Chuyện gì xảy ra khi bạn bỏ bữa?
Dù mục tiêu của bạn là giảm cân, cải thiện tinh thần hay chăm sóc làn da, hãy ăn đủ bữa với những thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nhịn ăn không phải là giải pháp, ăn không đủ chất mới là vấn đề thực sự.
Podcast:
Podcast: Chuyện gì xảy ra khi bạn bỏ bữa?
Theo Times of India, bỏ bữa tưởng chừng là một cách đơn giản để giảm cân hay tiết kiệm thời gian, nhưng thực tế lại gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Các chuyên gia cho biết việc nhịn ăn không chỉ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, hormone, năng lượng mà còn làm rối loạn tâm trạng, tiêu hóa và cả sức khỏe lâu dài. Bạn có thể nghĩ rằng một bữa ăn bị bỏ qua chẳng đáng ngại, nhưng theo thời gian, điều đó sẽ âm thầm bào mòn sức khỏe của bạn.
Dưới đây là 7 tác hại nghiêm trọng khi bạn bỏ bữa
Làm chậm quá trình trao đổi chất
Khi bạn bỏ bữa, cơ thể không nghĩ “đang giảm cân”, mà hiểu là “đang thiếu ăn”. Nó chuyển sang chế độ tiết kiệm năng lượng, làm chậm quá trình trao đổi chất để giữ lại chất béo và giảm khối lượng cơ. Thậm chí, tuyến giáp, bộ máy điều tiết trao đổi chất, cũng hoạt động kém hiệu quả hơn. Nghĩ rằng bỏ bữa sáng giúp giảm cân? Thực ra, bạn đang tự làm khó mình.
Đường huyết tụt mạnh, tâm trạng tụt dốc
Thức ăn là nhiên liệu cho não bộ và cơ thể. Khi bạn nhịn ăn, đường huyết giảm, gây chóng mặt, mệt mỏi, bực bội và mất tập trung. Đó chính là lý do vì sao "cáu vì đói" là có thật. Về lâu dài, đường huyết lên xuống thất thường còn làm giảm độ nhạy insulin, tăng nguy cơ tiểu đường loại 2.
Dễ ăn quá nhiều vào bữa sau
Bỏ bữa không làm cơn đói biến mất, nó chỉ hoãn lại. Và khi nó ập đến, bạn thường ăn quá nhiều, đặc biệt là đồ ngọt hoặc thực phẩm giàu chất béo. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người bỏ bữa có xu hướng tiêu thụ nhiều calo hơn trong ngày, nhưng lại ít giá trị dinh dưỡng hơn. Kết quả là bạn không chỉ ăn nhiều mà còn ăn thiếu chất.
Rối loạn tiêu hóa, hại đường ruột
Đường ruột hoạt động tốt nhất khi có lịch trình ổn định. Bỏ bữa khiến hệ tiêu hóa “lạc nhịp”, dễ gây đầy hơi, táo bón, trào ngược hoặc viêm dạ dày. Ngoài ra, nhịn ăn quá lâu sẽ làm yếu hàng rào bảo vệ ruột, tạo điều kiện cho viêm nhiễm phát triển và làm mất cân bằng hệ vi sinh, nơi đóng vai trò quan trọng trong miễn dịch và hấp thụ dưỡng chất.
Thiếu hụt dinh dưỡng
Bỏ bữa không chỉ khiến bạn thiếu calo, mà còn thiếu luôn các chất quan trọng như sắt, canxi, magie, protein, vitamin và chất béo tốt. Cơ thể không thể “bù” hết mọi thứ trong một bữa ăn lớn sau đó. Nếu thiếu dinh dưỡng kéo dài, bạn sẽ thấy mệt mỏi, da xỉn màu, tóc dễ gãy, giảm khả năng tập trung và phục hồi kém sau vận động.

Khi bạn bỏ bữa có thể khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Rối loạn nhịp sinh học của cơ thể
Cơ thể bạn cần sự ổn định, không phải kiểu ăn uống thất thường “lúc có lúc không”. Việc ăn đều đặn và đủ chất không chỉ giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả, mà còn hỗ trợ tiêu hóa, giữ tinh thần ổn định và nâng cao sức khỏe toàn diện. Bỏ bữa thường xuyên khiến cơ thể bị rối loạn, dẫn đến mất cân bằng về năng lượng, hormone và tâm lý.