Chung tay lan tỏa tinh thần tiêu dùng xanh
Những năm gần đây, các hoạt động tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh xanh được cả xã hội quan tâm và cùng nhau hành động, lan tỏa.
Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nhiều cửa hàng nhỏ lẻ cũng lựa chọn “xanh”, nói không với túi nilon, rác thải nhựa… để bảo vệ môi trường sống.

Trung tâm thương mại Tasco Mall (phường Việt Hưng) sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường để gói nông sản. Ảnh: Trọng Hiếu
Giảm rác nhựa, nâng cao nhận thức tiêu dùng xanh
Nhận thức được tác động tiêu cực của bao bì nhựa, những năm gần đây, nhiều siêu thị lớn như WinMart, Fujimart, Go!, Co.opmart, LOTTE Mart… đã tiên phong trong việc sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường, như túi phân hủy sinh học, túi vải và hộp giấy. Các biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, đơn vị luôn tiên phong trong mảng bán lẻ xanh và bền vững với môi trường. Hằng năm, hệ thống siêu thị Go!, Tops Market… luôn phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình giảm thiểu túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần, nhằm khuyến khích người tiêu dùng chủ động mang theo túi cá nhân khi đi mua sắm hoặc tái sử dụng túi thân thiện môi trường, hướng tới việc đẩy mạnh phong trào giảm ô nhiễm nhựa.
Cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong bán lẻ xanh, 100% siêu thị của AEON trên toàn quốc sử dụng túi nilon sinh học phân hủy. AEON Việt Nam triển khai sáng kiến giúp khách hàng mượn túi với chi phí thấp và được hoàn phí khi trả túi; có quầy thu ngân ưu tiên dành cho khách hàng không sử dụng túi nilon; sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường như ly cốc bằng giấy, khay và tô bằng bã mía… tại khu vực ẩm thực tự chọn.
Tương tự, chiến dịch LOTTE Eco Green “Tôi hành động - bạn cũng thế” do LOTTE Mart triển khai cũng góp phần lan tỏa tinh thần tiêu dùng xanh, giảm thiểu túi nilon tới cộng đồng. Đặc biệt, những năm qua, chiếc túi L-Care đã liên tục được LOTTE Mart thay đổi thiết kế, mẫu mã để luôn là người bạn đồng hành yêu thích của hàng nghìn người tiêu dùng ủng hộ xu hướng sống xanh.
Đã thành thói quen, mỗi lần đi chợ, bà Lý Thị Hà (chung cư N05A, phường Yên Hòa) lại mang theo chiếc làn đan bằng mây tre để đựng đồ. Bà Hà chia sẻ, từ lâu bà đã không sử dụng túi nilon bởi nó gây hại cho môi trường sống. Xu thế sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường cũng lan tỏa đến các quán cà phê, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố. Nhiều cửa hàng ẩm thực, quán cà phê, cửa hàng nông sản sạch, thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nhiều năm qua đã tham gia hưởng ứng giảm thiểu rác thải nhựa, thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre, ống hút inox, thay thế túi nilon bằng túi giấy, túi vải. Theo chị Lê Khánh Ly, chủ quán cà phê Lela Café (phố Trung Văn, phường Đại Mỗ), để lan tỏa tinh thần “sống xanh” tới các bạn trẻ, bên cạnh việc trang trí không gian quán bằng nhiều cây xanh, quán còn sử dụng ống hút chất liệu hữu cơ, cốc giấy, túi giấy đựng đồ ăn, thức uống khi khách có nhu cầu mang về hay giao hàng tận nơi.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh các loại bao bì tại chợ Thành Công (phường Giảng Võ) cho biết, thời gian gần đây, mặt hàng túi giấy xi măng, túi giấy Kraft Nhật, hộp giấy, tô giấy đựng đồ ăn được khách hàng đặc biệt ưa chuộng. Ưu điểm của những sản phẩm này là không gây độc hại, dễ phân hủy, thân thiện với môi trường mà giá thành lại rất bình dân. Hơn nữa khách hàng còn có thể yêu cầu thiết kế, in ấn tên, logo, hình ảnh bắt mắt lên túi giấy để quảng bá thương hiệu của mình.
Cần cơ chế hỗ trợ phù hợp
Có thể nói, để thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và cam kết chung tay của các doanh nghiệp, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với sản xuất xanh là yêu cầu nguồn lực rất lớn, đặc biệt là giai đoạn đầu tư ban đầu, trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới chi phí, giá thành sản xuất. Do đó, giá bán của các sản phẩm xanh thường có xu hướng cao hơn so với những sản phẩm thông thường. Đó là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi quyết định lựa chọn sản phẩm xanh. Hơn nữa, vẫn có những doanh nghiệp lợi dụng thông tin của các sản phẩm xanh để bán giá cao, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; khiến họ không yên tâm khi lựa chọn sử dụng những sản phẩm được gắn mác sản phẩm xanh.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, nguồn lực để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường tuyên truyền, cung cấp cho người tiêu dùng thông tin nhà sản xuất, sản phẩm xanh đáng tin cậy, giúp người tiêu dùng tăng niềm tin khi quyết định sử dụng sản phẩm.
Sở Công Thương Hà Nội đã, đang triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đến nay, Chương trình đã hỗ trợ, hướng dẫn khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% bao bì khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị...
Thực tế, để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.