Chứng khoán tuần 14/7 - 18/7: Sức mua lan tỏa, VN-Index ngập tràn sắc xanh tích cực
Thị trường tiếp tục khởi sắc trong tuần qua khi lực cầu duy trì sự đồng thuận mạnh mẽ. Hầu hết các phiên giao dịch đều khép lại trong sắc xanh, phản ánh tâm lý nhà đầu tư ngày càng tích cực và hưng phấn hơn. Kết tuần VN-Index tăng 2,71% lên mức 1.497,28 điểm.

Ảnh minh họa
Tuần bứt phá tiếp cận sát mốc 1.500 điểm của VN-Index được hỗ trợ bởi tuần có thanh khoản khớp lệnh kỷ lục kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, cao hơn 45,5% so với mức bình quân 20 tuần. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản bình quân tuần trên sàn HSX đạt 1,416 triệu cổ phiếu (+9,98%), tương đương giá trị đạt 34.207 tỷ đồng (+12,47%).
Thị trường có tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp và độ mở bao trùm bởi sắc xanh với 17/21 nhóm ngành tăng điểm. Bất động sản (+8,79%), Chứng khoán (+5,44%) và Đường (+3,47%) là ba nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất tuần. Ở chiều ngược lại, Cảng biển (-1,11%), Bảo hiểm (-0,95%) và Hóa chất (-0,53%) là ba nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất tuần.
Nhà đầu tư nước ngoài giảm đà mua ròng, tuy nhiên vẫn ở mức cao với giá trị tại thời điểm kết thúc tuần đạt +1.220 tỷ đồng. VPB +654 tỷ đồng, SSI +582 tỷ đồng và MSN +354 tỷ đồng là ba mã cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất tuần. Ở chiều ngược lại, VCB -397 tỷ đồng, GMD -366 tỷ đồng và E1VFVN30 -165 tỷ đồng là ba mã cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất tuần.
Theo ông Đinh Việt Bách - Chuyên gia Phân tích Chứng khoán Pinetree, thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại một tuần giao dịch đầy hứng khởi khi VN-Index đóng nến tuần tại 1.497 điểm và thậm chí đã có thời điểm vươn lên chạm ngưỡng tâm lý quan trọng 1.500 điểm – mức cao chưa từng thấy trong vòng 3 năm trở lại đây. Sự khởi sắc này đến trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý II, thu hút sự chú ý của dòng tiền đầu cơ lẫn đầu tư.
Dù tiếp tục ghi nhận cây nến tuần tích cực, biên độ tăng điểm đã thu hẹp đáng kể – chỉ còn khoảng 40 điểm, so với mức 70 điểm ở tuần liền trước. Điều này phần nào cho thấy lực cầu có dấu hiệu suy yếu và áp lực chốt lời bắt đầu gia tăng. Thanh khoản là điểm sáng đáng chú ý, khi giá trị giao dịch bình quân 3 sàn vọt lên mức kỷ lục – khoảng 35.000 tỷ đồng mỗi phiên, phản ánh dòng tiền vẫn đang hoạt động mạnh mẽ.
Dòng tiền tập trung chủ yếu vào các nhóm cổ phiếu trụ cột như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng và họ Vingroup. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đã có phần thận trọng hơn khi khối ngoại phát tín hiệu giảm mua ròng và thị trường thiếu vắng thêm các thông tin hỗ trợ đủ mạnh.
Đáng chú ý, thị trường đã xác nhận một phiên phân phối trong ngày thứ Ba, đồng thời các phiên đầu và cuối tuần ghi nhận biên độ dao động khá rộng – cho thấy độ nhiễu và sự giằng co giữa bên mua và bán bắt đầu rõ nét hơn.
Ông Việt nhận định, về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng trung hạn của VN-Index vẫn được duy trì khi các chỉ báo như MACD và RSI tiếp tục mở rộng theo hướng tích cực. Tuy nhiên, dấu hiệu điều chỉnh ngắn hạn đang dần hiện rõ khi áp lực chốt lời gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh tuần tới sẽ là cao điểm công bố báo cáo tài chính quý II – thời điểm thường xuyên xảy ra “sell the news”.
Thêm vào đó, các yếu tố hỗ trợ vĩ mô mạnh mẽ dường như đã được phản ánh phần lớn vào giá, khiến dư địa tăng mạnh trong ngắn hạn trở nên hạn chế. Sự phân hóa dự kiến sẽ diễn ra sâu hơn giữa các nhóm ngành, khi dòng tiền có xu hướng luân chuyển khỏi các mã đã tăng nóng sang nhóm cổ phiếu chưa tăng hoặc được hưởng lợi từ kết quả kinh doanh tích cực.
Tựu chung lại, thị trường tuần sau vẫn duy trì được xu hướng tăng nhưng mức độ lan tỏa và biên độ tăng nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt. Áp lực chốt lời có thể gia tăng trong tuần tới, khiến chỉ số biến động giằng co mạnh hơn. Nhà đầu tư nên giữ tâm thế thận trọng, tránh FOMO mua đuổi ở vùng giá cao, đồng thời chủ động tận dụng các nhịp tăng để chốt lời dần, bảo toàn lợi nhuận và cơ cấu lại danh mục một cách hợp lý.
Theo Công ty Chứng khoán BETA, nhà đầu tư nên giữ tâm thế thận trọng, hạn chế mua đuổi. Chiến lược phù hợp là tận dụng các nhịp điều chỉnh để cơ cấu lại danh mục, ưu tiên nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, hưởng lợi từ vĩ mô. Đồng thời, cần quản trị rủi ro tốt để bảo vệ thành quả, nhất là khi thị trường có thể xuất hiện những phiên rung lắc trong quá trình thiết lập mặt bằng giá mới.
Bên cạnh đó, Chuyên gia CSI cho rằng, ở thời điểm hiện tại, VN-Index đang tiến sát gần mốc điểm cao lịch sử (1.535 điểm) nên xác suất cao sẽ xuất hiện áp lực bán rất lớn. CSI cũng kỳ vọng ngưỡng quanh mốc 1.515 điểm sẽ có áp lực bán lớn và khả năng sẽ khiến VN-Index có nhịp điều chỉnh sau quá trình tăng 5 tuần vừa qua. Vì vậy, hạn chế việc mua đuổi và duy trì một tỷ lệ tiền mặt lớn, chờ nhịp chỉnh để có vị thế mua an toàn hơn.