Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - vừa học vừa 'xoay' : Hệ quả nhãn tiền

Bối cảnh vừa học vừa 'xoay' dẫn đến tình trạng học sinh thấy môn nào dễ đạt điểm cao sẽ chọn và hệ quả nhãn tiền là lượng thí sinh lựa chọn môn học khoa học tự nhiên ngày càng thấp…

Khối xã hội lấn át tự nhiên

Theo số liệu thống kê, năm 2017, lần đầu tiên thí sinh được lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội trong kì thi tốt nghiệp THPT. Khi đó, số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) nhiều hơn số thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) khoảng 90.000 em.

Học sinh tưởng được chủ động lựa chọn môn ở bậc THPT nhưng thực tế lại là bị động. Ảnh: NHƯ Ý

Học sinh tưởng được chủ động lựa chọn môn ở bậc THPT nhưng thực tế lại là bị động. Ảnh: NHƯ Ý

Từ năm 2018-2023, số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội luôn áp đảo. Đến năm 2023, con số chênh lệch lên tới gần 250.000 thí sinh. Năm 2024, trong số trên 1 triệu học sinh đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT, có tới 670.000 thí sinh đăng kí bài thi khoa học xã hội (63%). Theo Bộ GD&ĐT, so với năm 2023, số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây. Tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình... đa số học sinh lớp 12 chọn các môn xã hội là môn thi tự chọn cho kì thi tốt nghiệp THPT.

“Học sinh e ngại, tránh né các môn khoa học tự nhiên bởi cho rằng khó và không hấp dẫn. Đây là điều cần tính toán và có giải pháp từ gốc rễ. Giáo viên nên kiên nhẫn phân tích, giải đáp và cho học sinh thời gian nghiên cứu để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp các em thêm yêu môn tự nhiên”.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội

Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Nam Định), 2 năm trở lại đây, học sinh có xu hướng chọn môn xã hội nhiều hơn. Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025, có 248 học sinh lựa chọn môn xã hội trong và 177 học sinh chọn môn tự nhiên. Học sinh chọn tổ hợp A00 (Toán, Vật lí, Hóa học) xét tuyển đại học từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ có 78 em; số học sinh chọn tổ hợp B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) là 8 em. Trong khi đó, số học sinh lựa chọn tổ hợp D00 (Toán, Văn, Anh) là 206 em.

Tại tọa đàm “Nhìn lại 5 năm thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018”, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, nhiều tỉnh, thành có số học sinh chọn nhóm các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học chỉ đạt 11-15% khi vào lớp 10; số học sinh lựa chọn môn thiên về khoa học xã hội chiếm tỉ lệ áp đảo. Điều này khiến tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số môn học không được giải quyết triệt để.

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Tĩnh) có 318/410 HS lớp 12 chọn tổ hợp môn xã hội cho kì thi tốt nghiệp THPT 2025, chiếm tỉ lệ 77,5%. Trường THPT Nguyễn Huệ (Thái Bình) trong đợt khảo sát đăng kí môn thi tốt nghiệp mới đây có tới 80% học sinh chọn các môn thi khoa học xã hội. Sự mất cân đối này đang khiến các trường THPT đối mặt tình trạng thừa giáo viên các môn khoa học tự nhiên như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học và thiếu giáo viên khoa học xã hội.

Lứa học sinh đi đầu gặp khó

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, bước vào lớp 10, học sinh đã phải chọn môn học, rồi từ đó có căn cứ để chọn cơ sở giáo dục đại học đăng kí tuyển sinh, trong khi các trường đại học chưa công bố phương án tuyển sinh. Như vậy, học sinh hoàn toàn bị động trước những điều chỉnh về tuyển sinh, lựa chọn nghề nghiệp sau này. Điều này đi ngược với mục tiêu mà chương trình GDPT 2018 đặt ra đối với bậc THPT là định hướng nghề nghiệp.

Nhiều tổ hợp môn học do trường THPT lập ra không phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh nhưng học sinh lại không có lựa chọn khác, dẫn đến số lượng học sinh chọn các môn khoa học tự nhiên sụt giảm. Hệ lụy là chất lượng đào tạo các ngành khoa học cơ bản và STEM (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học) giảm sút.

Kết quả một khảo sát chỉ ra, có trên 55% số học sinh có nhu cầu dự thi các kì thi đánh giá năng lực, tư duy, kì thi riêng của các cơ sở đào tạo tổ chức. Nhưng để tham gia có hiệu quả, nhiều thí sinh gặp khó khi phải dự thi phần nội dung môn học mình chưa được học trên lớp. Việc bù đắp phần kiến thức thiếu hụt này để tăng cơ hội xét tuyển đại học cho thí sinh năm tới cũng là vấn đề vướng mắc.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ, thời gian chọn môn vào lớp 10 là giai đoạn vàng để định hướng cho học sinh, giúp các em phá vỡ rào cản tâm lí với các môn tự nhiên. Nếu bỏ qua thời điểm này, tỉ lệ học sinh chọn môn tự nhiên và môn xã hội sẽ mất cân bằng nghiêm trọng. Do vậy, khi học sinh lớp 10 vào học, nhà trường đã tư vấn đăng kí các tổ hợp môn phù hợp với sở trường, định hướng của bản thân. Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng nhiều tổ hợp môn để các em có thêm lựa chọn.

Năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, bên cạnh những khó khăn liên quan đến chọn môn, thí sinh, nhà trường còn gặp khó khăn với dạng thức đề thi mới. Bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hòa Bình cho hay, đề thi mới có xu hướng kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức, đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu và biết áp dụng vào thực tế hơn thay vì chỉ ghi nhớ lí thuyết. Cách tiếp cận mới có thể giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho việc học đại học hoặc nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, bà Hường cũng chỉ ra những khó khăn như thay đổi phương pháp học tập, học sinh phải thích nghi với cách học mới, chuyển từ học thuộc lòng sang học để hiểu và vận dụng.

Đề thi môn Ngữ văn không kiểm tra không sử dụng ngữ liệu trong SGK, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức xã hội mới có thể làm được bài. Khối lượng kiến thức rộng do chương trình GDPT 2018 yêu cầu học sinh nắm vững nhiều thể loại hơn. Giáo viên gặp thách thức khi ra đề, trong khi học sinh phải dành khoảng 10-20 phút để đọc và suy ngẫm nội dung ngữ liệu. Các môn học khác, dù số lượng câu hỏi của đề là 40 câu, nhưng tính chất câu hỏi đa dạng, bài tập trong đề dài, khiến học sinh khó hoàn thành trong khoảng thời gian 50 phút.

Ngoài ra, ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn học sinh chưa tiếp cận tài liệu, phương pháp học mới. Cả học sinh lẫn phụ huynh đều chưa có kinh nghiệm thi cử theo hình thức mới. Một số môn lần đầu tiên được tổ chức thi tốt nghiệp (theo lựa chọn của học sinh) như: Công nghệ, Tin học. Giáo viên các bộ môn chưa từng ôn thi tốt nghiệp, ít kinh nghiệm, ít nguồn tài liệu tham khảo,…

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-vua-hoc-vua-xoay-he-qua-nhan-tien-post1700206.tpo
Zalo