Chuyển đổi số tại hợp tác xã: Đối diện nhiều thách thức

Chuyển đổi số được xem là giải pháp sống còn với các hợp tác xã, tuy nhiên hành trình chuyển đổi của khu vực này đang gặp không ít rào cản.

Con số khiêm tốn

Theo đánh giá, chuyển đổi số trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp giúp giảm chi phí vận hành tới 30%, giảm chi phí vật tư phân bón từ 15-20%; đồng thời, tăng năng suất từ 15-28%. Nhận thấy tiềm năng của thương mại điện tử, HTX Nông nghiệp Hena (Đắk Lắk) chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại tinh dầu và dầu ép lạnh đã chú trọng phát triển kinh doanh trên các nền tảng công nghệ số.

Nhờ chuyển đổi số, nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Minh Nguyệt

Nhờ chuyển đổi số, nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Minh Nguyệt

Theo đó, HTX đã tạo dựng được thương hiệu và kinh doanh có hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử giúp HTX tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng mới và ký kết được nhiều hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp (DN) lớn trong và ngoài nước như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Australia.

Hiệu quả đem lại từ chuyển đổi số rất rõ tuy nhiên theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đến nay có khoảng 2.600 trong số hơn 22.500 HTX nông nghiệp trên cả nước ứng dụng phần mềm và công nghệ số. Đây là con số khá thấp so với vị thế và tiềm lực của ngành nông nghiệp nước ta.

Đề cập về những hạn chế làm giảm tốc độ chuyển đổi số tại các HTX, ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam cho biết, hiện nay phần lớn nông dân và các thành viên HTX vẫn quen với phương thức sản xuất theo lối công nghiệp, ngại thay đổi và chưa có thói quen ghi chép, lưu trữ dữ liệu một cách hệ thống. Phần lớn các HTX lại có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư cho công nghệ, hạ tầng và đào tạo nhân lực. Các chính sách hỗ trợ còn chồng chéo, thiếu sự rõ ràng. Trong khi đó, chuyển đổi số là một quá trình đầu tư dài hạn và cần có sự kiên trì, không thể có kết quả ngay lập tức.

“Nhiều HTX chưa có thiết bị phù hợp, mạng Internet yếu, thiếu phần mềm quản trị chuyên biệt. Thói quen sản xuất thủ công, ngại ghi chép, thiếu kỹ năng số khiến HTX khó tiếp cận các công cụ kỹ thuật mới. Ngoài ra, chúng ta vẫn còn thiếu vốn đầu tư, nhân lực trẻ khan hiếm, còn lúng túng trong tiếp cận chính sách”, ông Mai Quang Vinh nhấn mạnh.

Cần sự tiếp sức từ Nhà nước

Hiện nay, theo thống kê cả nước có hơn 28.000 HTX hơn 100 liên hiệp hợp tác xã và khoảng 100.000 tổ hợp tác, trong đó, HTX nông nghiệp chiếm khoảng 66%. Để chuyển đổi số tại các HTX thành công, tại hội thảo mới đây do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho rằng cần có sự dẫn dắt và phối hợp 3 chiều: Nhà nước - HTX - DN công nghệ. Trong đó, về phía Nhà nước có những chính sách tín dụng công nghệ, miễn/giảm thuế cho đầu tư số hóa và đào tạo nhân lực. Về phía HTX cần tự đổi mới từ bên trong, bắt đầu từ việc thay đổi thói quen quản lý, học hỏi kỹ năng số cơ bản và sẵn sàng hợp tác với DN cung cấp giải pháp công nghệ.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, hiện Nhà nước cũng đang thúc đẩy 2 chương trình song hành gồm chuyển đổi số quốc gia đến 2025, tầm nhìn 2030 và chiến lược tăng trưởng xanh. Điều này tạo cơ hội, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm buộc HTX phải chuyển mình theo định hướng phát triển bền vững.

Cũng theo bà Vân, từ năm 2027, nhiều thị trường quốc tế sẽ yêu cầu sản phẩm phải có chứng chỉ carbon, chỉ số phát thải, truy xuất cả chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). Nếu không chuẩn bị từ bây giờ, HTX Việt Nam sẽ bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu. Chính vì vậy, chuyển đổi số đối với HTX không chỉ là chuyện cài phần mềm hay mua thêm máy móc. Đó là cả một quá trình thay đổi cách nghĩ, cách làm từ tổ chức lại sản xuất, quản lý hiệu quả hơn, đến việc nâng cao năng lực điều hành để bắt kịp xu thế mới.

Khảo sát của Ngân hàng thế giới cho thấy, có tới 60% nông dân, HTX sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ tư vấn và thông tin dự báo. Điều này thể hiện tinh thần học hỏi, nâng cao kỹ năng chuyển đổi số luôn sẵn sàng. Đặc biệt, nếu được tiếp cận các cơ sở đào tạo, tập huấn và kết nối với sàn thương mại và nền tảng xã hội, HTX sẽ nâng cao năng lực cũng như giải quyết những khúc mắc trong bán hàng online. Chính vì vậy theo các chuyên gia về phía Nhà nước cần xây dựng nền tảng dùng chung, như phần mềm kế toán HTX, hệ thống truy xuất nguồn gốc, cổng quản lý HTX số... để tiết kiệm chi phí đầu vào.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-doi-so-tai-hop-tac-xa-doi-dien-nhieu-thach-thuc-10309514.html
Zalo