Chứng khoán: Chiến thuật nào trước khả năng có nhịp điều chỉnh mạnh?
VN-Index đã hồi phục mạnh kể từ đáy hồi tháng 4 vừa qua, tuy nhiên xác suất cao sẽ có nhịp điều chỉnh mạnh. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì cơ cấu tỷ trọng cổ phiếu và tiền mặt ở mức trung tính để bảo đảm an toàn vốn.
Thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục xu hướng tích cực trong phiên giao dịch đầu tuần 14/7 khi VN-Index đóng cửa tăng hơn 12 điểm lên trên ngưỡng 1.470 điểm.
Biến động mạnh có thể xảy ra
Trước đó, TTCK vừa khép lại một tuần rực rỡ (7-11/7), VN-Index tăng hơn 70 điểm (+5,1%), ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 11/2022. Đây là tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp của chỉ số. Đà tăng này đưa VN-Index leo lên vùng đỉnh hơn 3 năm, kể từ tháng 4/2022 và chỉ còn kém khoảng 70 điểm so với đỉnh lịch sử.
Giao dịch cũng rất sôi động với liên tiếp các phiên giao dịch khớp lệnh tỷ USD. Dù chưa thể bùng nổ như giai đoạn “đáy thuế quan” hồi tháng 4 nhưng đây vẫn là một trong những khoảng thời gian sôi động nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thanh khoản tăng mạnh đến từ cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Xác suất cao TTCK sẽ chứng kiến nhịp điều chỉnh.
Theo ông Huỳnh Thế Hào, chuyên gia phân tích tại New World Group, đà tăng mạnh và liên tiếp của VN-Index trong thời gian qua là sự giao thoa của nhiều yếu tố tích cực, cả trong nước lẫn quốc tế.
TTCK Việt Nam đang bước vào giai đoạn phá vỡ xu hướng cũ khá rõ rệt. Diễn biến từ quý II/2025 cho thấy VN-Index đang trong nhịp bứt phá sau chu kỳ ảm đạm kéo dài suốt hai năm 2022-2023. Trong đó, tín hiệu rõ ràng nhất xuất hiện từ ngày 10/4, khi thông tin về việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng với các đối tác lớn được công bố, đã tạo cú hích tâm lý ngay lập tức. Kể từ thời điểm đó đến giữa tháng 7, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 20%, mức tăng rất đáng kể trong khoảng thời gian ngắn.
"Tuần giao dịch 7-11/7 được coi là tuần rực rỡ hiếm thấy kể từ tháng 11/2022 với mức tăng gần 70 điểm, phản ánh sự hưng phấn rõ rệt của giới đầu tư", ông Hào nói.
Tuy nhiên, thực tế là TTCK vừa trải qua một nhịp tăng khá “nóng” trong khi dòng tiền chưa thực sự lan tỏa đều. Đà tăng gần đây chủ yếu tập trung ở nhóm VN30, phản ánh rõ ảnh hưởng từ hoạt động giao dịch phái sinh. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của đà tăng nếu dòng tiền không được phân bổ rộng hơn.
Mặt khác, chỉ báo RSI (chỉ số tương quan sức mạnh) trên biểu đồ tuần đã vượt 75, cho thấy trạng thái quá mua. Ngoài ra, nhóm ngân hàng, bất động sản và chứng khoán - những cổ phiếu "dẫn sóng" thời gian qua đều đã tăng khá mạnh, do đó giới phân tích nhận định áp lực chốt lời là điều khó tránh khỏi trong các phiên tới.
Dưới góc nhìn của ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán Smart Invest, mặc dù xu hướng tăng đang chiếm ưu thế nhưng khả năng thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật trong tuần này, khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.500 điểm. Theo thống kê quá khứ, đây thường là thời điểm xuất hiện nhịp chốt lời do mùa công bố báo cáo tài chính quý II.
Bên cạnh đó, chỉ báo RSI đã vượt vùng quá mua (>85), từng nhiều lần trùng với những nhịp điều chỉnh nhẹ trong quá khứ. Ngoài ra, nếu khối ngoại giảm đà mua ròng, thị trường có thể thiếu cầu giá cao ở nhóm đang "dẫn sóng" như ngân hàng, chứng khoán, cổ phiếu nhóm Vingroup.
Điều chỉnh là cần thiết?
Trong báo cáo chiến lược mới cập nhật, Chứng khoán SSI cho rằng thị trường có thể chứng kiến mức độ biến động mạnh trong giai đoạn tháng 7 – đầu tháng 8 do áp lực chốt lời trong mùa kết quả kinh doanh ra vào cuối tháng 7.
Bên cạnh đó, dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ cũng có thể bị hạn chế trong bối cảnh tỷ giá đã tăng hơn 3% trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, tác động từ thuế quan cũng có thể bắt đầu được thể hiện rõ rệt hơn, thể hiện qua số liệu xuất khẩu và kết quả kinh doanh quý III của một số nhóm ngành liên quan như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp.
Dù vậy, xa hơn, SSI vẫn duy trì quan điểm tích cực về TTCK trong dài hạn với mục tiêu đạt 1.500 điểm cuối năm 2025 với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Chính phủ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, cùng với các động lực nội địa bao gồm cơ sở hạ tầng, thị trường bất động sản hồi phục, cũng như việc thúc đẩy kinh tế tư nhân có thể giúp Việt Nam tạo nền móng vững chắc cho đà tăng trưởng kinh tế bền vững.
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tương đối bền vững, tổng lợi nhuận ròng của hơn 79 cổ phiếu trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research ước tính tăng 14% trong năm 2025 và có thể tiếp tục duy trì đà tăng 15% trong năm 2026. Việc tỷ giá tăng cũng giúp hàng hóa của Việt Nam vẫn có sự hấp dẫn tương đối so với các quốc gia khác.
Hiện, P/E dự phóng của VN-Index đạt 11,9 lần, vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm là 12,8 lần. So với các thị trường trong khu vực, Việt Nam đang có định giá hấp dẫn, ROE mạnh mẽ và triển vọng lợi nhuận thuận lợi. Mức lợi suất 8,4% trên TTCK khá hấp dẫn so với lãi suất huy động bình quân quanh 4,6% và tiềm năng thu hút lại một phần tiền gửi dân cư có xu hướng tăng nhanh trong các quý gần đây dù mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp.
Tương tự, ông Huỳnh Thế Hào cho rằng đợt tăng hiện tại không đơn thuần là cú bật mang tính kỹ thuật mà được hậu thuẫn bởi nhiều yếu tố cơ bản. Tuy nhiên, TTCK cần một nhịp điều chỉnh để giải tỏa áp lực ngắn hạn.
Ông Hào cho biết trong trung hạn, các yếu tố nền tảng như lãi suất thấp, kỳ vọng phục hồi tiêu dùng và chính sách hỗ trợ đầu tư công đang tạo tâm lý tích cực rõ rệt. Đặc biệt, việc VN-Index vượt vùng kháng cự 1.400 điểm, vốn là ngưỡng cản quan trọng trong suốt giai đoạn 2022-2023, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang chuyển sang trạng thái tích cực hơn.
“Xu hướng dài hạn vẫn là tăng. Nhưng nhịp chỉnh ngắn hạn lành mạnh là cần thiết”, ông Hào nhận định.
Trong bối cảnh VN-Index đã hồi phục mạnh kể từ đáy hồi tháng 4 vừa qua, và xác suất cao chứng kiến nhịp điều chỉnh mạnh, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư duy trì cơ cấu tỷ trọng cổ phiếu và tiền mặt ở mức trung tính để bảo đảm an toàn vốn, đồng thời không nên quá FOMO mua mới cổ phiếu.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên cân nhắc chốt lời với những cổ phiếu đã tăng mạnh trong quý II, đặc biệt là nhóm đang có dấu hiệu suy yếu quanh vùng kháng cự 1.500 điểm.
Còn với nhà đầu tư trung và dài hạn nên tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có sức mạnh giá vượt trội so với VN-Index, có nền tảng cơ bản tốt và được hỗ trợ bởi các yếu tố ngành nghề.