Chương trình 1719 thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Sơn La tập trung định hướng phát triển kinh tế, xã hội cho từng tiểu vùng, trên cơ sở điều kiện tự nhiên và lợi thế, những lĩnh vực cần ưu tiên.
Năm 2024, UBND tỉnh đã thực hiện phân bổ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo theo quy định. Theo đó, tổng vốn đầu tư giao là gần 916 tỷ đồng, trong đó, hơn 872 tỷ đồng ngân sách Trung ương; trên 43,6 tỷ đồng ngân sách địa phương. Đồng thời, giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2024, trong đó, có dự toán vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 với tổng vốn là 644,101 tỷ đồng, trong đó, 613,430 tỷ đồng ngân sách Trung ương; 30,671 tỷ đồng ngân sách địa phương.
UBND tỉnh Sơn La đã phân bổ nguồn vốn cho các địa phương thực hiện 10 dự án, gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng và hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đầu tư điện, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện bình đẳng giới; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người...
Trước đây, tuyến đường dài 3 km từ tỉnh lộ 13 vào bản Bó Mon, xã Tú Nang, huyện Yên Châu là đường đất gồ ghề khó đi, nông sản khó tiêu thụ. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Yên Châu đã làm tuyến đường bê tông vào bản với mức đầu tư 7,6 tỷ đồng. Ông Mùa A Chinh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Bó Mon, phấn khởi nói: Bản có 142 hộ, hơn 700 nhân khẩu, đều là dân tộc Mông. Tuyến đường hoàn thành giúp bà con đi lại thuận tiện, nhất là mỗi khi vào vụ thu hoạch nông sản; giờ đây, xe ô tô vào tận bản thu mua, giá còn cao hơn tự mang đi bán.
Tại huyện vùng cao Bắc Yên, từ năm 2022 đến nay, được giao trên 280 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện đã hỗ trợ xóa 36 nhà tạm; hỗ trợ 156 bồn, téc chứa nước sinh hoạt, nông cụ phục vụ sản xuất cho hơn 300 hộ; xây dựng 3 khu tái định cư cho các hộ có nguy cơ sạt lở của các xã Pắc Ngà, Tạ Khoa, Chiềng Sại; hoàn thành đưa vào sử dụng khu dân cư Pưa Lương, bản Tà Đò, xã Tạ Khoa, đón 24 hộ dân đến ở.
Ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, cho biết: Việc triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719, giúp cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa, đổ bê tông; 73,1% số xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trung bình mỗi năm giảm 4% số hộ nghèo.
Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Năm 2024, toàn tỉnh hỗ trợ đất ở cho 55 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 585 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 6.282 hộ; đầu tư 85 công trình nước sinh hoạt tập trung cho 8.233 hộ; bố trí đất ở ổn định cho 715 hộ. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đầu tư 163 công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc, 191 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 trạm y tế xã đạt chuẩn, 66 công trình nhà lớp học, 132 công trình thủy lợi và duy tu bảo dưỡng 291 công trình trên địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra, triển khai 57 mô hình đào tạo nghề với 3.419 lao động tham gia; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.600 lao động...
Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Bước sang năm 2025, tỉnh Sơn La tiếp tục phân cấp, trao quyền cho địa phương và người dân thực hiện chương trình để nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực và thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, tăng cường lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư, hỗ trợ các xã, bản khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS còn gặp nhiều khó khăn; ưu tiên địa bàn còn thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu. Phát huy và thực hiện tốt, hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong thực hiện các công trình và mô hình cụ thể.
Các chính sách hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 đã tạo động lực, là “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giúp tỉnh Sơn La hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, có 44% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.