Chuyển đổi năng lượng mở ra một tương lai tươi sáng cho Việt Nam

Việt Nam đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và quá trình chuyển dịch năng lượng hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội dài hạn cho người dân trong tương lai.

Chuyển đổi năng lượng mở ra một tương lai tươi sáng cho Việt Nam. (Nguồn: aminds)

Chuyển đổi năng lượng mở ra một tương lai tươi sáng cho Việt Nam. (Nguồn: aminds)

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ “Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050”. Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều nỗ lực nhằm tiến đến mục tiêu này.

Bà Sunita Dubey, Đại diện quốc gia của Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) nhận định, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi năng lượng, trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Đến năm 2023, các nguồn năng lượng tái tạo này chiếm 13% tổng lượng điện của cả nước - một bước nhảy vọt đáng kể so với mức ít ỏi chỉ vài năm trước đó. Thành công này được thúc đẩy bởi các chính sách có cấu trúc tốt, bao gồm biểu giá điện ưu đãi hấp dẫn cho các dự án năng lượng tái tạo, cùng với các khoản miễn thuế và giảm tiền thuê đất.

Mặc dù có những tiến bộ này, quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Cơ sở hạ tầng lưới điện không theo kịp tốc độ mở rộng nhanh chóng của công suất năng lượng tái tạo, dẫn đến tỷ lệ cắt giảm cao và tình trạng kém hiệu quả. Ví dụ, các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn đã bị giảm công suất do hạn chế về truyền tải, trong khi các dự án điện gió bị chậm trễ cho thấy những lỗ hổng trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện.

Để giải quyết những điểm nghẽn này, cần phải đầu tư hơn nữa vào quá trình hiện đại hóa lưới điện, cũng như áp dụng các công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến như hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) để cân bằng các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục.

Bà Sunita Dubey, Đại diện quốc gia của GEAPP tại Việt Nam trong chuyến thăm Hệ thống BESS tại Khu công nghệ cao TP.HCM (Saigon Hi-tech Park)

Bà Sunita Dubey, Đại diện quốc gia của GEAPP tại Việt Nam trong chuyến thăm Hệ thống BESS tại Khu công nghệ cao TP.HCM (Saigon Hi-tech Park)

Hành trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì đà phát triển trong khi giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống. Điều này bao gồm việc thúc đẩy chính sách để thu hút đầu tư tư nhân, cải thiện tính linh hoạt của thị trường năng lượng và tích hợp các giải pháp toàn diện đảm bảo lợi ích cho tất cả cộng đồng. Làm được những điều này, Việt Nam không chỉ có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà còn củng cố vai trò là quốc gia dẫn đầu khu vực trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Quá trình chuyển dịch năng lượng mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội dài hạn cho Việt Nam. (Nguồn: Fenice Energy)

Quá trình chuyển dịch năng lượng mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội dài hạn cho Việt Nam. (Nguồn: Fenice Energy)

Theo bà Sunita Dubey, quá trình chuyển đổi năng lượng mang lại những cơ hội kinh tế - xã hội dài hạn cho Việt Nam. Về mặt kinh tế, các dự án năng lượng tái tạo giúp tạo thêm việc làm, bao gồm lắp đặt, bảo trì và chuỗi cung ứng.

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA), sự chuyển dịch năng lượng tái tạo trên toàn cầu có thể tạo ra 42 triệu việc làm vào năm 2050, trong đó Đông Nam Á sẽ hưởng lợi đáng kể. Mở rộng quy mô các ngành năng lượng mặt trời và gió của Việt Nam có thể phát triển lực lượng lao động lành nghề và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh.

Về mặt xã hội, việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu truyền thống sẽ cải thiện sức khỏe cộng đồng bằng cách cắt giảm ô nhiễm không khí, vốn ảnh hưởng không cân xứng đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Sự chuyển dịch này sẽ giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo phi tập trung, chẳng hạn như lưới điện mặt trời siêu nhỏ, có thể trao quyền cho cộng đồng nông thôn bằng cách giải quyết bất bình đẳng về năng lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

Các dự án năng lượng tái tạo giúp tạo thêm việc làm. (Nguồn: VGP)

Các dự án năng lượng tái tạo giúp tạo thêm việc làm. (Nguồn: VGP)

Về lâu dài, vị thế dẫn đầu của Việt Nam về năng lượng tái tạo sẽ tăng cường an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu truyền thống và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Bằng cách liên kết các mục tiêu năng lượng với các chiến lược phát triển toàn diện, Việt Nam không chỉ có thể đạt được mức phát thải ròng bằng 0 mà còn có nền kinh tế kiên cường và công bằng hơn”, bà Sunita Dubey nhấn mạnh.

Có thể khẳng định rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc chuyển đổi năng lượng xanh. Quá trình này đem lại cơ hội việc làm cho nhiều người, thúc đẩy nền kinh tế xanh, bảo đảm an ninh năng lượng và mở ra một tương lai tươi sáng cho đất nước hình chữ S.

Quang Huy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-doi-nang-luong-mo-ra-mot-tuong-lai-tuoi-sang-cho-viet-nam-297056.html
Zalo