Chuyện Đồng Tâm: Khi lãnh đạo lắng nghe và đến với dân

Sau 7 ngày hết sức căng thẳng, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội giờ đã hạ nhiệt khi lãnh đạo biết lắng nghe và chủ động đến với người dân.

Để đạt được sự đồng tâm

Trong những ngày xảy ra vụ việc ở Đồng Tâm, rất nhiều người nói đến đối thoại, và quả thật, thực tâm đối thoại đã hạ nhiệt. Không chỉ có thể, nhằm ngăn ngừa những vụ việc tương tự, đối thoại cần diễn ra từ sớm, cộng đồng dân cư là người chủ, người tham gia thật sự trong quá trình ra quyết định phân bổ nguồn lực đất đai.

Tham vấn giữa các bên để tìm ra giải pháp ngay khi xung đột mới bắt đầu sẽ giúp tháo ngòi căng thẳng của các tranh chấp liên quan đến vấn đề đất đai. Người dân bị thu hồi đất dễ đi đến những cách giải quyết hợp lý nhất khi mà sự việc chưa leo thang đến mức tác động nặng nề đối với tâm lý, tình cảm của họ và họ tìm mọi lý do để phản đối cách giải quyết.

Trên thực tế, không ít ví dụ tích cực về đối thoại, tham vấn về các vấn đề đất đai. Ví dụ, cách đây hơn 20 năm, một xã nghèo ở phía nam Hà Nội (Thanh Văn - Quốc Oai) cần dồn điền, cần xây đường sá, kênh mương..., nhưng không có tiền. Bí thư xã đã nghĩ ra sáng kiến đấu thầu những mảnh đất công nằm xen kẽ trong dân mà không canh tác được. Sáng kiến được đưa ra cho dân bàn bạc, góp ý, nhận được sự ủng hộ, dân lại trực tiếp tham gia thực hiện, giám sát, thu lại một khoản tiền lớn, không những đủ để chi cho các công trình hạ tầng nông thôn, mà còn dư để lập Quỹ hưu nông dân.

Ở phạm vi rộng hơn, khoảng gần 10 năm nay, Quốc hội, HĐND nhiều tỉnh/thành đã tiến hành các hoạt động để hỏi, lắng nghe, thu thập ý kiến, quan điểm của các nhóm khác nhau trong xã hội về những chính sách mà HĐND chuẩn bị hoặc đã ban hành. Người dân, nhất là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách có cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình với Quốc hội, HĐND, có lúc ở trụ sở HĐND, lúc khác ở nhà văn hóa xã, thậm chí ngồi ở ngay nhà mình, trong phòng khác, bên hiên nhà. Không chỉ dừng ở đó, nguồn thông tin đầu vào từ người dân đã được xử l ý, phân tích, tiếp thu để chỉnh lý các chính sách cho phù hợp nhất.

Những trường hợp trên đây, cũng như nhiều trường hợp tương tự khác ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy, cách giải quyết tốt nhất là để người dân có đại diện cho họ, có tiếng nói và tham gia vào quá trình thương lượng, xây dựng, thực thi chính sách, đảm bảo lợi ích của người dân. Điều này giúp thu thập được lượng thông tin lớn hơn, những quan điểm và giải pháp tiềm năng đa dạng hơn, và nâng cao chất lượng những quyết sách cuối cùng.

Không những thế, sự tham gia đó giúp xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước, tăng chất lượng dân chủ và tăng cường năng lực của nhân dân. Điều này mang lại cảm giác cho người dân họ được dự phần, chứ không phải đứng ngoài vào quá trình ra quyết sách của chính quyền. Người dân là một phần không tách biệt của quá trình đó. Khi tham vấn người dân, lắng nghe họ, mang lại sự dung hợp cho chính sách, quyền lực của nhân dân ủy quyền không bị mất đi, không bị lạm dụng, chiếm dụng bởi một nhóm nhỏ.

Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về gặp gỡ người dân Đồng Tâm

Những ngày này, chuyện liên quan đến đất đai được xới lại, với nhiều ý kiến tiếp tục cho rằng việc tạo dựng khung khổ pháp lý bảo đảm cho sự vận hành thực tế của quyền đó trên thị trường đất đai và bất động sản là những giải pháp phát triển cơ bản đối với Việt Nam. Ít nhất, cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người dân để có tiếng nói thương thuyết với chủ đầu tư khi chuyển dịch đất đai, chứ không nên phụ thuộc phần lớn vào quan hệ giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương như hiện nay.

Trong việc thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giao đất đo cho chủ đầu tư dự án, nhiều người đã kiến nghị, và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh từng thí điểm áp dụng phương pháp góp giá trị quyền sử dụng đất hoặc giá trị bồi thường thành cổ phần trong dự án đầu tư. Nhưng chương trình đã phải dừng lại vì chưa nhận được sự hưởng ứng của cả phía nhà đầu tư lẫn phía người đang sử dụng đất, do chưa đạt tới mức bảo đảm được sự tin cậy giữa các bên tham gia quan hệ thị trường. Cần tới một số quy định của luật pháp tiếp nhận vai trò của bên thứ ba để bảo đảm cho độ tin cậy giữa hai bên tham gia.

Sự rõ ràng, rành mạch liên quan đến đất đai sẽ có thể giảm thiểu các tranh chấp trong thu hồi đất.

Những giải pháp khác cũng từng được đề xuất nhiều như chia sẻ lợi ích từ các dự án đầu tư mà phải thu hồi đất. Lợi ích bằng tiền có thể là các khoản bồi thường thêm cho dân cư bị ảnh hưởng, thiết lập các quỹ phát triển vùng dài hạn, thiết lập quan hệ đối tác giữa nhà đầu tư và cộng đồng để chia sẻ những lợi nhuận lâu dài thu được từ dự án.

Chia sẻ lợi ích không bằng tiền có thể thực hiện dưới hình thức khôi phục sinh kế cho cộng đồng, xây dựng hạ tầng xã hội như nhà cửa, trường học, y tế hay hệ thống cấp thoát nước. Hoặc là khi quy hoạch dự án phát triển, cần căn cứ vào số lượng người đang sử dụng đất nông nghiệp, đất ở để bố trí trả lại cho người đang sử dụng đất diện tích đất đô thị tương ứng sao cho giá trị đất đô thị nhận được phải cao hơn giá trị đất nông nghiệp họ sử dụng trước đó. Một diện tích đất sản xuất kinh doanh nhất định được đưa ra bán để có kinh phí thực hiện toàn bộ dự án. Toàn bộ việc triển khai dự án được cộng đồng những người đang sử dụng đất, cộng đồng dân cư thảo luận và đồng thuận trong triển khai dự án.

Cũng cần có những cơ quan đăng ký sở hữu đất minh bạch và hiệu quả; Và cũng cần có hệ thống tòa án có năng lực và sẵn sàng bảo vệ các quyền tài sản cá nhân trước các cơ quan nhà nước và chủ đầu tư. Hiện nay các tòa hành chính không có thẩm quyền xem xét các yếu tố nội dung của các vụ tranh chấp thu hồi đất cũng như tính hợp lý của giá đền bù. Theo Luật, các tòa hành chính chỉ có thẩm quyền xem xét các hành vi hành chính hay quyết định hành chính đơn lẻ. Các quy định mang tính quy phạm pháp luật và chính sách thu hồi đất do chính quyền trung ương và Hội đồng nhân dân địa phương ban hành không phải là đối tượng tố tụng hành chính.

Những cải cách nhằm mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa hành chính sẽ giúp người sử dụng đất có lợi thế hơn trong các vụ tranh chấp thu hồi đất. Đồng thời, hệ thống các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải độc lập với hệ thống hành chính. Việc thành lập cơ quan tài phán chuyên trách về đất đai ở cấp trung ương hoặc cấp vùng có thể khắc phục phần nào tình trạng các tòa án địa phương ủng hộ cho các chính sách quy hoạch của chính quyền địa phương. Phòng ngừa tham nhũng trong hệ thống tòa án thông thường sẽ đảm bảo năng lực bảo vệ các lợi ích đất đai của người dân và tạo một sân chơi bình đẳng giữa người dân mất đất và các cơ quan nhà nước cũng như các chủ đầu tư đầy thế lực.

Còn tiếp

Nguyễn Đức Lam

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/vu-dong-tam-my-duc-khi-lanh-dao-den-voi-dan-368343.html
Zalo