Chuyên gia chống độc cảnh báo 'còn vui xuân, còn tăng ca ngộ độc rượu'

Liên tục các ca ngộ độc rượu nguy kịch nhập viện, tuy nhiên, BS. Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo, sẽ còn tiếp tục tăng trong 1-2 tháng tới.

Muôn kiểu ngộ độc rượu

Ghi nhận tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, số người cấp cứu vì ngộ độc rượu tại đây tăng dần từ sau ngày mùng 3 Tết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, tại đây tiếp nhận muôn kiểu ngộ độc rượu, từ rượu quê, rượu ngâm ấu tẩu, đến rượu “rởm” (rượu pha nhiều cồn công nghiệp), thậm chí ngộ độc cồn “rởm” – loại cồn chỉ dùng để lau chùi nhưng được bán ở hiệu thuốc, gây hiểu lầm là cồn y tế cho người sử dụng.

Anh Đinh Văn Th. (52 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội) được người ta đưa tới Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai sau khi đôi mắt bỗng dưng không nhìn thấy, sau nhiều ngày “nhấp” cồn để cai rượu. Chị Nguyễn Thị H. (vợ anh Th.) cho biết, chồng chị đã uống rượu hơn 2 chục năm nay, tuy không uống nhiều nhưng vốn có chấn thương về thần kinh trước đó nên sau mỗi lần uống anh Th. thường không kiểm soát được hành vi và tâm lý. Vì lẽ đó, gia đình ngăn cản và quyết tâm cai rượu cho anh Th.

Một ca ngộ độc bị tổn thương thị lực vì dùng cồn "rởm" điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai

Một ca ngộ độc bị tổn thương thị lực vì dùng cồn "rởm" điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai

Tuy nhiên cách đây chừng 5 tháng, trong một lần con trai về chơi, có mang theo chai cồn nướng mực, số cồn còn dư lại anh Th lén gia đình dùng hàng ngày cho đỡ “nhớ” rượu.

Sau đó, hàng ngày khi không có người ở nhà, anh Th lại tự mua cồn tại hiệu thuốc làng bên để dùng. Vào đúng mùng 6 Tết, buối sáng thức dậy, anh Th bỗng không thể nhìn được, trước mắt chỉ 1 vùng tối. Hoảng hốt gia đình đưa anh đi khám mắt, sau đó tìm tới Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.

Tại đây anh Th được dùng thuốc giải độc, chạy lọc thận, tuy nhiên mắt hiện chỉ nhận diện vùng sáng tối, cơ hội hồi phục thị lực được tiên lượng kém.

BS. Nguyên cho hay: “Chai cồn bệnh nhân dùng hàng ngày được chúng tôi kiểm nghiệm đó là loại còn chỉ dùng chất tẩy rửa, không phải loại cồn y tế, rất độc hại. Loại cồn này lại được bày bán ở cửa hàng thuốc càng khiến người dùng nhầm lẫn”.

Không may mắn như anh Th, anh Nguyễn Công Kh. (46 tuổi, Vĩnh Phúc), có tiền sử lạm dụng rượu. Chiều 28/1, gia đình phát hiện anh này uống cồn 90 độ pha loãng. Sau đó anh K nôn nhiều, ý thức lơ mơ, được người nhà đưa tới BV ĐK Vĩnh Phúc cấp cứu.

Bệnh nhân được đặt nội khí quản, lọc máu, sau đó chuyển lên Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê, nguy kịch. Mặc dù được các BS hồi sức cấp cứu, song bệnh nhân đã không qua khỏi.

BS. Nguyên cho xem hình ảnh chụp tổn thương não (nhồi máu não) của 1 bệnh nhân ngộ độc vì uống quá nhiều rượu

BS. Nguyên cho xem hình ảnh chụp tổn thương não (nhồi máu não) của 1 bệnh nhân ngộ độc vì uống quá nhiều rượu

Cũng tại đây, ghi nhận thêm các ca ngộ độc rượu nhập viện trong tình trạng nguy kịch do dùng rượu ngâm ấu tẩu, vốn là chỉ dùng để xoa bóp.

Hoặc có ca uống quá nhiều rượu, nằm ngủ lịm đi, đến khi gia đình quan tâm đến thì đã tổn thương não do nhồi máu não, do phát hiện muộn nên không có cơ hội phục hồi, hoặc nằm bệt nhiều tiếng kéo dài, chèn ép dây thần kinh dẫn đến cơ tay bị tổn thương gây ra chất tắc ống thận, phải lọc thận.

Cơ hội phục hồi được các bác sĩ điều trị đánh giá cần nhiều thời gian, có thể 6 tháng – 1 năm hoặc khó hồi phục do liên quan đến dây thần kinh…

Ngộ độc cồn, tác hại khôn lường

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai nhận định: “Từ nay đến hết tháng 2, thậm chí sang tháng 3 sẽ còn nhiều vụ ngộ độc rượu nhập viện khi người dân còn vui xuân”.

Dù chưa thống kê con số cụ thể nhưng BS. Nguyên cho biết, ngày nào tại đây cũng tiếp nhận vài ca nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu, trong đó, có nhiều ca nhập viện trong tình trạng hôn mê, mù mắt, suy thận, thậm chí tử vong.

Liên quan đến các ca ngộ độc cồn y tế rởm, BS. Nguyên cảnh báo, hiện nay, có nhiều loại hóa chất bị tuồn ra ngoài thị trường, các đối tượng đã sử dụng để pha trộn thành rượu rởm. Thậm chí, các công ty nhập về đóng thành chai cồn sát trùng rởm và được bán rất nhiều ở hiệu thuốc.

Các loại cồn "rởm" gây ngộ độc được gia đình bệnh nhân mang tới bệnh viện

Các loại cồn "rởm" gây ngộ độc được gia đình bệnh nhân mang tới bệnh viện

“Sau khi nhiều loại cồn sát trùng rởm được chúng tôi phát hiện và thông báo, các công ty đã chuyển dạng nhãn mác, công bố rõ không dùng để sát trùng, chỉ dùng để đốt, lau chùi, nhưng chai lọ, nhãn mác vẫn y nguyên và vẫn bán ở hiệu thuốc, làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn là cồn y tế mua về. Trong nhà, người nghiện rượu thì uống nhầm, người khác thì mang ra sát trùng. Đây là những chất cực độc, cần phải cảnh báo tới người dân”, BS. Nguyên nhấn mạnh.

Để không còn các ca ngộ độc thương tâm, chuyên gia cho rằng, cần cấm không được bán các loại hóa chất độc hại như hóa chất tẩy rửa, hóa chất đốt, cồn công nghiệp ở hiệu thuốc; không được đóng chai gây nhập nhèm giống với cồn sát trùng; các chai hóa chất phải có hình thức khác và có nhãn mác rõ ràng.

Bên cạnh đó, với những trường hợp uống rượu nhiều, cần được gia đình quan tâm, liên tục giúp trở mình nếu nằm ngủ lịm đi hoặc cho uống nhiều nước nếu nôn, ói nhiều để tránh tính trạng gây tắc mạch do máu bị cô đặc, nhất là trên nền bệnh nhân thừa cân.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-gia-chong-doc-canh-bao-con-vui-xuan-con-tang-ca-ngo-doc-ruou-d580581.html
Zalo