Chứng khoán DSC: Từ mờ nhạt đến tăng trưởng thần tốc nhờ cú hích từ TC Group

Từ một công ty đang vật lộn với tình hình tài chính khó khăn, DSC đã vươn lên trở thành một trong những tên tuổi đáng chú ý trong ngành chứng khoán, khi lợi nhuận và vốn điều lệ tăng trưởng mạnh, cũng như việc chuyển sàn sang HoSE.

Sự xuất hiện của TC Group

CTCP Chứng khoán DSC được thành lập vào năm 2006, tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng có trụ sở tại quận Hải Châu, Đà Nẵng, với vốn điều lệ ban đầu là 22 tỷ đồng.

Đến năm 2021, sau khi ông Nguyễn Đức Anh được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT, công ty đổi tên thành CTCP Chứng khoán DSC như hiện tại và chuyển trụ sở chính về tầng 2, Thành Công Building, số 80 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội.

Cũng trong năm này, vốn của DSC đã tăng vọt từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, bằng hình thức phát hành riêng lẻ 94 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu này được phân bổ cho 5 nhà đầu tư trong nước, trong đó đáng chú ý là CTCP Đầu tư NTP đã mua tới 70 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch này Đầu tư NTP không sở hữu cổ phiếu DSC nào.

CTCP Đầu tư NTP là doanh nghiệp "trẻ", được thành lập vào tháng 3/2021 – tức chỉ 5 tháng trước khi trở thành cổ đông lớn của DSC. Đầu tư NTP có địa chỉ tại tầng 8, Thành Công Building, số 80 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội.

Cả Chứng khoán DSC và Đầu tư NTP đều do ông Nguyễn Đức Anh làm Chủ tịch HĐQT.

Ông Đức Anh là con trai của ông Nguyễn Quốc Hoàn. Theo báo cáo quản trị của CTCP Đầu tư PV - Inconess (RGC), ông Nguyễn Quốc Hoàn là anh trai của ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Thành Công (TC Group).

Ông Nguyễn Đức Anh - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán DSC và Đầu tư NTP.

Ông Nguyễn Đức Anh - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán DSC và Đầu tư NTP.

Như vậy, ông Nguyễn Đức Anh là cháu của Chủ tịch TC Group, hiện tập đoàn này đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực với 3 trụ cột chính bao gồm công nghiệp ô tô, bất động sản, dịch vụ. Trong đó công nghiệp ô tô vẫn được xem là "gà đẻ trứng vàng" của tập đoàn.

Trong năm 2023, Tập đoàn Thành Công đã công bố Chứng khoán DSC thuộc hệ sinh thái của mình.

Theo giới thiệu từ DSC, ông Nguyễn Đức Anh sinh năm 1995, là Thạc sĩ Kinh tế tại UMASS Boston University. Ông là lãnh đạo trẻ đầu tiên xây dựng sự nghiệp thành công tại DSC từ ngày đầu mua bán và sáp nhập, tái cấu trúc công ty.

Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT DSC và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc NTP, vị lãnh đạo 9x còn đang là Chủ tịch HĐQT của hai doanh nghiệp "trẻ tuổi" khác là CTCP Thành Công Motor Việt Nam (hoạt động từ năm 2020) và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Ô tô Việt Nam - Châu Âu (hoạt động từ năm 2022).

Vào năm 2023, DSC đã hoàn tất phát hành gần 100 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 2.048 tỷ đồng. Việc tăng vốn lên 2.048 tỷ đồng theo hình thức chào bán ra công chúng và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) diễn ra trước thời điểm đưa cổ phiếu niêm yết HoSE.

Sau đợt phát hành, ông Nguyễn Đức Anh sở hữu gần 73 triệu cổ phiếu DSC, tương ứng tỉ lệ 35,64% vốn công ty chứng khoán này. Còn Đầu tư NTP sở hữu 70 triệu cổ phiếu DSC, tương ứng tỉ lệ sở hữu 34,17% vốn.

Tại Đầu tư NTP, ông Nguyễn Đức Anh đang nắm 98% vốn điều lệ. Như vậy, tạm tính theo thị giá khoảng 18.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại, khối tài sản chứng khoán của vị lãnh đạo này tại DSC trị giá khoảng 2.500 tỷ đồng (tính cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp).

Bước chuyển mình dưới thời ông Nguyễn Đức Anh

Thời điểm trước khi ông Nguyễn Đức Anh xuất hiện tại Chứng khoán DSC, tên tuổi của công ty chứng khoán này khá mờ nhạt trên thị trường, tình hình kinh doanh cũng không mấy "sáng cửa".

Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2020, công ty đã có tới 4 năm kinh doanh thua lỗ, những năm còn lại đa phần là lãi dưới 10 tỷ đồng. Chỉ hai năm 2017 và 2018 khởi sắc có lãi lần lượt gần 11 tỷ đồng và hơn 24 tỷ đồng, nhưng sau đó DSC cũng báo lỗ hơn 116 triệu đồng vào năm 2019.

Năm đầu tiên khi ông Nguyễn Đức Anh ngồi ghế Chủ tịch HĐQT là 2021, Chứng khoán DSC đã báo lãi kỷ lục gần 25 tỷ đồng, các xa con số 494 triệu đồng ở năm 2020. Doanh thu cũng tăng gần 10 lần từ 5,8 tỷ đồng lên gần 56 tỷ đồng.

Hai năm sau đó là 2022 và 2023, Chứng khoán DSC liên tiếp phá kỷ lục kinh doanh mới. Trong năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu tăng gấp 3 lần lên 167 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 32% lên hơn 33 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu DSC tiếp tục tăng 2,6 lần lên 438 tỷ đồng và lợi nhuận tăng gấp 3,6 lần lên gần 120 tỷ đồng.

Bước sang 9 tháng đầu năm năm 2024, Chứng khoán DSC ghi nhận doanh thu hoạt động 393 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 151 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 59% so với cùng kỳ.

Tính riêng quý III/2024, Chứng khoán DSC ghi nhận doanh thu hoạt động 147 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, công ty báo lãi sau thuế 72 tỷ đồng trong quý III/2024, tăng 84% so với thực hiện cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số cao nhất lịch sử kể từ khi công ty hoạt động.

Kết quả này trái ngược với phần lớn các công ty chứng khoán, khi VN-Index lên tục hứng chịu những phiên điều chỉnh, do sự teo tóp của dòng tiền cũng như áp lực bán ròng từ khối ngoại.

Động lực chính đóng góp vào kết quả kinh doanh của công ty là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) tăng gấp đôi lên 77 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng 18% so với cùng kỳ lên 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu mảng môi giới giảm 43% còn 22 tỷ đồng.

Song, DSC lại tiết giảm chi phí hoạt động khi ghi nhận 28 tỷ đồng, thu hẹp 22% so với 37 tỷ đồng cùng kỳ.

Tình hình kinh doanh khởi sắc này diễn ra trước thềm Chứng khoán DSC niêm yết trên sàn HoSE. Cụ thể, ngày 24/10/2024, gần 205 triệu cổ phiếu DSC đã chính thức niêm yết trên sàn HoSE với giá 22.500 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến thị giá cổ phiếu DSC kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE (Nguồn: TradingView).

Diễn biến thị giá cổ phiếu DSC kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE (Nguồn: TradingView).

Tuy nhiên, kể từ khi "chuyển nhà" sang sàn HoSE, cổ phiếu DSC lại liên tiếp hứng chịu những phiên giảm điểm. Sau hơn một tháng niêm yết, thị giá DSC đã giảm 21% xuống 17.800 đồng/cổ phiếu khi kết phiên 27/11.

Thanh khoản cũng sụt giảm đáng kể, thời điểm trước khối lượng giao dịch trung bình của DSC khoảng hơn 280.000 đơn vị/phiên. Thế nhưng kể từ khi lên sàn HoSE, khối lượng giao dịch chỉ còn gần 70.000 đơn vị/phiên.

Trở lại với bức tranh tài chính, bên cạnh kết quả kinh doanh, tổng tài sản của công ty cũng gia tăng mạnh mẽ sau khi ông Nguyễn Đức Anh làm lãnh đạo. Trong năm đầu tiên là 2021, tổng tài sản của DSC đã tăng mạnh từ gần 69 tỷ đồng lên 1.809 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của DSC tiếp tục mở rộng lên mức 4.688 tỷ đồng.

Trong đó, danh mục FVTPL có giá gốc 2.548 tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ đồng so với đầu năm và tạm lãi 24 tỷ đồng. Phần lớn là chứng chỉ tiền gửi 2.250 tỷ đồng, cổ phiếu niêm yết gần 298 tỷ đồng và cổ phiếu chưa niêm yết 10 triệu đồng.

Dù không thuyết minh chi tiết các cổ phiếu đang nắm giữ, nhưng theo báo cáo soát xét bán niên thì DSC nắm loạt cổ phiếu ngân hàng như ACB, CTG, MBB, OCB và HCM. Đây cũng là những mã tăng khá tốt trong quý III vừa qua.

Dư nợ cho vay của DSC ghi nhận gần 1.830 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm, chủ yếu là cho vay margin với 1.740 tỷ đồng.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chung-khoan-dsc-tu-mo-nhat-den-tang-truong-than-toc-nho-cu-hich-tu-tc-group-204241127162829661.htm
Zalo