Chuyển đổi số - 'đôi cánh' bất ngờ của phụ nữ Việt Nam

Nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910-8/3/2024), đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN Việt Nam) đã có những chia sẻ với phóng viên báo Tin tức về vấn đề tăng cường hỗ trợ phụ nữ trong công tác chuyển đổi số.

Trong những năm gần đây, công tác chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng quyết liệt. Xin đồng chí đánh giá quá trình chuyển đổi số mang lại lợi ích gì cho phụ nữ Việt Nam và ở góc nhìn ngược lại, vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số như thế nào?

Những năm gần đây, công tác chuyển đổi số tại Việt Nam được các cấp, các ngành và người dân tích cực thực hiện với ba trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, đạt nhiều kết quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, trong đó có phụ nữ.

Lợi ích chuyển đổi số mang lại rất rõ nét. Thứ nhất, phụ nữ và người dân được sử dụng những công nghệ hiện đại, tiến bộ hơn, được hưởng các dịch vụ một cách bình đẳng, nhanh chóng và chất lượng hơn như về hành chính công, y tế, giáo dục, giao thông… qua đó tiết kiệm được thời gian, công sức và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là cơ hội đối với mọi phụ nữ, kể cả những phụ nữ có điều kiện tiếp cận khó hơn như: phụ nữ cao tuổi, phụ nữ nông dân, phụ nữ vùng sâu vùng xa... cũng có điều kiện tiếp cận kiến thức, tiếp cận các dịch vụ tiên tiến.

Bên cạnh đó, nền kinh tế số giúp cho chị em được tiếp cận thị trường một cách thuận lợi, nhanh chóng, rất nhiều chị em đã phát triển kinh doanh, cải thiện thu nhập thông qua sàn giao dịch thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Trước đây, chị em chỉ triển khai bằng những phương pháp truyền thống. Hiện tại, ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ cần nhấn nút, có thể triển khai công việc khắp cả nước, khắp thế giới một cách dễ dàng. Trong lao động sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tưới cây chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, cài các thiết bị hiện đại và nhấn nút điều khiển nhanh chóng. Nhấn và tắt trong các công đoạn tưới cây xanh, giám sát các quá trình sản xuất của các sản phẩm, thậm chí là giám sát được quá trình lao động sản xuất của công nhân. Chuyển đổi số đem lại rất nhiều tiện ích, lợi ích.

Có thể nói, sự thay đổi tiến bộ, hiện đại này rất quan trọng và cần thiết cho tất cả mọi người, trong đó có chị em phụ nữ. Phụ nữ thường tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật chậm hơn so với các đối tượng khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng những năm qua, với xu hướng phát triển này chị em phụ nữ đã thích ứng nhanh, từng bước đáp ứng những yêu cầu của xã hội, nắm bắt kịp thời sự phát triển để phục vụ tốt cho lao động sản xuất và chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho chị em ngày càng tốt đẹp hơn.

Bên cạnh việc thụ hưởng các lợi ích của chuyển đổi số, phụ nữ và người dân cũng đóng vai trò chủ thể của chuyển đổi số. Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ chính là lực lượng quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Có rất nhiều nữ lãnh đạo, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ số, chủ doanh nghiệp đang tích cực đóng góp công sức, sáng kiến, tham gia chuyển đổi số; đặc biệt, các lực lượng phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực và các vùng miền cũng đang nỗ lực học tập để thích ứng, trở thành chủ thể nắm bắt công nghệ, thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Đồng chí có thể cho biết hiện nay, phụ nữ tại các tỉnh, thành phố đang “bắt nhịp” với quá trình chuyển đổi số như thế nào, đã đạt được các kết quả ra sao?

Thời gian qua, các cấp Hội cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia quá trình chuyển đổi số.

Đối với cán bộ Hội, Hội LHPN các tỉnh, thành phố đã tập huấn, hướng dẫn, nâng cao năng lực đội ngũ Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Chi Hội trưởng, tổ trưởng về ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Hội, cách sử dụng các phần mềm thống kê, tổng hợp, quản lý hội viên. Hội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông của Hội như: Sử dụng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện; ứng dụng công nghệ thông tin để bình chọn, thu thập ý kiến cán bộ, hội viên; tuyên truyền các giá trị tốt đẹp, những mô hình hay, điển hình tiên tiến trong phụ nữ để lan tỏa những điều tích cực, nhân văn, nâng cao giá trị, vị thế của người phụ nữ.

Đối với hội viên phụ nữ, các cấp Hội đã tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về sử dụng mạng xã hội, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng; tuyên truyền, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt; cung cấp cho chị em kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt trên các kênh đa phương tiện và các nền tảng mạng… Chị em ở khắp mọi miền đất nước đã có điều kiện, cơ chế thuận lợi, ngày càng tự tin tham gia sâu rộng vào quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, chị em cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức, ví dụ như: Với phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, việc tiếp cận công nghệ thông tin, kiến thức, kỹ năng còn rất hạn chế; thiếu các trang thiết bị, điện thoại thông minh, độ phủ sóng internet yếu; việc nắm bắt những ứng dụng phần mềm công nghệ mới chậm hơn... Dù muốn hưởng ứng nhưng một số chị em chưa thể thực hiện, hoàn thiện mục tiêu chung của Trung ương Hội đặt ra, cũng như yêu cầu phát triển về chuyển đổi số của đất nước.

Về vấn đề này, Hội LHPN đã đánh giá thực trạng, ưu điểm và hạn chế của hệ thống Hội, cũng như công tác phụ nữ cả nước, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục, chẳng hạn: Thiếu về kiến thức, kỹ năng, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các lớp tập huấn; thiếu trang thiết bị, chúng tôi sẽ tham mưu để có đề án chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt. Hiện tại chúng tôi đang xây dựng đề án, cố gắng năm nay sẽ được phê duyệt. Trong đề án sẽ bao gồm những mục tiêu, nội dung Trung ương Hội mong muốn và đặt ra để có nguồn ngân sách trực tiếp hỗ trợ cho những công việc này, để triển khai hiệu quả, phủ rộng đến vùng sâu, vùng xa.

Trên cơ sở tích hợp vào các đề án, mục tiêu quốc gia hiện nay để vận dụng, thực hiện hỗ trợ tối đa cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Chẳng hạn: Vấn đề thiết bị, đường truyền internet, một mình Hội LHPN không thể hoàn thành được, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương... để trang bị đường truyền dẫn tại chính các địa phương.

Đối với máy tính, chúng tôi đã và đang phát động năm nay phấn đấu 100% các cơ sở Hội cả nước phải có máy tính hiện đại, có thể sử dụng các phần mềm hiện đại, để phục vụ công tác chuyển đổi số, cũng như quản lý chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hội viên... Bên cạnh đó là xã hội hóa, ngân sách nhà nước kết hợp xã hội hóa, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ vùng sâu, vùng xa thiếu máy tính, thiết bị thông minh.

Đối với điện thoại, chúng tôi cũng vận động chị em phụ nữ có điều kiện nên trang bị điện thoại thông minh để sử dụng đa năng, phục vụ cho lao động, sản xuất, cuộc sống hàng ngày và tham gia các dịch vụ công trực tuyến hiện nay. Những chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ bằng hình thức xã hội hóa, bằng các chương trình đề án. Tôi được biết, ở các bộ, ngành cũng có nhiều chương trình hỗ trợ. Chúng tôi có đội ngũ nhân sự, cán bộ nòng cốt của Hội phụ nữ sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương, tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp chị em phụ nữ sử dụng thành thạo các phần mềm hiện nay.

Những khó khăn, thử thách, đặc biệt với những phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa tiếp cận được với internet, thiếu thiết bị công nghệ... là thực tế không tránh khỏi. Vậy thưa đồng chí, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và sẽ làm gì để hỗ trợ các đối tượng phụ nữ này tiếp cận, thích ứng với chuyển đổi số?

Hội LHPN cũng đã đánh giá thực trạng, ưu điểm và hạn chế của hệ thống Hội, cũng như công tác phụ nữ cả nước. Từ chính điều này, chúng tôi đề ra các giải pháp khắc phục, chẳng hạn: Thiếu về kiến thức, kỹ năng, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các lớp tập huấn; thiếu trang thiết bị, chúng tôi sẽ tham mưu để có đề án chuyển đổi số quốc gia được chính phủ phê duyệt. Hiện tại chúng tôi đang xây dựng đề án, cố gắng năm nay sẽ được phê duyệt. Trong đề án sẽ bao gồm những mục tiêu, những nội dung Trung ương Hội mong muốn và đặt ra để có nguồn ngân sách trực tiếp hỗ trợ cho những công việc này, để triển khai hiệu quả, phủ rộng đến vùng sâu, vùng xa.

Trên cơ sở tích hợp vào các đề án, các mục tiêu quốc gia hiện nay để vận dụng, thực hiện hỗ trợ tối đa cho chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Chẳng hạn: Vấn đề thiết bị, đường truyền internet, một mình Hội LHPN không thể hoàn thành được, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, Bộ Thông tin và truyền thông, các địa phương,... để trang bị đường truyền dẫn tại chính các địa phương.

Đối với máy tính, chúng tôi đã và đang phát động năm nay phấn đấu 100 % các cơ sở Hội cả nước phải có máy tính hiện đại, có thể sử dụng các phần mềm hiện đại, để phục vụ công tác chuyển đổi số, cũng như quản lý chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hội viên... Bên cạnh đó là xã hội hóa, ngân sách nhà nước kết hợp xã hội hóa, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ những vùng sâu, vùng xa thiếu máy tính, thiết bị thông minh.

Đối với điện thoại, chúng tôi cũng vận động chị em phụ nữ có điều kiện nên trang bị một chiếc điện thoại thông minh để sử dụng đa năng, phục vụ cho lao động, sản xuất, cuộc sống hàng ngày và tham gia các dịch vụ công trực tuyến hiện nay. Những chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ bằng hình thức xã hội hóa, bằng các chương trình đề án. Tôi được biết, ở các bộ ngành cũng có nhiều chương trình hỗ trợ. Chẳng hạn: Bộ Thông tin và Truyền thông có những đề án trang bị các thiết bị thông minh cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, để hỗ trợ nhân dân chuyển đổi số cũng như tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến thuận lợi hơn, qua đó thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số và xây dựng xã hội số.

Xây dựng xã hội số, tức là Nhân dân, công dân, trong đó có chị em phụ nữ, phải sử dụng nhiều dịch vụ hơn, nhiều công năng được phát huy mạnh mẽ hơn, không chỉ ở góc độ trang bị các thiết bị, máy móc hiện đại. Trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại nhưng không có người sử dụng, hoặc sử dụng không hết công năng thì tính hiệu quả và chất lượng sẽ không cao.

Ngoài ra, chúng tôi có những đội ngũ nhân sự, đội ngũ cán bộ lực lượng nòng cốt của Hội Phụ nữ sẵn sàng đi khắp nơi hỗ trợ cho các địa phương, hỗ trợ trong tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp chị em phụ nữ sử dụng thành thạo các phần mềm hiện nay.

Bên cạnh những lợi ích khi tham gia vào chuyển đổi số, phụ nữ cũng gặp phải nhiều rủi ro, nguy cơ mất, lộ thông tin cá nhân, bị lợi dụng, lừa đảo,... trên môi trường số. Để ngăn chặn, hạn chế những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn, hỗ trợ phụ nữ thích ứng với chuyển đổi số, theo đồng chí, cần có những phương án, biện pháp nào?

Trung ương Hội LHPN Việt Nam luôn gắn với chủ đề năm và các nhiệm vụ công tác chuyên môn để triển khai thường xuyên đến hội viên phụ nữ trong quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt làm như thế nào để chị em phụ nữ có sự nhạy bén, cảnh giác hơn, để thích nghi và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và chất lượng cao, để phục vụ cho chính bản thân và đời sống, tránh những rủi ro trong quá trình sử dụng các công nghệ, cũng như tìm hiểu thông tin trên mạng có chọn lọc.

Hội tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như cảnh báo những cái rủi ro khi tham gia vào môi trường mạng, tham gia vào việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ có những cái rủi ro mất, lộ thông tin cá nhân như thế nào. Các chị em cần biết được những kiến thức, kỹ năng này để có cảnh giác, nhạy bén xử lý khi gặp phải những tình huống phức tạp xảy ra với mình và gia đình, tránh những sự việc đáng tiếc xảy.

Theo số liệu tại Hội thảo do Bộ Công an phối hợp với Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đồng tổ chức hồi tháng 11/2023, có tới 90% nạn nhân các vụ lừa đảo trên không gian mạng là phụ nữ. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân: Do thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, có tổ chức; do quy định pháp luật chưa bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nhưng có nguyên nhân chủ quan là thiếu kiến thức, kỹ năng, chưa tìm hiểu được đầy đủ thông tin về lĩnh vực chuyển đổi số, do sự nhẹ dạ cả tin của phụ nữ. Đây là những điểm mấu chốt chúng tôi nghĩ rằng cần phải cung cấp, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho chị em phụ nữ.

Như vậy, để hạn chế những rủi ro đối với phụ nữ khi tham gia vào chuyển đổi số, cần thực hiện nhiều biện pháp như: Hoàn thiện thể chế, tăng cường chế tài xử lý các hành vi lừa đảo; phối hợp xử lý tội phạm mạng xuyên quốc gia; Tuyên truyền, phổ biến để chị em hiểu về chuyển đổi số, về lợi ích cũng như các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn, có ý thức tự bảo vệ mình và người thân trong môi trường số; Cung cấp kiến thức, kỹ năng để chị em biết cách tham gia môi trường mạng một cách an toàn, hiệu quả; Hỗ trợ phụ nữ kịp thời xử lý khi gặp rủi ro thông qua các đường dây nóng, tổ nhóm tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn pháp lý… Bản thân mỗi phụ nữ cũng cần chủ động học hỏi, nâng cao kỹ năng thích ứng với môi trường số, nhạy bén và cảnh giác khi tiếp nhận thông tin…

Đầu tháng 1 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Chủ đề năm 2024 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”. Xin đồng chí cho biết, sau Lễ phát động, Hội sẽ triển khai những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nào để thực hiện mục tiêu, chủ đề trên?

Để thực hiện khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”, ngay từ đầu năm 2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động chủ đề năm “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” với nhiều hoạt động cụ thể sẽ được thực hiện trong năm nay và những năm tiếp theo như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về ứng dụng công nghệ thông tin; Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ thông tin cho cán bộ, hội viên phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tác nghiệp của cơ quan chuyên trách, trong hoạt động truyền thông, tư vấn pháp luật, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế… Vận động hỗ trợ máy tính có kết nối mạng cho Hội phụ nữ các xã khó khăn.

Đặc biệt, Hội sẽ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu hút, tập hợp hội viên thông qua các mô hình thu hút hội viên qua mạng xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội; quản lý hội viên; xây dựng cơ sở dữ liệu về hội viên.

Điểm nhấn trong hoạt động của năm 2024 chính là cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động rộng rãi, thực hiện từ tháng 1- 5/2024 nhằm tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp hay để cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt hội viên trong bối cảnh hiện nay. Trung ương Hội cũng sẽ tổ chức Hội thảo quốc gia về chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam; ký kết Chương trình phối hợp công tác với Bộ Khoa học và công nghệ giai đoạn 2024 - 2026 trong đó có các hoạt động về hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, Hội sẽ triển khai các chương trình thực hiện khâu đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội; đôn đốc việc triển khai, vận động xây dựng đề án chuyển đổi số trong hệ thống Hội để trình Chính phủ; triển khai các giải pháp thực hiện mô hình thí điểm tập hợp phụ nữ trên không gian mạng bằng các phần mềm hiện có.

Nhiều nội dung chương trình, chúng tôi đã cụ thể hóa ngay sau lễ phát động và triển khai cho Hội phụ nữ cả nước. Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành đã hưởng ứng và có kế hoạch triển khai đồng bộ đến các cơ sở bằng nhiều giải pháp khác nhau. Mục tiêu cuối cùng là mong muốn chị em phụ nữ cả nước có những cái kiến thức kỹ năng tốt để tiến bộ và vận dụng kiến thức phục vụ cho quá trình lao động sản xuất, cũng như chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của gia đình, cộng đồng xã hội tốt hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của quốc gia, đất nước trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hồng Phượng (Thực hiện), clip: HP-LP

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/chuyen-doi-so-doi-canh-bat-ngo-cua-phu-nu-viet-nam-20240307180356329.htm
Zalo