Chung tay bảo vệ quyền con người trên không gian mạng toàn cầu
Ở thế kỷ 21, không gian mạng đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống con người, nơi mọi hoạt động ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Điều này đồng nghĩa với việc bảo vệ quyền con người không chỉ dừng lại ở không gian thực mà cần được mở rộng và khẳng định mạnh mẽ trên không gian mạng. Việt Nam đã và đang cùng nhiều quốc gia trên thế giới chủ động xây dựng và triển khai các quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền con người trên không gian mạng.
Tuy nhiên, để đối phó với những thách thức ngày một lớn, việc bảo vệ quyền con người trên không gian mạng không chỉ dừng lại ở nỗ lực của từng quốc gia mà đòi hỏi sự hiệp lực toàn cầu.
Quyền con người trên không gian mạng đang bị đe dọa
Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố, năm 2024 ghi nhận có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet toàn cầu lên con số ấn tượng: 5,5 tỷ người, tương đương 68% dân số thế giới. Đây được cho là một bước tiến vượt bậc trong hành trình phát triển của Internet, đặc biệt nếu nhìn lại bức tranh trong hai thập niên qua. Năm 2000, thế giới mới chỉ có khoảng 250 triệu người dùng Internet, con số khiêm tốn trong thời kỳ sơ khai của kỷ nguyên số. Đến năm 2010, con số này đã tăng lên khoảng 2,08 tỷ người và hiện tại đã hơn gấp đôi, phản ánh tốc độ phát triển bùng nổ chưa từng có của không gian mạng toàn cầu.
Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1969, đến nay Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người, hiện diện rộng khắp ở mọi lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông... Không chỉ vậy, Internet còn đóng vai trò là nền tảng hạ tầng quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số trong kinh tế, xã hội ở mọi quốc gia. Có thể nói, sự hiện diện của Internet đã làm thay đổi đáng kể cách thế giới vận hành cũng như thói quen sống của con người.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích vượt trội, Internet cũng không ngừng biến đổi, kéo theo nhiều hệ lụy và thách thức ngày một lớn trên không gian mạng. Đặc biệt, tình trạng tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia trên không gian mạng đang nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn cộng đồng, suy yếu an ninh quốc gia, gây thiệt hại nghiêm trọng nền kinh tế mà còn hạn chế nỗ lực phát triển, sự ổn định xã hội và xói mòn lòng tin của người dân. Đáng nói, các hành vi này đã và đang đặt ra trở ngại không nhỏ đối với việc bảo vệ quyền con người trên không gian mạng của các quốc gia.
Là một trong những tài nguyên giá trị nhất trong kỷ nguyên số, dữ liệu cá nhân hiện đang trở thành mục tiêu của nhiều tội phạm mạng. Mức độ phổ biến của dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu cá nhân không được bảo vệ tương xứng, đúng cách. Khi dữ liệu cá nhân bị đánh cắp, lạm dụng hoặc phát tán trái phép cũng là lúc quyền con người trên không gian mạng bị xâm phạm nghiêm trọng và có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Cybernews phối hợp với chuyên gia bảo mật từ SecurityDiscovery.com đã phát hiện một cơ sở dữ liệu khổng lồ không được bảo vệ bằng mật khẩu được công bố trên mạng. Dữ liệu bị rò rỉ ước tính lên tới 631GB, tương đương khoảng 4 tỷ bản ghi thông tin cá nhân nhạy cảm. Các bản ghi bị lộ chứa đầy đủ thông tin nhận dạng cá nhân cùng với dữ liệu tài chính nhạy cảm như số thẻ, thông tin nợ, tiết kiệm và cả thói quen chi tiêu. Với khối lượng thông tin chi tiết trên, tội phạm mạng có thể dễ dàng thực hiện các cuộc tấn công phi kỹ thuật, trộm cắp danh tính, lừa đảo tài chính hoặc thậm chí là tống tiền các nạn nhân. Vụ việc này còn lớn hơn cả vụ rò rỉ National Public Data, vốn từng được coi là một trong những vụ vi phạm dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay.
Chưa kể, hiện nay quyền con người trên không gian mạng đang bị đe dọa từ nhiều phía như: nội dung độc hại trên mạng xã hội, bạo lực mạng, mạo danh, tin giả,… Đáng chú ý, quyền con người trên không gian mạng còn là quyền tiếp cận, khai thác và sử dụng Internet. Tuy nhiên, theo báo cáo “Thực tế và Con số 2024” của ITU, khoảng 2,6 tỉ người, tương đương 32% dân số thế giới, không có kết nối Internet vào năm 2024. Trong số đó, có tới 1,8 tỉ người sống ở các khu vực nông thôn và khó tiếp cận công nghệ. Như vậy, quyền tiếp cận Internet, một nội dung cốt lõi của quyền con người trên môi trường số lại đang bị bỏ ngỏ với hàng tỷ người, đặc biệt là tại các khu vực khó khăn và thu nhập thấp.
Hiệp lực toàn cầu: “chìa khóa” bảo vệ quyền con người trên không gian mạng
Có thể thấy, trong kỷ nguyên số, Internet mang đến nhiều cơ hội để con người thực hiện các quyền của mình nhưng đồng thời cũng tạo ra những rủi ro mới khiến các quyền không được bảo đảm. Do đó, việc xây dựng một không gian mạng an toàn, tin cậy là điều cấp thiết để bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người trên môi trường số. Tuy nhiên, trong bối cảnh những thách thức trên không gian mạng ngày một lớn, muốn hoàn thành mục tiêu trên không chỉ dừng lại ở nỗ lực của từng quốc gia mà đòi hỏi sự hiệp lực toàn cầu.
Thời gian qua, các chuyên gia và các diễn đàn uy tín quốc tế đều nhấn mạnh hiệp lực toàn cầu chính là “chìa khóa” bảo vệ quyền con người trên không gian mạng. Theo đó, các quốc gia cần tích cực, chủ động tham gia các Công ước quốc tế về an ninh mạng phù hợp với luật pháp. Phối hợp có hiệu quả trong thực thi các nghị định, các thỏa thuận hợp tác phòng, chống tội phạm xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng…
Một trong những Công ước gần đây được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua là “Công ước Hà Nội” đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về chống tội phạm mạng. Sự ra đời của “Công ước Hà Nội” đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hơn hai thập niên, khi lần đầu tiên một văn kiện quốc tế về tội phạm xuyên quốc gia được thông qua. Văn kiện này không chỉ thể hiện quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với những thách thức ngày càng phức tạp từ không gian mạng mà còn khẳng định sự đoàn kết và hợp tác là “chìa khóa” để bảo đảm an ninh mạng toàn cầu. Đặc biệt, điểm nhấn là việc đề cao quyền con người trong không gian mạng, yếu tố quan trọng trong bối các hành vi xâm phạm dữ liệu và quyền riêng tư ngày một gia tăng.
Bên cạnh đó, các quốc gia cần tăng cường trao đổi, gặp gỡ, kết nối với các tổ chức, chuyên gia hàng đầu trên thế giới, đồng thời cập nhật các xu hướng mới về an ninh mạng. Tham gia sâu và hiệu quả hơn vào các diễn đàn an ninh mạng quốc tế (WEF, INTERPOL, LHQ...), để nâng cao vị thế, trao đổi, học tập kinh nghiệm và thu hút đầu tư vào lĩnh vực an ninh mạng.
Vừa qua, tại một sự kiện cấp cao kỷ niệm 20 năm Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Xã hội Thông tin (WSIS) ở Geneva, ông Volker Türk - Cao ủy LHQ đã nhấn mạnh: “Quyền con người phải là nền tảng của kỷ nguyên số”. Theo ông Volker Türk, công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI) đang biến đổi mạnh mẽ các hệ sinh thái số, do đó cần đặt quyền con người vào trung tâm của quá trình chuyển đổi số này.
Là một trong những khu vực bảo vệ mạnh mẽ nhân quyền trên không gian mạng, Liên minh châu Âu (EU) cũng ủng hộ thông điệp “Quyền con người phải là nền tảng của kỷ nguyên số”. Vì thế, EU đã cam kết các nội dung như: áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong quản trị không gian số; bảo vệ Internet tự do, an toàn và toàn diện; bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân; tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ quyền con người trên không gian mạng… EU khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do ngôn luận trực tuyến, chống thao túng thông tin, bảo vệ quyền tiếp cận thông tin chính xác, đồng thời tạo môi trường an toàn cho xã hội dân sự, các nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền trên không gian mạng.
Tại WSIS, các chính phủ của hơn 180 quốc gia đã nhấn mạnh áp dụng vô điều kiện Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người đối với Internet. Hội đồng LHQ một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người và tự do cung cấp thông tin trên mạng. Quyền con người trên không gian mạng được điều chỉnh bởi bốn nguyên tắc cơ bản: Internet phải dựa trên quyền con người phải cởi mở, dễ tiếp cận với tất cả mọi người và chịu sự chi phối của nhiều bên có liên quan.