Chuyến 'du học' vĩ đại của người Nhật
Sách 'Sứ đoàn Iwakura: Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị' mở ra góc nhìn mới về chuyến 'du học' của người Nhật qua các nước Âu, Mỹ vào cuối thế kỷ 19.
Duy Tân Minh Trị (1868-1912) là giai đoạn cải cách toàn diện trong lịch sử Nhật Bản, đánh dấu sự chuyển đổi từ một quốc gia phong kiến sang một cường quốc hiện đại. Thời kỳ này được đặt theo niên hiệu của Thiên hoàng Minh Trị (Meiji), người đã lãnh đạo Nhật Bản trải qua những thay đổi chính trị, kinh tế và xã hội sâu rộng.
Cuộc cách mạng toàn diện này đã định hình lại nước Nhật. Với sự kết hợp giữa truyền thống và tinh thần cải cách, Nhật Bản đã trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác về cách thích nghi và phát triển trong một thế giới đầy biến động.
Trước cuộc cải cách này, Nhật Bản dưới thời Edo (1603-1868) do Mạc phủ Tokugawa cai trị là một xã hội phong kiến, khép kín với chính sách bế quan tỏa cảng. Vào cuối thế kỷ 19, Nhật Bản đối mặt với mối đe dọa kinh tế và quân sự từ các cường quốc phương Tây. Các hiệp ước bất bình đẳng được ký kết trong hoàn cảnh ép buộc từ những năm 1850 đã làm suy yếu chủ quyền của Nhật Bản.
Sau khi quyền lực trực tiếp của Thiên hoàng được khôi phục vào năm 1869, cải cách Duy Tân Minh Trị chủ trương thay đổi toàn diện Nhật Bản trên các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự và ngoại giao. Trong đó, những nét nổi bật là quá trình xóa bỏ hệ thống phong kiến, xây dựng một xã hội bình đẳng, cho phép tự do nghề nghiệp và áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ từ phương Tây vào công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa.
Duy Tân Minh Trị đã đưa Nhật Bản trở thành cường quốc công nghiệp hóa chỉ trong vài thập kỷ, vượt xa các nước châu Á khác; xóa bỏ nguy cơ bị các cường quốc phương Tây xâm lược và đô hộ. Về lâu dài, cuộc cải cách này đã đặt nền tảng cho Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình với đầy những kịch tính.
TS Nguyễn Xuân Xanh
Cuộc Tây du của sứ đoàn Iwakura là một phần của công cuộc Minh Trị Duy Tân do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên. Trong đó, gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp như Ito Hirobumi (Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản lúc bấy giờ) và những du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin.
Họ đi thăm Mỹ và hàng chục quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Áo, Italy, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Nga... Chuyến đi được thực hiện chỉ 3 năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, kéo dài một năm 10 tháng (1871 - 1873).
Công bố ngày 7/4/1868, Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông là những lý tưởng chỉ nam cho hoạt động sắp tới của các nhà đổi mới Nhật Bản. Sứ đoàn thực hiện đúng điều thứ 5: "Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế".
Trong lời Dẫn nhập tác phẩm Sứ đoàn Iwakura: Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch), TS Nguyễn Xuân Xanh nhận định: "Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh lwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới".
Từ quan sát, kiến thức, kinh nghiệm thu nhặt được từ chuyến đi này, Nhật Bản đã tiến hành xây dựng chế độ quân chủ lập hiến (theo mô hình của Đức), hiện đại hóa quân đội và hệ thống giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp.
Dù không thành công trong đàm phán sửa đổi các hiệp ước bất bình đẳng, sứ đoàn nhận ra Nhật Bản cần tiếp tục hiện đại hóa để đạt vị thế bình đẳng với phương Tây. Đồng thời, sứ đoàn giới thiệu văn hóa Nhật Bản với phương Tây và thiết lập mối quan hệ ngoại giao lâu dài. Sứ đoàn Iwakura đánh dấu một bước ngoặt trong việc Nhật Bản hội nhập với cộng đồng quốc tế.
Chuyến công du này của người Nhật đã là đề tài nghiên cứu suốt một thế kỷ qua của giới sử học, Nhật Bản học... vì những di sản vô giá mà nó để lại. Sứ đoàn Iwakura tập hợp nghiên cứu của các học giả phương Tây với mong muốn đóng góp góc nhìn mới về chuyến công du này: làm sáng tỏ vai trò của sứ đoàn và phản ứng của những nước phương Tây qua các tài liệu Âu, Mỹ.
Chủ biên Ian Nish cho biết các bài nghiên cứu được viết độc lập và không áp đặt một khuôn mẫu chung nào. Do đó, 11 chương sách cung cấp cái nhìn đa chiều về chuyến công du qua 8 quốc gia khác nhau và những ảnh hưởng đến Nhật Bản trong suốt thời kỳ Duy Tân Minh Trị và nhiều thập kỷ sau đó.
Sách đã lọt vào Chung khảo Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7, được đánh giá là tác phẩm "rất đáng được tham khảo, nhất là cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam".