Chung một lời then
Trong các tỉnh Việt Bắc, cư dân vùng Thái Nguyên và Bắc Kạn được tạo hóa ban tặng một 'đặc ân' là cùng uống chung dòng nước sông Cầu. Dòng sông ấy cho sản vật cá tôm, nguồn phù sa màu mỡ và hình thành nên một nét đẹp văn hóa chung. Và lời hát Then của đồng bào Tày, Nùng được ví là biểu trưng đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân trong vùng Việt Bắc.

Vui ngày hội then.
Cùng là vùng đất có sự đa dạng về dân tộc, song Thái Nguyên và Bắc Kạn đều có các dân tộc chính là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông, Dao, Sán Chay, Hoa. Các dân tộc thuận hòa chung sống, tạo nên một "vườn hoa" rực rỡ sắc màu thổ cẩm. "Vườn hoa" ấy trải dài từ Pù Mò thuộc vùng đất Bằng Vân - Ngân Sơn tiếp giáp với tỉnh Cao Bằng đến Phù Lôi thuộc vùng đất Thuận Thành - Phổ Yên tiếp giáp với TP. Hà Nội. Mỗi dân tộc đều có tiếng nói, phong tục tập quán, trang phục truyền thống riêng nhưng luôn có tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nói về “văn minh sông nước”, dọc theo sông Cầu, vùng đất Bắc Kạn là nơi đầu nguồn, còn Thái Nguyên là một phần của đầu nguồn dòng sông ấy. Hai vùng đất được xóa nhòa địa giới hành chính, lòng người gần lại với nhau hơn. Vào dịp đầu Xuân, đồng bào các dân tộc cùng chung lễ hội cầu mùa, cầu quốc thái dân an. Việc hợp nhất hai vùng đất thành tỉnh Thái Nguyên mới được ví như “cuộc hội ngộ văn hóa”, nơi những giá trị chung lâu nay vốn đã song hành trong cuộc sống của cư dân trong vùng, nay được củng cố và lan tỏa mạnh hơn.
Điển hình như Lễ hội gàu tào của dân tộc Mông; nghi lễ cấp sắc của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu được đông vui, đầm ấm hơn bởi người hai vùng hợp lại. Đã là “người một nhà” thì khoảng cách địa lý không làm ảnh hưởng đến việc đi lại, thăm thân và tham gia các hoạt động chung của cộng đồng các dân tộc.

Cán bộ, văn nghệ sĩ của tỉnh tìm hiểu, nghiên cứu về nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc tại vùng quê Chợ Đồn.
Sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân trong đồng bào các dân tộc chính là “báu vật sống”. Các nghệ nhân là người gìn giữ, trao truyền những nét đẹp văn hóa riêng biệt của dân tộc mình.
Kể từ ngày 1-7 này, sự hợp nhất của 2 vùng đất đã tạo thành sự cộng hưởng văn hóa lớn. Tỉnh Thái Nguyên mới chính thức có hơn 750 di sản văn hóa phi vật thể, khoảng gần 200 lễ hội các cấp; 3 Nghệ nhân Nhân dân, 19 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.
Tuy có sự khác biệt về địa hình và sắc thái văn hóa địa phương, nhưng giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn lại có nhiều yếu tố tương đồng. Sự giao lưu giữa các cộng đồng dân tộc đã tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu nhưng hài hòa, thống nhất trong đa dạng.
Dù cuộc sống chung còn chưa hết khó khăn, nhất là các cuộc dời chuyển, du cư du canh của một thời, nhưng các dân tộc vẫn gìn giữ, trao truyền tiếng nói, phong tục tập quán cha ông ngàn đời để lại. Và để mạnh hơn, các dân tộc tự tìm tiếng nói chung dùng cho việc trao đổi, chia sẻ, mua bán và thống nhất các công việc trong cộng đồng dân cư.
Hiện trên hai vùng đất này có hàng nghìn câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ các cấp, trong đó có câu lạc bộ hát then của nhân dân. Gọi hát Then của nhân dân bởi trong những năm gần đây tiếng đàn Tính, câu hát Then đang trở thành nhu cầu của nhiều người yêu ca hát.
Không chỉ người Tày, người Nùng mà người Mông, người Kinh và người nhiều dân dân tộc khác trong cộng đồng dân cư cũng thích nảy dây đàn để cất lời Then.
Đặc biệt, từ năm 2019 “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà còn là minh chứng cho giá trị chung giữa hai vùng đất Thái Nguyên và Bắc Kạn cùng chung sở hữu.

Hát Then, niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Việt Bắc.
Trong gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa, mỗi dân tộc đều có thế mạnh riêng. Nhưng có một điểm chung ở các ngày hội, nghi lễ, cuộc hát, ngoài ý nghĩa giao duyên còn là cách đồng bào lý giải thế giới xung quanh; bày tỏ tâm tư, tình cảm, ước nguyện của mình đến cõi vô hình, cốt mong sự bình yên.
Cùng những âm thanh mang hồn cốt của núi rừng Việt Bắc, Ẩm thực cũng mang ngôn ngữ của đời sống chung giữa người hai vùng đất Thái Nguyên và Bắc Kạn. Giản dị như cơm lam, muối vừng, xôi ngũ sắc, thịt lợn gác bếp, bánh ngải, cá suối nướng, nộm bi chuối rừng, măng nhồi thịt… là đặc sản hiện diện có trong mâm cơm mời bạn quý. Những món ăn này không chỉ phản ánh sự khéo léo, tinh tế của người phụ nữ, mà còn mang tính nghi lễ gắn với các lễ hội đầu xuân, lễ mừng cơm mới và khi nhà có việc vui.
Điều thú vị giữa 2 vùng đất Thái Nguyên và Bắc Kạn cùng có cây đặc sản hướng đến giá trị tỷ đô đang được khai thác hiệu quả. Thái Nguyên với vùng chè trung du lá nhỏ ở Tân Cương - Bắc Kạn với vùng chè Shan tuyết Bằng Phúc. Chè hai vùng được các nhà khoa học đánh giá có hàm lượng ta lanh cao; người sành ẩm đã thưởng trà của các vùng này thì luyến nhớ, tìm về, vừa để được tận mắt chứng kiến những sản vật tinh túy đất trời ban tặng, nhân đó mua ấm chè Thái Nguyên làm quà tặng người thân.
Sự tương đồng văn hóa giữa Bắc Kạn và Thái Nguyên không chỉ là biểu hiện của bản sắc, mà còn là tiềm năng phát triển bền vững. Bởi lẽ ấy, việc hợp nhất hai tỉnh lấy tên chung là tỉnh Thái Nguyên như anh em về một nhà, không còn khoảng xa cách vô hình trong lòng người.

Đồng bào các dân tộc cùng đoàn kết xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp.
Đồng bào các dân tộc, đặc biệt là người dân tộc thiểu số có cơ hội tốt hơn trong gìn giữ, trao truyền, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc mình sâu rộng hơn. Đây cũng là cơ hội để các dân tộc nâng cao hơn ý thức cùng chung tay xây dựng, phát triển, nhân lên những nét đẹp văn hóa chung trong cộng đồng, tạo sự thống nhất, kết nối cộng đồng, làm lên sức mạnh tổng hợp toàn dân, toàn diện trong phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, củng cố vững chắc an ninh, trật tự của tỉnh.
Trong thời đại công nghệ và đô thị hóa, việc hợp nhất hai tỉnh không chỉ mang ý nghĩa hành chính, mà còn là một cuộc hội ngộ lịch sử của văn hóa. Mở thêm cơ hội cho đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc mình, cùng góp sức làm nên một Thái Nguyên mạnh hơn, đi xa hơn và hội nhập sâu hơn trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.