Chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình'

20 giờ tối thứ Sáu 16/8, tại Kỳ đài Bờ Bắc - Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình”.

Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là nơi tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình.

Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là nơi tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình.

Chương trình hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Khu vực Vĩnh Linh (25/8/1954 - 25/8/2024), ôn lại những năm tháng chia cắt hai miền Nam - Bắc và đặc biệt là dịp để nhắc nhớ kỳ tích lũy thép lẫy lừng Vĩnh Linh đầu cầu miền Bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam.

Chương trình "Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình” bao gồm hai phần chính: Phần lễ và Chương trình nghệ thuật chính luận. Phần nghệ thuật có 5 chương gồm “Vết cắt Bến Hải”, “Cuộc chia ly màu đỏ” và “Câu hò bên bến Hiền Lương”… Chương trình được dàn dựng kỳ công cùng âm thanh, ánh sáng được thiết kế đặc biệt với hy vọng thông qua nghệ thuật, khán giả sẽ có cái nhìn cụ thể hơn, ấn tượng và đầy cảm xúc, để “Vĩ tuyến 17” sẽ được kể tiếp câu chuyện hòa bình cho những thế hệ tương lai.

300 tác giả tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động về Ngày Giải phóng Thủ đô

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa phối hợp Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác tranh cổ động và logo tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Tháng 5/2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Cục Văn hóa cơ sở đã chính thức phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động và logo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đến đông đảo các họa sĩ, các đơn vị, tổ chức cùng các trường chuyên ngành mỹ thuật, thiết kế đồ họa trên địa bàn thành phố và khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cuộc thi lần này có quy mô lớn với sự tham gia của các tác giả đến từ 50 tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị hưởng ứng tham gia. Số lượng tác giả dự thi cũng nhiều nhất, với hơn 300 tác giả, gửi tới Ban tổ chức 700 tác phẩm. Ban tổ chức đã lựa chọn được 26 tác phẩm tiêu biểu để trao giải.

Điện Thái Hòa sẽ đón khách tham quan từ cuối tháng 11 năm nay

Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa (Thừa Thiên Huế) dự kiến sẽ được khánh thành, đón khách tham quan vào cuối tháng 11 tới, vượt tiến độ nhiều tháng so với kế hoạch.

Điện Thái Hòa được Vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, Vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn. Đây là nơi Hoàng đế ngự ngai vàng, tổ chức các buổi thiết triều, đại lễ và nghi thức quan trọng của triều đình.

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay. Đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí “nhất thi, nhất họa” độc đáo đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với hơn 200 năm tồn tại, trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu nhưng Điện Thái Hòa vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Vào cuối năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khởi công Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa với tổng mức đầu tư gần 129 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động khác.

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202408/chuong-trinh-nghe-thuat-dac-bietvi-tuyen-17-khat-vong-hoa-binh-e1b3ea7/
Zalo