Chuyển đổi số - Cầu nối 'sống còn' giữa hai cấp chính quyền địa phương
Kể từ ngày 1-7 vừa qua, 34 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Với khối lượng công việc lớn, ứng dụng chuyển đổi số là cầu nối 'sống còn' để triển khai hiệu quả mô hình này.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa 2 cấp chính quyền địa phương”. Ảnh: Nhật Bắc
Đó là nhận định của các đại biểu tại Tọa đàm “Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tổ chức sáng 24-7, tại Hà Nội.
Hơn 3.200 xã vận hành chuyển đổi số trơn tru

Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn (bên trái) phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc
Từ ngày 1-7 vừa qua, 34 tỉnh, thành phố và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã trong cả nước thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đánh giá về kết quả bước đầu thực hiện mô hình này, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn cho biết, thực tiễn triển khai của các địa phương và qua nắm bắt của Bộ Nội vụ, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chính phủ trong tổ chức vận hành chính quyền địa phương hai cấp cho thấy, dù thời gian đi vào vận hành mới hơn 3 tuần nhưng bước đầu có những kết quả rất tích cực.
“Điều này cho thấy chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong tổ chức mô hình chính quyền địa phương mới, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước ta tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp”, ông Phan Trung Tuấn thông tin.
Theo ông Phan Trung Tuấn, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, bước đầu bộ máy vận hành tương đối trơn tru, hiệu quả, liên thông, thông suốt. Quan trọng nhất là không làm gián đoạn quá trình triển khai chuyển tiếp mô hình chính quyền địa phương 3 cấp sang chính quyền địa phương hai cấp.
Cùng với đó, cấp xã đã quan tâm hoàn thiện đồng bộ, tổ chức hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương cấp xã theo mô hình mới. Trong đó, UBND của 3.321 đơn vị cấp xã đã hoàn thiện tổ chức bộ máy, thành lập các cơ quan chuyên môn, trong đó Trung tâm Phục vụ hành chính công - nơi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp ngay từ cơ sở.
Ông Phan Trung Tuấn nhấn mạnh, một điểm đáng lưu ý là các địa phương đã đưa vào vận hành hệ thống giải quyết dịch vụ công có kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi cho kết nối, giải quyết các thủ tục hành chính, các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc
Với quan điểm công nghệ phải đi trước một bước, Bộ Khoa học và Công nghệ có những giải pháp hỗ trợ địa phương ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Chia sẻ về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho biết, chúng ta có hơn 12.000 cán bộ của các doanh nghiệp công nghệ số tham gia đồng hành với 3.219 xã để triển khai chuyển đổi trong quá trình sáp nhập. Bên cạnh đó, còn có lực lượng công an, quân đội và sinh viên tình nguyện cũng vào cuộc.
“Với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ trong 4 ngày liên tiếp, đến ngày 30-6, tất cả hệ thống thông tin, chuyển đổi số của các xã đã vận hành trơn tru, đáp ứng các yêu cầu của mô hình chính quyền địa phương hai cấp”, ông Phạm Đức Long chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, kể từ ngày 1-7, khi chúng ta thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cơ bản việc cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng như các hoạt động điều hành của chính quyền các cấp và các hội nghị truyền hình từ Trung ương đến địa phương đều vận hành trơn tru, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản đặt ra cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp.
Ba yếu tố quan trọng từ kinh nghiệm thực tiễn tại Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc
Thực tế triển khai cho thấy, mọi giải pháp công nghệ đều phải hướng đến mục đích cuối cùng là không gây phiền hà, không làm gián đoạn các giao dịch của người dân và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, ngay khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57, Thành ủy, HĐND- UBND thành phố cũng như các cấp chính quyền đều xác định, đây là chiếc chìa khóa vàng. Đây không đơn thuần chỉ là nghị quyết về chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mà quan trọng hơn là thiết kế lại mô hình quản trị đô thị.
Vì vậy, thành phố nhận thức sâu sắc yêu cầu đổi mới và Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành các chương trình hành động thông suốt từ cấp thành phố đến cấp huyện thời điểm trước và cấp xã sau sáp nhập. “Kinh nghiệm của Hà Nội được gói gọn trong ba yếu tố, đó là đồng bộ; dữ liệu và chủ động”, ông Trương Việt Dũng chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, đó là đồng bộ trong tổ chức thực hiện, từ nhận thức của cấp ủy đến hành động của chính quyền cũng như đến từng cán bộ cơ sở khi xử lý các nội dung liên quan đến thực hiện Nghị quyết 57. Thứ hai, dữ liệu chính là nền tảng. Thành phố nhận thức sâu sắc rằng, muốn quyết định vấn đề gì phải có dữ liệu và dữ liệu sẽ quyết định chính xác nhất, theo thời gian thực nhất.
Điều quan trọng thứ ba là chủ động. Nếu chúng ta đợi hết các quy định sẽ không đáp ứng được thực tiễn. Do vậy, quán triệt tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", thành phố vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và trong quá trình ấy, Hà Nội thành lập nhiều tổ, nhóm. Trên cơ sở từ những cán bộ làm trực tiếp, rồi nhận phản ánh từ người dân, thành phố tiếp tục hoàn thiện các quy trình, nội dung… để thực hiện Nghị quyết này.
“Sau ba tuần chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 66 nghìn hồ sơ để triển khai các thủ tục. Đến thời điểm này, cơ bản bộ máy chính quyền địa phương hai cấp vận hành thông suốt và đồng bộ”, ông Trương Việt Dũng khẳng định.
Đặc biệt với quan điểm "không ai bị bỏ lại phía sau", thành phố Hà Nội nhận thức rằng, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ người dân phải quan tâm đến các đối tượng yếu thế, người già cũng như người khuyết tật, để phục vụ thủ tục hành chính. Trong đó, bài học lớn nhất mà Hà Nội rút ra là nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt đầu từ nhân dân.
“Chúng tôi xác định công nghệ chỉ là công cụ. Con người là trung tâm; đồng bộ trong chỉ đạo; dữ liệu trong vận hành và chủ động trong triển khai… Đó là bài học lớn nhất mà thành phố Hà Nội đã vận hành đồng bộ và xuyên suốt trong ba tuần vừa qua”, ông Trương Việt Dũng khẳng định.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trương Việt Dũng kiểm tra tại Chi nhánh số 7, Trung tâm phục vụ Hành chính công thành phố và Điểm phục vụ hành chính phường Hà Đông. Ảnh: Kiều Vân
Ngày 17-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 111/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi số giai đoạn đầu vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Bên cạnh đó, theo phản ánh của các địa phương, còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập tổ liên ngành đến 4 địa phương và khảo sát hơn 11 xã, phường. Bên cạnh các vấn đề mà Công điện đã chỉ ra, Bộ nhận thấy còn nhiều vấn đề vướng mắc khác.
“Chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đưa vào nội dung sơ kết 6 tháng của Ban chỉ đạo của Chính phủ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 họp ngày 21-7 vừa qua. Chúng tôi đã nêu 25 nhóm vấn đề và chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, từng địa phương phải làm để thúc đẩy giải quyết các vấn đề này”, Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ.
Cụ thể, theo Thứ trưởng, khi nhiều xã sáp nhập lại thành một xã, cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Hoặc năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết thủ tục hành chính của lực lượng cán bộ chuyển xuống xã chưa đủ. Hoặc khi nhập tỉnh, dữ liệu của các xã, các địa phương kết nối cũng chưa đồng bộ, chưa liên thông.
"Ngoài ra, ở các bộ, ngành đang tồn tại vấn đề chữ ký số chưa cung cấp đầy đủ, vì vậy cán bộ công chức không thể thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.

Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (Hà Nội) Trịnh Ngọc Trâm phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc
Từ kinh nghiệm thực tế tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam Trịnh Ngọc Trâm cho rằng, bất cứ việc gì chúng ta triển khai mới đều sẽ có thuận lợi và khó khăn. “Về khó khăn, tôi nghĩ rằng không thể tránh khỏi những áp lực đối với cán bộ công chức. Bởi lẽ sau khi sắp xếp, sáp nhập, khối lượng công việc đối với cấp phường rất lớn”, bà Trịnh Ngọc Trâm cho biết. Đồng thời khẳng định, trong thời gian đầu tiên, những cán bộ ở cấp cơ sở, thậm chí là lãnh đạo chính quyền, luôn phải đồng hành cùng anh em để tháo gỡ khó khăn để có thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
“Chúng tôi nghĩ rằng có khó khăn nhưng với niềm tin của nhân dân cũng như sự đồng hành, ủng hộ của các cấp lãnh đạo, cấp cơ sở có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ”, bà Trịnh Ngọc Trâm nhấn mạnh.