Chuyển biến trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt với nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngay sau khi Luật PBGDPL có hiệu lực năm 2012, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện việc PBGDPL; chỉ đạo các cấp, ngành trên địa bàn căn cứ tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với phong tục, tập quán, trình độ nhận thức của người dân.

Để công tác tuyên truyền, PBGDPL được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, hằng năm, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với các địa phương, đơn vị từng bước kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; kiện toàn Hội đồng PBGDPL… Hiện nay, toàn tỉnh có 117 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 259 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 2.467 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã thực hiện nhiệm vụ PBGDPL tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch triển khai PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng và địa bàn, như: phổ biến pháp luật trực tiếp; tổ chức hội nghị trực tuyến; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, Internet, tờ gấp, áp phích, tài liệu tuyên truyền pháp luật; đăng tải trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.

Người dân xã Đức Xuân (Thạch An) thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Người dân xã Đức Xuân (Thạch An) thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện nhân rộng và phát huy các mô hình hay, hiệu quả như: Chuyên mục “Văn bản, chính sách mới” của Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng, chuyên mục “Cuộc sống và pháp luật” của Báo Cao Bằng; “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; lồng ghép tuyên truyền văn bản pháp luật vào các nội dung sinh hoạt của các chi hội phụ nữ, câu lạc bộ nông dân với pháp luật của Hội Nông dân tỉnh, câu lạc bộ pháp luật của Công an tỉnh, câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật...

Từ năm 2012 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai 1.525 cuộc PBGDPL cho 85.736 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 40 câu lạc bộ PBGDPL tại các xã, thị trấn biên giới với 425 thành viên; Công an tỉnh tổ chức 260 cuộc tuyên truyền với hơn 126.000 lượt người nghe. Ban Dân tộc tỉnh lồng ghép các hội nghị, tập huấn liên quan đến thực hiện các chính sách dân tộc được 109 lớp tập huấn, hội nghị với trên 8.000 lượt người tham gia là các cán bộ cơ sở và cộng đồng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cán bộ không chuyên trách xã, bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng nhóm Tin lành, đoàn thể xóm... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và UBND các huyện, Thành phố tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Giám đốc Sở Tư pháp Bàn Thanh Hiền cho biết: Luật PBGDPL được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác PBGDPL, từ đó nâng cao được sự tiếp cận, hiểu biết pháp luật của người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng đặc thù nói riêng. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thông qua các hình thức tuyên truyền, PBGDPL nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng đã kịp thời, nhanh chóng truyền tải nhiều kiến thức, quy định, những điều luật đến mọi tầng lớp nhân dân.

Tiến Mạnh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chuyen-bien-trong-cong-tac-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-3170399.html
Zalo