Chương trình đào tạo tài năng STEM phải tạo nguồn phát triển nhân tài sau đại học

CTĐT tài năng phải kết nối với đào tạo sau đại học, thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ then chốt.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có nêu: Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, các chương trình đào tạo tài năng phải gắn chặt với việc đào tạo sau đại học để nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục phát triển.

Chương trình tài năng tạo sẽ tạo nguồn cho đào tạo sau đại học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh - Trưởng khoa Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết: “Để phát triển các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ then chốt, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn việc đào tạo tài năng là yếu tố then chốt để tập trung đào tạo ở chiều sâu.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo sau đại học (đặc biệt là tiến sĩ) để nguồn nhân lực tài năng tiếp tục phát triển. Nếu chỉ tập trung vào đào tạo đại học mà không tạo điều kiện để sinh viên tài năng nghiên cứu chuyên sâu ở bậc học cao hơn, sẽ dẫn đến lãng phí”.

Về chính sách hỗ trợ tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Theo đó, người học được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục. Ngoài ra, học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng sẽ được cấp học bổng.

Thầy Quỳnh khẳng định, hỗ trợ tài chính từ nhà nước có tác động lớn đến tâm lý và động lực của người học. Đặc biệt là với những em có năng lực vượt trội về khoa học tự nhiên nhưng khăn kinh tế thường là rào cản khiến các em chùn bước.

Chính sách này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế mà còn tạo tâm lý yên tâm, khuyến khích sinh viên theo học và tiếp tục ở bậc sau đại học, từ đó xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực trọng điểm.

Thầy Quỳnh đề cập thêm, chính sách hỗ trợ học bổng và sinh hoạt phí, như dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tạo nền tảng kinh tế, nhưng cần kết hợp với các biện pháp khuyến khích đam mê nghiên cứu. Việc khơi dậy động lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để nuôi dưỡng tài năng một cách bền vững.

Trong đó, việc kết nối sinh viên với các đề tài nghiên cứu thực tế cùng với sự hướng dẫn tận tâm từ giảng viên, không chỉ giúp phát triển kỹ năng chuyên môn mà còn xây dựng đội ngũ tài năng trở thành nòng cốt cho chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.

Theo vị Trưởng khoa: "Các chương trình đào tạo tài năng cần được xây dựng riêng biệt, phù hợp với đối tượng sinh viên có năng lực vượt trội. Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về nguồn lực trong đó có đội ngũ giảng viên chất lượng cao.

Đội ngũ giảng viên đóng vai trò cốt lõi trong việc vận hành và duy trì chương trình đào tạo tài năng. Do đó, phải chú trọng tuyển chọn và đào tạo đội ngũ này, khuyến khích họ nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các chương trình học tập trong và ngoài nước. Việc thu hút nhân tài từ nước ngoài trở về giảng dạy cũng rất quan trọng.

Cần xây dựng các cơ chế cởi mở, chính sách đãi ngộ hấp dẫn, để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi, từ đó đảm bảo chương trình đào tạo tài năng hoạt động hiệu quả và bền vững, đóng góp vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh - Trưởng khoa Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh - Trưởng khoa Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Dưới góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vũ - Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), chương trình đào tạo tài năng phải tạo nền tảng vững chắc để kết nối với đào tạo sau đại học, thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ then chốt. Đặc biệt, việc đào tạo tiến sĩ là vô cùng cần thiết để nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, làm chủ công nghệ.

Thầy Vũ nói: "Vướng mắc lớn nhất trong đào tạo tiến sĩ hiện nay là người học phải đóng học phí vì có ít nguồn hỗ trợ từ nhà nước và doanh nghiệp. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Đây là bước đi đúng đắn, sẽ khuyến khích và thu hút người học.

Tuy nhiên, theo tôi, nên tập trung trước tiên vào nghiên cứu sinh thay vì bao gồm học viên cao học. Với mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng là không đủ để nghiên cứu sinh an tâm làm việc và nghiên cứu. Nghiên cứu sinh cần được xem như người làm việc, được miễn học phí và trả lương vì họ sẽ là những người đóng góp vào nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm từ nghiên cứu như công bố khoa học, sáng chế, sản phẩm.

Song song với đó, cần tăng cường cơ sở vật chất, tạo môi trường làm việc tốt cùng cơ hội giao lưu, tiếp cận với cộng đồng nghiên cứu thế giới cho các nghiên cứu sinh. Ví dụ như các chính sách hỗ trợ nghiên cứu sinh đi thực tập, tham gia hội thảo, hội nghị trên thế giới".

Vị Phó Trưởng khoa chỉ ra, chương trình đào tạo tài năng cần tập trung vào hai nhóm đối tượng chính. Thứ nhất là đào tạo những sinh viên có kiến thức nền tảng vững chắc, đủ khả năng nghiên cứu chuyên sâu ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, nhằm nghiên cứu và xây dựng các nền tảng công nghệ lõi.

Thứ hai là đào tạo các kỹ sư có kỹ năng chuyên sâu, nắm vững công nghệ để phát triển, ứng dụng và vận hành giải pháp phục vụ nhu cầu thực tế trong các ngành công nghiệp và đời sống.

Vì vậy, các chương trình đào tạo tài năng phải chú trọng nền tảng lý thuyết căn bản, kết hợp với ứng dụng thực tiễn. Điều này đảm bảo đáp ứng cả nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu và phát triển giải pháp công nghệ, từ đó xây dựng đội ngũ nhân lực nòng cốt cho chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vũ - Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vũ - Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "Cần hiểu rằng chương trình đào tạo tài năng không đơn thuần là một chương trình học nâng cao mà là một cơ chế phát triển nhân lực tinh hoa được thiết kế để phát hiện, nuôi dưỡng và hỗ trợ tối đa cho những cá nhân có năng lực và khát vọng vượt trội trong học thuật và nghiên cứu.

Yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng và triển khai chương trình đào tạo tài năng chính là tạo được một hệ sinh thái học thuật xuất sắc, trong đó người học có tiềm năng được phát triển thành người thực sự tài năng – có khả năng nghiên cứu, sáng tạo, dẫn dắt tri thức và chuyển giao giá trị.

Việc tuyển chọn người học tiềm năng vào các chương trình tài năng là cần thiết, nhưng chỉ là bước khởi đầu. Điều cốt lõi nằm ở chỗ, lộ trình học tập phải thách thức, cá nhân hóa, và gắn với môi trường nghiên cứu thực thụ, nơi sinh viên được tiếp xúc sớm với các vấn đề thực tiễn, được hướng dẫn, định hướng bởi các giảng viên giỏi, và có cơ hội tham gia các dự án khoa học – công nghệ có tầm ảnh hưởng. Cùng với đó là chính sách học bổng, cơ sở vật chất phù hợp và văn hóa học thuật nuôi dưỡng sự khám phá – không sợ sai – dám khác biệt.

Với bậc sau đại học, cách tiếp cận phải thay đổi rõ rệt. Lúc này, không còn là “thiết kế chương trình học riêng” mà là xây dựng cơ chế phát triển nhân tài: tuyển chọn nghiên cứu sinh có tiềm năng xuất sắc, tạo điều kiện nghiên cứu tại nhóm mạnh, cấp học bổng danh giá, khuyến khích công bố quốc tế và kết nối với mạng lưới học thuật toàn cầu.

Chúng ta cần có chính sách quốc gia để phát triển các trường sau đại học trọng điểm, kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Cũng lưu ý, ở bậc sau đại học việc đào tạo tài năng thường chỉ tập trung vào việc đào tạo nghiên cứu sinh.

Chỉ khi người học tài năng được đặt trong một hệ sinh thái học thuật phù hợp, được dẫn dắt và được tin tưởng đầu tư, thì quá trình phát triển tài năng mới bền vững – và hiệu quả đầu tư cho chương trình đào tạo tài năng mới thật sự tương xứng với kỳ vọng".

 hó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

hó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Cần đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị

Chia sẻ thêm đến vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho quá trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ then chốt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh bày tỏ: “Các trường đại học nghiên cứu cần vận hành các phòng thí nghiệm, dự án và đề tài nghiên cứu để tạo môi trường thực hành và sáng tạo cho sinh viên.

Tuy nhiên, trang thiết bị hiện tại ở nhiều trường chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, đặc biệt cho các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu vượt ngoài khuôn khổ các mô-đun thực hành được thiết kế sẵn. Nghiên cứu đòi hỏi không chỉ kỹ năng cơ bản mà còn sự tự do sáng tạo, cho phép sinh viên phát triển không giới hạn.

Ngoài việc đầu tư, sự hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng là một cách nhằm giải quyết vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng hiện nay, sự gắn kết này còn hạn chế nhất là khi nền công nghiệp ở Việt Nam hiện tại chưa hẳn là một nền công nghiệp công nghệ cao.

Bởi vậy, việc kết hợp với các phòng thí nghiệm, trường đại học danh tiếng hoặc đối tác nước ngoài là hướng đi hiệu quả để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và tạo cơ hội cho sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu tiên tiến".

 Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực hành trong phòng thí nghiệm về Điện tử. Ảnh: usth.edu.vn.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực hành trong phòng thí nghiệm về Điện tử. Ảnh: usth.edu.vn.

Theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vũ, để triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo tài năng phải có trang thiết bị, cơ sở vật chất cho học tập và nghiên cứu. Ví dụ, đối với ngành trí tuệ nhân tạo, các hệ thống siêu máy tính GPU hiệu năng cao, thiết bị IoT, tương tác người máy AR/VR là yếu tố không thể thiếu để hỗ trợ sinh viên phát triển, thử nghiệm và đánh giá giải pháp trong quá trình học tập và nghiên cứu.

Được biết, trong 5 năm qua, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã nhận được đầu tư đáng kể từ nhà nước, chủ yếu tập trung vào trang thiết bị hiện đại như siêu máy tính GPU của Nvidia, máy bay không người lái (drone), thiết bị tương tác người-máy (Kinect, Hololens, Leap Motion VR, Oculus), các thiết bị IoT và an toàn, bảo mật thông tin.

Các thiết bị này hỗ trợ nghiên cứu và thực hành trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và công nghệ then chốt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và công bố khoa học của giảng viên và sinh viên, đặc biệt trong các đề tài tốt nghiệp và dự án nghiên cứu thực tiễn.

Mặc dù vậy, cơ sở vật chất hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Để khắc phục, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, việc hợp tác với doanh nghiệp được xem là giải pháp tiềm năng để chia sẻ tài nguyên nhưng các thỏa thuận này vẫn còn hạn chế và chưa triển khai hiệu quả.

Trong tương lai, tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn, chia sẻ trang thiết bị và thực hiện các dự án nghiên cứu chung sẽ là hướng đi quan trọng để nâng cao năng lực nghiên cứu, thực hành của sinh viên và giảng viên, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thầy Vũ phân tích: “Nguyên nhân của việc hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học tại Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế đến từ việc các doanh nghiệp thường chú trọng giải quyết các bài toán ngắn hạn, mà chưa chú trọng đầu tư dài hạn vào việc hỗ trợ các trường đại học trong đào tạo tài năng cũng như nghiên cứu công nghệ then chốt.

Một nguyên nhân khác là thiếu các chính sách khuyến khích từ nhà nước như ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khi tham gia tài trợ trang thiết bị, dự án nghiên cứu, hoặc các hình thức hợp tác khác với các trường đại học.

Hiện tại, các trường đại học phần lớn vẫn phải tự lực trong việc phát triển cơ sở vật chất và vận hành chương trình đào tạo, thay vì nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp. Để khắc phục, nhà nước cần xây dựng các cơ chế chính sách cởi mở, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu khoa học, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia”.

 Sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: website nhà trường.

Sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: website nhà trường.

Cũng theo thầy Vũ, cơ sở vật chất hiện đại, phòng thí nghiệm chuyên sâu và thiết bị tiên tiến là điểm yếu của nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay – vốn gặp khó khăn trong việc đầu tư và duy tu hệ thống trang thiết bị đắt tiền, có chu kỳ lỗi thời nhanh.

Một trong những giải pháp được kỳ vọng là hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ máy móc, chia sẻ hạ tầng hoặc đồng tổ chức các phòng thí nghiệm nghiên cứu – đào tạo. Thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự mặn mà với hình thức hợp tác này, và nguyên nhân không chỉ nằm ở chính sách, mà còn xuất phát từ chính đặc thù cấu trúc của doanh nghiệp Việt Nam.

Quy mô nhỏ và vừa chiếm đại đa số, trên 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), vốn hạn chế về năng lực tài chính và tầm nhìn dài hạn. Các doanh nghiệp này thường ưu tiên đầu tư ngắn hạn, chưa có nhu cầu phát triển công nghệ lõi hay năng lực R&D (nghiên cứu và phát triển) mạnh, nên khó thấy lợi ích khi đầu tư vào hợp tác giáo dục – nghiên cứu.

R&D chưa phải là động lực tăng trưởng chính, nhiều doanh nghiệp công nghệ vẫn chủ yếu tập trung vào thương mại – phân phối – tích hợp, thay vì tự phát triển công nghệ. Việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu hoặc đầu tư thiết bị chỉ diễn ra ở một số doanh nghiệp lớn, còn lại chưa hình thành động lực nội tại để đồng hành với đại học trong nghiên cứu – đào tạo.

Thiếu niềm tin và cơ chế phối hợp hiệu quả với trường đại học, doanh nghiệp chưa nhìn thấy hiệu quả cụ thể khi hợp tác với cơ sở giáo dục, hoặc chưa có cơ chế pháp lý – tài chính thuận lợi để hiện thực hóa hợp tác. Trong khi đó, nhà trường đôi khi cũng chưa sẵn sàng về mặt năng lực triển khai hoặc chưa chủ động xây dựng cơ chế linh hoạt để đón nhận đầu tư, đồng vận hành phòng thí nghiệm.

Chính vì vậy, để thúc đẩy sự hợp tác thực chất cần có những điều kiện từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học.

Do đó, thầy Vũ cho rằng cần thiết lập một khung chính sách đặc thù dành riêng cho chương trình tài năng trong giáo dục đại học nhưng chính sách này không nên triển khai đồng loạt cho mọi cơ sở giáo dục đại học.

Chương trình đào tạo tài năng đòi hỏi nguồn lực mạnh, môi trường học thuật ưu tú, khả năng tổ chức đào tạo – nghiên cứu chất lượng cao. Nếu triển khai đại trà, dàn trải, sẽ dễ dẫn đến hình thức, thiếu bền vững, thậm chí phản tác dụng.

Thay vào đó, nên áp dụng có chọn lọc tại một số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, có sứ mệnh nghiên cứu, có năng lực giảng dạy – hướng dẫn – nghiên cứu mạnh, và đóng vai trò đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học. Việc triển khai tập trung sẽ giúp tạo ra các mô hình mẫu, có sức lan tỏa, thay vì phân tán nguồn lực.

Về lâu dài, cần đặt chương trình tài năng trong chiến lược phát triển đội ngũ trí thức tinh hoa – những người sẽ đảm nhận vai trò nòng cốt trong nghiên cứu, giảng dạy, đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Khi đó, chương trình tài năng không chỉ là một “phân khúc ưu tiên” trong giáo dục đại học, mà là một trụ cột chiến lược để xây dựng nền kinh tế tri thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thế kỷ 21.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuong-trinh-dao-tao-tai-nang-stem-phai-tao-nguon-phat-trien-nhan-tai-sau-dai-hoc-post252843.gd
Zalo