-giao-thong-thong-minh.html
Zalo