Chung kết Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2023: Tài năng và bản lĩnh của thế hệ doanh nhân tương lai
Vòng chung kết Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2023 đã diễn ra trong không khí sôi nổi, đầy cảm xúc tại TP.HCM vào sáng 28/6.
Trước khi bắt đầu phần tranh tài, chương trình đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Thành viên Hội đồng Giám khảo GTTNLVC từ năm 2011-2019, người đã cống hiến tâm huyết cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam và là tấm gương về đạo đức, học thuật và lòng yêu nước.

GS-TS. Võ Tòng Xuân - Thành viên Hội đồng Giám khảo GTTNLVC 2011-2019
Khoảnh khắc xúc động này đã mở đầu cho một ngày thi đầy cảm hứng, nơi những khát vọng khởi nghiệp của thế hệ trẻ được truyền tải không chỉ qua các mô hình kinh doanh, mà còn bằng đạo đức, trách nhiệm và sự chính trực, đúng với tinh thần mà cụ Lương Văn Can đã khởi xướng từ thế kỷ trước.
Dự án khởi nghiệp mang lại giá trị bền vững
Tại Vòng chung kết Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2023, mỗi đề án được mang đến không chỉ là một kế hoạch kinh doanh, mà còn là lời cam kết về trách nhiệm với xã hội, với môi trường và cộng đồng xung quanh. Chín đề án là chín màu sắc riêng biệt, nhưng có chung một điểm sáng đó là tinh thần trách nhiệm xã hội.
Đặc biệt, hai thí sinh Kiều Quốc An và Hoàng Thụy Kim Ngân đã thay đổi đề tài sau khi nhận được những góp ý sâu sắc từ người hướng dẫn. Các bạn đã nghiên cứu, đánh giá lại và lựa chọn đề tài phù hợp hơn với năng lực cá nhân cũng như bối cảnh thị trường.

BTC, BGK và chín thí sinh xuất sắc trong vòng chung kết của GTTNLVC 2023
Thí sinhKiều Quốc An (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) đem đến dự án “Nì Clothes” - một mạng lưới thời trang cá nhân hóa dành cho giới trẻ. Dự án không chỉ giúp người trẻ thể hiện phong cách cá nhân qua trang phục, mà còn giải quyết được bài toán tồn kho, lãng phí vải vóc trong ngành thời trang hiện nay.

Thí sinh Kiều Quốc An mở đầu cho buổi thi với dự án “Nì Clothes”
Trong khi đó, dự án “Than hoạt tính từ vỏ đậu phộng Midori” của thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Diệu (ĐH Kinh tế TP.HCM) mang đến giải pháp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra sản phẩm than hoạt tính có giá trị sử dụng cao trong đời sống. Qua đó, góp phần giảm thiểu rác thải và ô nhiễm môi trường.

Thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Diệu với dự án “Than hoạt tính từ vỏ đậu phộng Midori”
Lĩnh vực nông nghiệp cũng được đề cập qua đề án “Dung dịch bảo quản nông sản hữu cơ” của thí sinh Trần Anh Duy (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM). Bằng việc ứng dụng các thành phần tự nhiên, an toàn, dự án hướng đến việc kéo dài tuổi thọ nông sản sau thu hoạch mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng, mở ra cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt với các thị trường tiêu chuẩn cao.

Đề án “Dung dịch bảo quản nông sản hữu cơ” của thí sinh Trần Anh Duy
Với mong muốn đem lại những giá trị mới mẻ cho cộng đồng, thí sinh Huỳnh Thị Phương Duyên (Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐH Quốc gia TP.HCM) đã thực hiện dự án “Umbellure”, một mô hình kinh doanh ô gắn với bản sắc văn hóa Việt Nam. Không chỉ là sản phẩm tiện ích, mỗi chiếc ô còn truyền tải giá trị văn hóa đến khách hàng trong và ngoài nước.

Thí sinh Huỳnh Thị Phương Duyên đang giới thiệu về sản phẩm của dự án Umbellure
Chọn đề tài thiên nhiều về mặt kỹ thuật, dự án “MPC Predictive Maintenance” của thí sinh Đỗ Sĩ Đăng (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) là lời giải cho bài toán vận hành hiệu quả trong sản xuất công nghiệp. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo và lên lịch bảo trì máy móc, dự án giúp giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất.

Thí sinh Đỗ Sĩ Đăng gây ấn tượng với đề án “MPC Predictive Maintenance”
Thí sinh Trần Thái Học (Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) giới thiệu đề án “Từ Content đến Creator”, một chiến lược toàn diện giúp các nhãn hàng tiếp cận người tiêu dùng thông qua video ngắn trên nền tảng TikTok. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất nội dung, đề án còn chú trọng đào tạo đội ngũ creator, xây dựng thương hiệu cá nhân và tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo mang tính thương mại cao.

Sự dí dỏm của thí sinh Trần Thái Học voiw đề án “Từ Content đến Creator” đã tạo không khí vui vẻ cho buổi thi
Trong khi đó, đề án “Mộc Hoa” của thí sinh Hoàng Thụy Kim Ngân (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM)đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ ban giám khảo. Đây là mô hình hoa tặng sử dụng vật liệu tái chế và thân thiện môi trường, gây ấn tượng với tinh thần trao, nhận tinh tế “trao hoa bằng hai tay, nhận hoa bằng hai tay”.

Ông Huỳnh Công Thắng - Thành viên Hội đồng GTTNLVC 2023 thể hiện sự thích thú với sản phẩm Mộc Hoa
Thí sinhNguyễn Võ Thu Hương (ĐH Kinh tế TP.HCM)mang đến dự án đầy tính nhân văn mang tên “Khởi nguồn yêu thương”. Đây không chỉ là một sáng kiến thiện nguyện mà còn là một mô hình kinh tế nhân văn - nơi mỗi sản phẩm được tạo ra đều mang thông điệp tích cực và giá trị kết nối cộng đồng.

Thí sinh Nguyễn Võ Thu Hương trình bày dự án “Khởi nguồn yêu thương”
Với thông điệp bảo vệ môi trường, thí sinh Nguyễn Ngọc Thanh Nhàn (ĐH Kinh tế TP.HCM) trình bày đề án “Greenwear” - một nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt cho ngành thời trang secondhand. Dự án ra đời từ trăn trở về lượng rác thải khổng lồ từ ngành thời trang, đồng thời tạo hệ sinh thái tiêu dùng thời trang thông minh và bền vững cho giới trẻ.

Nền tảng thương mại điện tử “Greenwear” của thí sinh Nguyễn Ngọc Thanh Nhàn
Mỗi đề án đều cho thấy tư duy, năng lực phân tích và khát vọng đóng góp giá trị tốt đẹp cho xã hội của thế hệ doanh nhân trẻ tương lai. Đặc biệt, những đề án đó còn thể hiện tinh thần “làm giàu tử tế” khi không chỉ dừng lại ở mục tiêu lợi nhuận, mà còn hướng đến cộng đồng, trách nhiệm xã hội và tính bền vững trong kinh doanh.
Người trẻ được "truyền lửa" làm giàu chính đáng
Bên cạnh những dự án khởi nghiệp tiềm năng, các bài diễn thuyết trong khuôn khổ cuộc thi cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Các thí sinh đã chia sẻ về hình tượng doanh nhân, hành trình trưởng thành với những lần vấp ngã và cả những băn khoăn về việc theo đuổi sự nghiệp kinh doanh một cách chính đáng.
“
Với em, doanh nhân không chỉ là người có thể làm giàu mà còn là một tấm gương dám đối mặt với rủi ro, thử thách, thất bại nhưng vẫn giữ giá trị đạo đức của mình.
Thí sinh Trần Anh Duy - Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Với góc nhìn người trẻ, các bạn đã mạnh dạn chia sẻ những trăn trở của chính mình: Làm sao để làm giàu mà không đánh mất giá trị đạo đức? Làm sao để cân bằng giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội? Những chủ đề này được thể hiện chân thật và đầy suy tư, phản ánh chính xác tâm thế của một thế hệ doanh nhân trẻ đang từng bước định hình con đường riêng trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện đại.
“
Làm giàu không sai, nhưng làm giàu bằng cách sai thì sẽ phải trả giá không chỉ bằng tiền bạc, mà còn bằng uy tín và trách nhiệm với cộng đồng.
Thí sinh Trần Thái Học - Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM
Tư tưởng này như được tiếp nối từ tinh thần cụ Lương Văn Can: luôn nhấn mạnh việc “dùng nghĩa để sống, lấy tín để hành, dùng nhân để hóa”.
Ngoài vai trò “cầm cân nảy mực”, hội đồng giám khảo của Vòng chung kết Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can còn là những người truyền lửa cho các thí sinh. Nhận định sau các phần thi, ông Huỳnh Công Thắng - CEO InnoLab Asia nhấn mạnh: “Những gì các em thể hiện hôm nay không chỉ là kết quả của vài tháng chuẩn bị, mà còn là những hạt giống đạo đức và tư duy doanh nhân mà các em sẽ mang theo cả đời. Kinh doanh không chỉ là giải bài toán lợi nhuận. Đó là hành trình của trách nhiệm và sự liêm chính”.

Ông Huỳnh Công Thắng nhận xét về phần thể hiện của các thí sinh
Là gương mặt quen thuộc với GTTNLVC, bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TNHH TMTM nhắn nhủ: “Mọi sự thành công đều phải trải qua những thử thách nhất định. Ngày hôm nay, đứng ở đây, tôi có rất nhiều tâm tư muốn gửi gắm đến các em: Hãy luôn tin tưởng vào chúng tôi, những người đi trước, những người vẫn luôn sát cánh cùng các em. Và cũng đừng quên nuôi dưỡng những ước mơ đã được gói trọn vào trong những đề án để một ngày ước mơ của các em sẽ trở thành hiện thực”.

Bà Phan Thị Tuyết Mai động viên các thí sinh với những chia sẻ đầy cảm xúc
Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT CTCP Công nghệ Tin học HPT cho rằng, sự trưởng thành của các thí sinh chính là minh chứng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần Lương Văn Can. “Các bạn đã trải qua một quá trình rèn luyện và bồi dưỡng trường kỳ để có thể đến được ngày hôm nay. Với cá nhân tôi thì đó đã là một sự xứng đáng với tư cách là người chiến thắng cuộc thi này rồi! GTTNLVC cũng từng chứng kiến nhiều tấm gương bước ra từ chương trình có sự trưởng thành đáng tự hào, trên hết, các bạn vẫn nuôi dưỡng được ngọn lửa Lương Văn Can, với tinh thần mẫu mực, và thấm nhuần những đạo lý mà cụ Lương Văn Can đã để lại. Tôi mong rằng thế hệ này vẫn sẽ giữ gìn được những giá trị quý báu đó, tiếp tục tiếp thu và lan tỏa một cách tốt đẹp cho xã hội".

Ông Ngô Vi Đồng đánh giá cao sự cố gắng của các thí sinh, mong muốn tinh thần Lương Văn Can tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ
GTTNLVC không đơn thuần là một giải thưởng, mà là một mô hình giáo dục giá trị đạo đức trong môi trường kinh doanh. Qua từng vòng thi, các thí sinh không chỉ học cách xây dựng mô hình kinh doanh, mà còn học cách trở thành một người lãnh đạo có tâm, có tầm và có trách nhiệm. Chính điều đó đã làm nên sự khác biệt của GTTNLVC.
“
Khi đứng trước hội đồng giám khảo, em không thấy mình đang thi mà như đang được trình bày một phần của cuộc đời mình. Dự án đó là tâm huyết của em, và em đã thể hiện bằng tất cả trái tim nên không có gì tiếc nuối nữa. Đối với em, được trình bày dự án như vậy đã là một chiến thắng rồi.
Thí sinh Kiều Quốc An - Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM
“
Với em, ngày thi chung kết là một sự kiện vô cùng đặc biệt. Đó không chỉ là vòng thi cuối cùng, mà còn là dấu mốc khép lại hành trình tham gia GTTNLVC. Em có chút bùi ngùi, như thể mình sắp rời khỏi ngôi nhà thân thương. Cảm ơn Ban tổ chức đã kiến tạo một cuộc thi vừa nhân văn vừa sâu sắc đến vậy. Nhờ GTTNLVC, em thấy mình trưởng thành thật sự.
Thí sinh Huỳnh Thị Phương Duyên - Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM
“
Em thấy mình đã lớn lên rất nhiều nhờ hành trình này. Cũng có một chút tiếc nuối vì sẽ không còn được gặp lại các bạn vào những buổi học nữa, nhưng em tin rằng mỗi người sẽ có một con đường riêng để tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình. Em mong mọi người sẽ luôn vững vàng, thành công và hy vọng sẽ còn có dịp được đồng hành với nhau trong tương lai.
Thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Diệu - ĐH Kinh tế TP.HCM
Buổi thi chung kết cũng đã khép lại hành trình hai năm của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2023. Các thí sinh không chỉ hoàn thiện đề án, ý tưởng kinh doanh của mình mà còn trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với hành động và lý tưởng sống của bản thân. Và có lẽ, đó mới là phần thưởng lớn nhất mà Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can trao tặng.