Chuyển đổi logistics xanh: Nhận diện để tận dụng cơ hội từ trong thách thức

Trong thời gian qua, với những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm, Logistics trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Ước tính, tham gia thị trường logistics hiện nay có trên 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và kho bãi

Ước tính, tham gia thị trường logistics hiện nay có trên 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và kho bãi

Tuy nhiên, ngành logistics của Việt Nam cũng đang đối mặt với yêu cầu mới, trong đó có xu hướng chuyển đổi xanh, còn được gọi là logistic xanh.

Chuyển đổi xanh hoặc đứng ngoài cuộc chơi

Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và sự bùng nổ của thương mại điện tử, ngành logistics Việt Nam cũng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 15% và quy mô thị trường từ 40 đến 42 tỷ USD/năm.

Ước tính, tham gia thị trường logistics hiện nay có trên 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và kho bãi, trong đó có những tên tuổi rất lớn của thế giới như DHL, CJ logistics và MaerskLines… Việt Nam cũng có những doanh nghiệp rất mạnh như Transimex, Sotran, Tân Cảng Sài Gòn có đủ khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam hiện nay xếp thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ và Việt Nam đứng trong tốp 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng hạng với Philippines.

Theo báo cáo năm 2023 của Agility thì Việt Nam cũng nằm trong tốp 10 thị trường logistics mới nổi và đứng thứ 4 về Chỉ số cơ hội logistics quốc tế, cho thấy tiềm năng của thị trường logistics Việt Nam rất lớn.

Logistics đã đóng góp không nhỏ trong kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2010 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ hơn 150 tỉ USD thì con số này đã tăng 3,6 lần lên trên 680 tỉ USD vào năm 2023; trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 vừa qua thì giai đoạn 2018 – 2022 tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của chúng ta vẫn giữ được tốc độ rất tốt, trung bình 11,3%/năm. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 có chững lại, tuy nhiên 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng khá cao so với một số nền kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á như: Trung Quốc tăng 4,3%; Hàn Quốc tăng 9,6%; Thái Lan tăng 3,9% (trong 9 tháng đầu năm 2024)...

Theo báo cáo và nghiên cứu dự báo của Standard Chartered thì Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại của toàn cầu và dự báo đến năm 2030 xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt trên 680 tỉ USD và với mức tăng trưởng trung bình 7%/năm.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu, sản xuất và sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là những động lực chính cho sự phát triển của dịch vụ logistics trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo xu hướng chung của thế giới ngành Logistics nói chung và ngành Logistics của Việt Nam nói riêng cũng đang đứng trước những đòi hỏi về chuyển đổi xanh. Logistics lại là một ngành có phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng rất cao. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts thì riêng hoạt động vận tải đã đóng góp đến 8% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Nếu cộng thêm kho bãi nữa thì con số này có thể lên đến 11%.

Chính vì lý do đó mà logistics cũng sẽ là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi xanh.

Doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những quy định mới của các Chính phủ và các tổ chức quốc tế đối với chuyển đổi xanh trong việc hạn chế rác thải và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm. Ví dụ như Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) đang siết chặt những quy định về nhiên liệu hàng hải và những quy định này sẽ tác động đến toàn bộ ngành hàng hải thế giới và Việt Nam cũng không tránh khỏi các quy định đó.

Bên cạnh những áp lực về việc tuân thủ quy định của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, các đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đều có yêu cầu rất cao về các tiêu chí xanh.

Nếu như trước đây các tiêu chí này chỉ áp dụng đối với sản phẩm, nghĩa là chỉ yêu cầu sản phẩm phải xanh; còn hiện nay tiêu chí này áp dụng với toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm đó, quy trình sản xuất ra sản phẩm phải xanh.

Mới đây Liên minh Châu Âu (EU) ban hành cơ chế chuyển đổi biên giới carbon là CBAM năm 2026 sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo cơ chế này thì EU họ sẽ áp thuế carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam và thuế này sẽ tùy thuộc vào lượng phát thải của quá trình sản xuất ra sản phẩm đó ở nước xuất khẩu.

Hoa Kỳ sắp tới cũng đang dự kiến sẽ áp dụng thuế carbon đối với hàng nhập khẩu. Những quy định này sẽ đòi hỏi các quá trình sản xuất ra hàng hóa ở các nước xuất khẩu phải xanh.

Tuy nhiên, để chuyển đổi xanh cũng đặt ra rất nhiều thách thức.

Ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi xanh hóa đòi hỏi chi phí rất lớn. Đây là khó khăn rất lớn vì đa phần doanh nghiệp logistics đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, mặc dù cơ sở hạ tầng đã được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa để đáp ứng được yêu cầu liên quan đến xanh hóa. Ví dụ, muốn chuyển đổi từ vận tải bằng đường bộ sang vận chuyển bằng các hình thức có mức phát thải thấp hơn như đường thủy nội địa, đường sắt cũng không hề dễ dàng.

Một thực tế khác, doanh nghiệp logistics của Việt Nam hiện có khoảng 34.000. Tuy nhiên phần lớn trong số này chỉ đóng vai trò là vệ tinh, cung cấp các dịch vụ logistics vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài. Nói cách khác là chúng ta mới chỉ tham gia được một phần trong chuỗi logistics toàn cầu.

Các tập đoàn lớn, các công ty logistics đóng vai trò là người điều hành chuỗi logistics trên toàn cầu, doanh nghiệp logistics Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi logistics của họ phải đáp ứng được yêu cầu để xanh hóa toàn bộ chuỗi logistics của họ.

Đồng thời đối với các doanh nghiệp logistics lớn của Việt Nam, để cạnh tranh, giành thị phần với các công ty logistics nước ngoài cũng sẽ phải chấp nhận chi phí để chuyển đổi xanh.

Rõ ràng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ phải chấp nhận những quy định về tiêu chuẩn xanh của quốc tế hoặc sẽ đứng ngoài cuộc chơi thương mại toàn cầu.

Xanh hóa ngành logistics không chỉ là xu hướng mà còn là động lực và yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics gia tăng năng lực cạnh tranh

Xanh hóa ngành logistics không chỉ là xu hướng mà còn là động lực và yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics gia tăng năng lực cạnh tranh

Bộ Công Thương và vai trò đầu tàu hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với logistics xanh

Với nhiệm vụ được giao là cơ quan đầu mối trong phát triển logistics quốc gia, Bộ Công Thương đang đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương để ghi nhận và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics gắn với logistics xanh và phát triển bền vững.

Hiện tại Bộ Công Thương vẫn đang tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 200 của Thủ tướng về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics quốc gia đến năm 2025. Trong đó Bộ cũng thường xuyên đẩy mạnh các công tác xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong tận dụng các FTA và phát triển các mối quan hệ ngành hàng.

Bên cạnh đó Bộ cũng phối hợp với các Hiệp hội như Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam để tổ chức các lớp tập huấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Đối với các lĩnh vực, các chính sách ưu tiên trong lĩnh vực logistics, các dự án về xây dựng Trung tâm logistics đang thuộc danh mục ưu đãi đầu tư và sẽ được hưởng đầy đủ các ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, với đặc thù của doanh nghiệp logistics Việt Nam trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cũng được hưởng những ưu đãi theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Riêng đối với phát triển logistics xanh thì hiện nay các chính sách của Chính phủ đang tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi phương tiện. Tức là khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương tiện chạy điện có lượng phát thải thấp. Cụ thể Chính phủ đã có chính sách rất nổi bật như: miễn lệ phí trước bạ trong ba năm đầu tiên cho xe tải điện vận hành bằng pin và giảm 50% lệ phí trước bạ trong hai năm tiếp theo.

Ngoài ra đối với các vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm tiết kiệm điện năng thì Bộ Công Thương cũng có những dự án hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi tiết kiệm điện năng. Hiện tại Bộ Công Thương đang thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035 và tầm nhìn đến 2045. Trong dự thảo, vấn đề phát triển logistics xanh cũng là một trong những quan điểm hàng đầu.

Sau khi dự thảo được ban hành, Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng chiến lược phát triển xanh cụ thể cho riêng dịch vụ logistics. Theo đó sẽ tích hợp tất cả những vấn đề như điện năng, chuyển đổi phương thức vận tải sao cho xanh hóa, tận dụng những phương thức vận tải tối ưu hơn.

Thay vì đường bộ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên lựa chọn vận chuyển hàng hóa của mình đến Hải Phòng bằng đường thủy, giúp tiết kiệm nhiên liệu. Đơn cử, vận chuyển một container hàng 20 feet giữa cảng cạn Quế Võ ở Bắc Ninh và cảng nước sâu Lạch Huyện ở Hải Phòng bằng sà lan có tải trọng 96 TEU chỉ tốn khoảng 10 lít dầu, trong khi vận chuyển bằng xe đầu kéo mất khoảng 45 lít dầu. Nhờ đó, việc sử dụng sà lan giúp giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường đến 80%.

Có thể thấy, xanh hóa ngành logistics không chỉ là xu hướng mà còn là động lực và yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics gia tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín thương hiệu, hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện hơn.

Trên thế giới, logistics xanh đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của nhiều doanh nghiệp hàng đầu như DHL, UPS, Maersk... Những “ông lớn” này đã đầu tư hàng tỷ đôla vào việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp logistics xanh, từ xe tải điện cho đến tàu biển sử dụng nhiên liệu thay thế….

Ngọc Hân

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/chuyen-doi-logistics-xanh--nhan-dien-de-tan-dung-co-hoi-tu-trong-thach-thuc-130170.htm
Zalo