Chuyên gia chỉ kỹ năng sống sót khi tàu chìm

Vụ tàu chìm ở Quảng Ninh một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của kỹ năng sinh tồn trên biển, chuyên gia chia sẻ cách ứng phó và tự bảo vệ khi sự cố xảy ra.

Theo anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel cho biết, kỹ năng thoát nạn thoát hiểm hiện nay vẫn là một lĩnh vực nhiều người còn xem nhẹ hoặc chưa quan tâm đúng mức. Chúng ta dễ dàng bỏ ra vài triệu đồng để xem ca nhạc hay phim ảnh nhưng lại không dành thời gian cho những khóa huấn luyện kỹ năng quan trọng. Nhiều người cho rằng sự cố không thường xảy ra, nhưng khi nó ập đến, liệu ta có đủ khả năng tự cứu mình và cứu người thân không?

 Cứu hộ tàu chìm ở Quảng Ninh.

Cứu hộ tàu chìm ở Quảng Ninh.

“Điều tôi muốn nhấn mạnh nhất là kỹ năng thoát nạn thoát hiểm phải luôn được đặt lên hàng đầu, để phòng tránh các rủi ro vốn tiềm ẩn khi hoạt động trên biển. Các kiến thức này được đúc rút từ trải nghiệm thực tế của bà con, rất ngắn gọn, dễ nhớ và hữu ích”, anh Việt chia sẻ với Tri thức và Cuộc sống.

Trang bị kỹ năng thiết yếu để tự cứu khi ra khơi

Người dân đi biển, đặc biệt là những ngư dân và các chủ tàu cá, tàu du lịch nhỏ, cần có những kỹ năng sinh tồn căn bản để bảo vệ mình trong các tình huống nguy cấp.

Trước hết, kỹ năng bơi lội thành thạo là điều không thể thiếu. Người đi biển cần biết cách bơi, thả nổi và giữ ấm trong nước để duy trì sức khỏe khi bị rơi xuống biển. Bên cạnh đó, kỹ năng sơ cứu và cấp cứu cơ bản rất quan trọng, như cách xử lý vết thương, hô hấp nhân tạo cho người bị đuối nước.

 Anh Phạm Quốc Việt hướng dẫn kỹ năng sơ cứu. Ảnh: NVCC.

Anh Phạm Quốc Việt hướng dẫn kỹ năng sơ cứu. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, việc sử dụng thành thạo các thiết bị an toàn như áo phao, phao cứu sinh, pháo hiệu, bộ đàm và la bàn cũng góp phần cứu sống người gặp nạn. Kỹ năng sinh tồn trên biển, bao gồm tạo tín hiệu cầu cứu, thu thập nước ngọt, tìm kiếm thức ăn và xây dựng nơi trú ẩn, cũng là điều cần thiết. Cuối cùng, người dân phải nắm rõ các quy tắc an toàn hàng hải, biết cách kiểm tra tàu thuyền, lập kế hoạch chuyến đi và xử lý các tình huống cháy nổ hoặc hỏng hóc trên tàu.

Việc trang bị toàn diện các kỹ năng này không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn hỗ trợ cứu người trong những trường hợp khẩn cấp trên biển.

Giữ ấm và tránh sốc lạnh: Mẹo sinh tồn quan trọng

Một trong những nguy hiểm lớn nhất khi rơi xuống biển là hiện tượng sốc lạnh do nước biển lạnh kéo dài. Để duy trì thân nhiệt và hạn chế nguy cơ này, anh Việt khuyên mọi người nên hạn chế tối đa các cử động không cần thiết.

Tư thế giúp giữ ấm hiệu quả nhất là HELP (Heat Escape Lessening Posture) – tức là co gối lên ngực và ôm chặt chân bằng hai tay khi bạn ở một mình. Nếu có nhiều người, tư thế Huddle (ôm sát nhau) giúp nhóm người giữ nhiệt tốt hơn.

Ngoài ra, cần giữ đầu và cổ luôn nổi trên mặt nước, mặc càng nhiều quần áo càng tốt, kể cả khi quần áo bị ướt vì lớp quần áo sẽ tạo ra lớp cách nhiệt bảo vệ cơ thể. Tuyệt đối không uống nước biển để tránh mất nước và rối loạn điện giải. Giữ bình tĩnh, kiểm soát hơi thở để tiết kiệm năng lượng và tránh hoảng loạn.

Nếu có thể, hãy bám vào các vật nổi hoặc tìm nơi trú ẩn để giảm tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh.

Những lưu ý khi cứu người bị sặc nước

Khi phát hiện người bị sặc nước, việc đánh giá nhanh tình trạng nạn nhân là ưu tiên hàng đầu. Người cứu cần kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh táo, có ho được không để xác định mức độ nghiêm trọng.

Nếu nạn nhân vẫn tỉnh và ho được, hãy khuyến khích họ ho mạnh để đẩy nước ra khỏi đường thở, tuyệt đối không dốc ngược người hoặc ép bụng vì có thể làm tình trạng tệ hơn.

Trường hợp nạn nhân bất tỉnh hoặc có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim, cần gọi ngay cấp cứu 115 và tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) gồm ép tim và thổi ngạt nếu người cứu có kỹ năng. Sau khi sơ cứu, việc giữ ấm cho nạn nhân là rất quan trọng để phòng tránh đuối nước thứ cấp.

Cuối cùng, người cứu hộ cũng phải đảm bảo an toàn cho chính mình, tránh rơi vào tình huống nguy hiểm thêm.

Bí quyết thoát hiểm an toàn khi tàu chìm

Trong tình huống tàu thuyền bị chìm, điều quan trọng nhất là giữ được sự bình tĩnh. Ngay lập tức mặc áo phao và nhanh chóng tìm đường thoát gần nhất, ưu tiên sử dụng phao cứu sinh hoặc bè cứu sinh có sẵn trên tàu.

Anh Việt nhấn mạnh tuyệt đối không quay lại để lấy đồ đạc cá nhân, bởi điều đó vừa mất thời gian, vừa nguy hiểm.

Khi rời tàu, hãy nhảy xuống nước theo tư thế chân xuống trước và cách xa tàu để tránh bị hút vào phần chìm. Sau đó, bơi ra xa tàu khoảng 100-200 mét để đảm bảo an toàn.

Tập hợp với những người sống sót khác và áp dụng tư thế HELP hoặc Huddle để giữ ấm và đồng thời phát tín hiệu cầu cứu. Hạn chế tối đa uống nước biển và không bơi vô định nhằm bảo toàn năng lượng.

Ông Đào Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 khuyến cáo, khi tàu thuyền gặp sự cố lật hoặc chìm, hành khách cần giữ bình tĩnh và nhanh chóng mặc áo mưa, áo khoác nếu có, để giữ ấm cơ thể.

Nếu ở khoang dưới, phải tìm mọi cách thoát ra ngoài, kể cả phá cửa nếu cần. Nếu không có phao hoặc thuyền cứu sinh, hãy bám vào bất kỳ vật nổi nào để giữ mình không bị chìm. Sau khi xuống nước, cần nhanh chóng bơi xa khu vực tàu đắm để tránh bị hút và tìm kiếm vật dụng có thể tận dụng như lương thực, nước uống.

Nếu thấy có dầu loang, cần lập tức bơi ra xa vì khu vực này có nguy cơ cháy cao. Quan sát bầu trời, nếu thấy chim biển bay vào buổi chiều thì đó thường là hướng về đất liền. Trong lúc bơi, nên bơi ngửa, chỉ dùng chân để đỡ mất nhiệt; tay nên gập trước ngực để giữ ấm.

Người gặp nạn cần luôn giữ sự tỉnh táo, không buông xuôi, cố gắng động viên nhau bằng cách nghĩ đến gia đình, người thân và tin rằng mình sẽ sống sót cho đến khi lực lượng cứu hộ đến.

Mai Nguyễn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/chuyen-gia-chi-ky-nang-song-sot-khi-tau-chim-post1556335.html
Zalo