Chuyển đổi số giúp nông sản miền núi Khánh Hòa tiếp cận nhanh thị trường

Chuyển đổi số giúp nông sản tỉnh Khánh Hòa tiếp cận thị trường nhanh hơn, giảm phụ thuộc thương lái, nâng cao giá trị. Đây là giải pháp hiệu quả thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng cao, được địa phương xác định là đòn bẩy phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Hiện nay, nhiều đặc sản của tỉnh Khánh Hòa đã và đang từng bước khẳng định vị thế trên môi trường số. Không chỉ ở những khu vực trung tâm mà ngay cả các địa phương xa trung tâm đô thị, việc ứng dụng thương mại điện tử cũng mang lại hiệu quả rõ rệt.

Nông dân tỉnh Khánh Hòa bán hàng trực tuyến

Nông dân tỉnh Khánh Hòa bán hàng trực tuyến

Tại phường Bắc Nha Trang (xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang cũ), nơi có địa hình bán sơn địa, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 15km, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, chủ thương hiệu chả cá An Food đã sớm triển khai bán hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Khách hàng chủ yếu của cơ sở này là người tiêu dùng nội tỉnh và khách du lịch trong nước. Từ quy trình đóng gói đến vận chuyển, mọi công đoạn đều được chú trọng để giữ độ tươi ngon và tiện lợi cho người mua. Sản phẩm được giao tận nơi, phục vụ nhu cầu sử dụng ngay hoặc làm quà biếu.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, nhờ thương mại điện tử mà sản phẩm của cơ sở tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn, tăng doanh thu:"Hiện nay đa số khách hàng rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Khách du lịch cũng có, khách địa phương cũng nhiều. Họ thường gọi điện đặt hàng, bên em sẽ đóng gói nông sản tươi và giao tận nơi, thường là đến khách sạn hoặc địa chỉ khách yêu cầu. Nhiều người mua về làm quà hoặc dùng ngay vì tiện lợi, đúng lúc."- bà Huyền nói.

Quy trình sản xuất chả cá tại phường Bắc Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Quy trình sản xuất chả cá tại phường Bắc Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Trong khi đó, ở các địa phương miền núi như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh có nhiều nông sản đặc trưng như sầu riêng, mít nghệ, chuối hột, trà vối, người dân cũng đã tiếp cận các nền tảng trực tuyến. Thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhiều hộ dân ở đây đã biết thực hiện livestream bán hàng. Đến nay, sản phẩm của bà con đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, tiêu thụ thuận lợi hơn, mang lại thu nhập cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Bính, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Sơn cho biết:"Thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích. Không tốn mặt bằng, giảm chi phí kho bãi, không cần qua trung gian nên tiết kiệm hoa hồng. Ngoài ra còn tiết kiệm quảng cáo, vận chuyển, và có thể chủ động đào tạo bà con bán hàng qua mạng xã hội."

Chả cá là sản phẩm được nhiều du khách lựa chọn khi đến du lịch Khánh Hòa

Chả cá là sản phẩm được nhiều du khách lựa chọn khi đến du lịch Khánh Hòa

Từ những tín hiệu tích cực, xã miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2025–2030. Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở vùng cao. Thực tế cho thấy, khi được triển khai đúng hướng, chuyển đổi số rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và thị trường. Qua các nền tảng số, các loại nông sản như sầu riêng, mít nghệ, chuối… tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng và doanh nghiệp, hạn chế phụ thuộc vào thương lái, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu bền vững.

Đảng bộ xã này cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2030, tỷ lệ hộ khá, hộ giàu tại địa phương tăng từ 1,4% lên 6%, trong đó nhiều hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Theo đó, xã Khánh Sơn sẽ tập trung vào các đột phá như: nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng khoa học – kỹ thuật, cập nhật thông tin thị trường, hỗ trợ người dân sử dụng công cụ số trong sản xuất và tiêu thụ.

Ông Bùi Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa khẳng định: "Trong chuyện chuyển đổi số, điều đáng lo nhất là khả năng tiếp cận của người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn là rất quan trọng. Cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung – cầu, tổ chức diễn đàn, kết nối giao thương, để bà con có thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ bền vững."

Nhiều loại nông sản của tỉnh Khánh Hòa đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử

Nhiều loại nông sản của tỉnh Khánh Hòa đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2025, Hội Nông dân các cấp tỉnh Khánh Hòa đã đồng hành hỗ trợ bà con chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực, nâng cao năng suất và thu nhập.

Một trong những trọng tâm là hỗ trợ nông dân tiếp cận chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bà con đã được Hội Nông dân tập huấn làm quen với việc giới thiệu sản phẩm trực tuyến, livestream bán hàng và phân tích xu hướng tiêu dùng để điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Các lớp tập huấn trở nên hấp dẫn khi thực hành tại vườn, mô hình “kèm cặp trực tiếp” cùng sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia trẻ, nhà sáng tạo nội dung đã tạo hiệu ứng tích cực.

Ông Lê Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đánh giá, nhiều sản phẩm như sầu riêng, bưởi da xanh… đã có mặt trên sàn thương mại điện tử, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao giá trị. Huấn luyện cho bà con livestream bán hàng trên mạng xã hội. Khi bà con đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, không chỉ bán hàng mà còn nắm bắt được tín hiệu thị trường – người tiêu dùng cần gì, mẫu mã nào được ưa chuộng. Từ đó điều chỉnh sản xuất phù hợp, bán được nhiều hơn, giá trị cao hơn.

Tỉnh Khánh Hòa có nhiều nông sản có giá trị kinh tế cao tại miền núi

Tỉnh Khánh Hòa có nhiều nông sản có giá trị kinh tế cao tại miền núi

Chuyển đổi số bước đầu giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, đồng thời thay đổi tư duy từ manh mún sang sản xuất có kế hoạch, phù hợp nhu cầu thị trường. Đây chính là con đường đưa nông sản miền núi Khánh Hòa ra thị trường lớn, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chuyen-doi-so-giup-nong-san-mien-nui-khanh-hoa-tiep-can-nhanh-thi-truong-post1216765.vov
Zalo