Chuyển đổi số doanh nghiệp: tư duy quan trọng hơn công nghệ
Chạy theo chuyển đổi số mà thiếu đổi mới tư duy, nhiều doanh nghiệp dễ sa vào thất bại. Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mà là cuộc cách mạng về vận hành và văn hóa.
Một trong những nguyên nhân gây thất bại trong chuyển đổi số doanh nghiệp hiện nay là do các doanh nghiệp chưa xác định được rõ bối cảnh thương mại, quy trình chuyển đổi, sự quyết liệt của người đứng đầu và có những giải pháp cụ thể chứ không phải chỉ đơn thuần mua những phần mềm, ứng dụng… về triển khai thì sẽ thành công.

Công nghệ đóng một vai trò không thể thiếu trong việc đảm bảo tính minh bạch và uy tín cho sản phẩm. Ảnh: TL
Khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp năm 2024 cho thấy, 92% doanh nghiệp đã quan tâm và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh và vận hành, với hơn 50% tiếp tục duy trì sử dụng các giải pháp số sau một thời gian thực hiện. Tuy nhiên, do hạn chế về tài chính, nhân lực cũng như hạ tầng kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và triển khai các giải pháp công nghệ.
Đổi số không chỉ bằng tiền
Ông Phạm Văn Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Checkee, cho biết để chuyển đổi số thành công, cần phải có quy trình cụ thể. Trong đó, doanh nghiệp cần phải xác định được bối cảnh thương mại, các thay đổi cần thiết trong mô hình kinh doanh, xác định các sáng kiến và xây dựng kịch bản kinh doanh chi tiết, cũng như xây dựng tài liệu đặc tả yêu cầu người sử dụng. Đồng thời hồ sơ mời thầu, hồ sơ chào giá và thực hiện chấm thầu cũng cần được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.
“Dục tốc bất bất đạt”, do vậy, để đạt được tính hiệu quả cao nhất, cần có sự hỗ trợ, tư vấn từ các chuyên gia hoặc những người am hiểu tốt chứ không được nóng vội và đốt cháy giai đoạn, ông nói tại Hội thảo truy xuất nguồn gốc và ESG cho doanh nghiệp phát triển bền vững hôm 18-7 tại TPHCM.
Thông qua việc xác định được bối cảnh thương mại, khách hàng mục tiêu, quy mô sản xuất… doanh nghiệp sẽ được tư vấn mô hình phù hợp, cần đổi mới những gì trong kinh doanh, sản xuất, kể cả kế toán lẫn quản lý nhân sự. Từ đó đưa ra quy trình để thay đổi mô hình kinh doanh và cả văn hóa doanh nghiệp.
Sở dĩ quy trình đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi số là vì việc này không chỉ đơn giản là đưa công nghệ vào vận hành mà là tái cấu trúc cách doanh nghiệp hoạt động. Nếu không có quy trình một cách đúng nghĩa, mọi đầu tư công nghệ đều có nguy cơ “bình mới rượu cũ”, dẫn tới thất bại hoặc không tạo ra giá trị thực sự.
Tư duy quan trọng hơn công nghệ
Theo ông Quân, tư duy “cũ kỹ” của người đứng đầu là điều rất khó để chuyển đổi và để chuyển đổi thành công. Nguyên nhân là vì chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là sự thay đổi toàn diện về cách vận hành, tư duy và văn hóa tổ chức.
Doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu cần nhận định được rằng chuyển đổi số là chiến lược phát triển dài hạn, chứ không phải đơn thuần là áp dụng công nghệ vào trong mô hình hoạt động sẵn có mà không có sự thay đổi phù hợp.
Thêm vào đó, nếu lãnh đạo không thực sự quyết liệt thì chuyển đổi số thành công là điều không thể. Người đứng đầu là người có tầm ảnh hưởng, nếu họ ngại thay đổi, thì cấp dưới cũng không thể thay đổi được. Do vậy, lãnh đạo cần có sự chủ động và chủ động một cách quyết tâm, kiên quyết và đưa ra những quyết định sáng suốt cho doanh nghiệp của mình.
Doanh nghiệp nên số hóa thế nào?
Theo ông Quân, có một số giải pháp mà doanh nghiệp nông nghiệp có thể ứng dụng bằng chuyển đồi số là thu thập, phân tích dữ liệu; cung cấp thông tin và hỗ trợ kết nối người bán/người mua; tự động hóa trong sản xuất; bán hàng đa kênh; quản lý thông tin lưu kho; truy xuất nguồn gốc (TXNG). Trong đó, 2 giải pháp mà doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai sớm là giải pháp truy xuất nguồn gốc và bán hàng đa kênh để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị.
Bán hàng đa kênh là giải pháp ứng dụng các công nghệ, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nông sản thông qua nhiều kênh bán hàng, bao gồm các kênh trực tuyến (online) và trực tiếp (offline) có tích hợp nhiều hình thức thanh toán khác nhau như thanh toán bằng tiền mặt, thẻ ngân hàng, ví điện tử…
Hiện nay giải pháp này được nhiều doanh nghiệp ứng dụng và có những hiệu quả rõ ràng. 55,7% nhóm nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu đang áp dụng mô hình đa kênh, với doanh thu phần lớn nằm trong khoảng 200 triệu đến 1 tỉ đồng/tháng.
Về giải pháp truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, đây là giải pháp cho phép người tiêu dùng cũng như các bên liên quan truy tìm lịch sử các thông tin về quy trình sản xuất, chế biến, phân phối và cho đến khi sản phẩm đến được tay người dùng.
Theo đó, doanh nghiệp có thể ứng dụng xuyên suốt chuỗi giá trị và với nhiều công nghệ khác nhau như QR, OCR, Data matrix GS1 RFID...
Trước đó, trong Đề án 100 của Chính phủ năm 2019 cũng nêu rõ mục tiêu về TXNG. Cụ thể, giai đoạn 2020 – 2025, có 20% sản phẩm phải ứng dụng TXNG. Giai đoạn 2026 – 2030 là 100% sản phẩm phải ứng dụng TXNG.