Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm khi dùng Windows sau tháng 10

Ngày 14.10 tới đây, Microsoft sẽ chính thức chấm dứt hỗ trợ miễn phí cho hệ điều hành Windows 10.

Từ thời điểm này trở đi, người dùng sẽ không còn nhận được các bản cập nhật bảo mật định kỳ, khiến vô số máy tính sẽ dễ bị tấn công mạng. Đây là nhận định chính thức từ Cơ quan An ninh Thông tin Liên bang Đức (BSI), trụ sở tại Bonn.

Chuyên gia bảo vệ người tiêu dùng số của BSI, bà Nora Kluger, phát biểu một cách thẳng thắn: “Tiếp tục sử dụng một hệ điều hành không còn được cập nhật bảo mật chẳng khác nào mở toang cánh cửa cho kẻ tấn công”.

Vì lý do đó, BSI khuyến nghị tất cả người dùng nên chuyển sang Windows 11 hoặc một hệ điều hành thay thế.

Windows 11 là một giải pháp

Hướng đi mà Microsoft đề xuất là nâng cấp lên Windows 11. Phiên bản hệ điều hành này mang đến giao diện hiện đại hơn cùng nhiều tính năng mới, song cũng đi kèm yêu cầu phần cứng khắt khe. Nhiều thiết bị đang chạy Windows 10 ổn định hiện nay sẽ không đủ điều kiện nâng cấp.

Nguyên nhân chính thường là thiếu hoặc không kích hoạt “Trusted Platform Module” phiên bản 2.0 (viết tq81t TPM 2.0).

Đây là một con chip bảo mật mà nhiều máy tính sản xuất trước năm 2018 không có hoặc không tương thích. Kết quả là hàng triệu người dùng phải đối mặt với lựa chọn: mua phần cứng mới hoặc tìm hệ điều hành thay thế.

Các lựa chọn thay thế

Nếu bạn không thể hoặc không muốn mua máy tính mới, có rất nhiều hệ điều hành tốt và dễ sử dụng để thay thế. Đứng đầu trong số đó là các bản phân phối Linux.

Các hệ điều hành như Linux Mint hoặc Ubuntu sở hữu giao diện đồ họa thân thiện, giúp người dùng Windows dễ dàng chuyển đổi. Chúng được tích hợp sẵn hầu hết các chương trình cần thiết cho công việc và giải trí hằng ngày, đồng thời có độ bảo mật cao.

Với phần cứng cũ, cũng nên xem xét Chrome OS Flex - một hệ điều hành nhẹ do Google phát triển, có khả năng “hồi sinh” các laptop cũ thành thiết bị chạy đám mây nhanh chóng.

Nếu bắt buộc tiếp tục dùng Windows 10 - chẳng hạn do phần mềm chuyên biệt trong doanh nghiệp - Microsoft cung cấp một lựa chọn cuối cùng, nhưng tốn kém: chương trình Cập nhật Bảo mật mở rộng (ESU), cho phép mua thêm các bản vá bảo mật trong tối đa ba năm nữa.

Theo thông tin từ t3n, chi phí dành cho người dùng cá nhân khoảng 61 USD trong năm đầu tiên và tăng gấp đôi qua mỗi năm tiếp theo. Tuy nhiên, đây không phải giải pháp lâu dài mà chỉ là “mua thêm thời gian” với giá cao.

Hàng triệu PC sắp trở thành “phế thải”: Vấn đề môi trường

Yêu cầu phần cứng nghiêm ngặt của Windows 11 còn kéo theo một hệ quả thường bị bỏ qua: nguy cơ tạo ra một làn sóng rác thải điện tử khổng lồ.

Ước tính, có thể có tới 240 triệu máy tính trên toàn thế giới sẽ bị thay thế sớm do yêu cầu nâng cấp của Microsoft. Con số này đặt ra một dấu hỏi lớn về chiến lược phát triển bền vững của các tập đoàn công nghệ.

Trong khi việc tiếp tục sử dụng phần cứng đang hoạt động tốt với hệ điều hành thay thế là lựa chọn hợp lý hơn về mặt sinh thái, thì chính sách cập nhật của Microsoft lại thúc đẩy người dùng mua thiết bị mới.

Câu hỏi đặt ra cho hàng triệu người dùng: Nâng cấp, chuyển hệ điều hành, hay mua thêm thời gian bằng các gói ESU? Một điều chắc chắn rằng quyết định này cần được cân nhắc kỹ lưỡng và không nên để "nước đến chân mới nhảy".

Bùi Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuyen-gia-canh-bao-nguy-hiem-khi-dung-windows-sau-thang-10-235002.html
Zalo