Chữa lành... thêm rách

Lâu nay, khái niệm 'chữa lành' đã trở thành một từ khóa quen thuộc trong đời sống giới trẻ Việt Nam. Từ những chuyến du lịch, khóa học đến các cuộc thi viết về chữa lành... dường như bất cứ điều gì cũng có thể gắn mác chữa lành để thu hút sự chú ý.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có việc những hoạt động này đang bị lạm dụng, lừa đảo. Gần đây nhất, Cuộc thi "Viết chữa lành" do Công ty Bookas tổ chức đã phải tạm dừng vì bị mạo danh, lừa đảo hàng trăm triệu đồng.

 Ảnh minh họa: plo.vn

Ảnh minh họa: plo.vn

Giới trẻ Việt Nam ngày nay phải đối mặt với áp lực đa chiều, từ định kiến xã hội đến những kỳ vọng từ gia đình, bản thân; trong khi mạng xã hội còn góp phần khuếch đại những cảm xúc để chữa lành trở thành “bùa hộ mệnh” cho những tâm hồn. Người trẻ khát khao chữa lành, nhưng lại không đủ tỉnh táo để nhận ra chữa lành không phải là một chuyến đi, một lớp học hay một khóa thiền chớp nhoáng. Đôi khi, chữa lành được xem như cái cớ để né tránh khó khăn thay vì đối mặt, xây dựng sức mạnh nội tại mà không nhận ra mình dễ bị tổn thương nghiêm trọng hơn, thậm chí trở thành con mồi của các chiêu trò thương mại, lừa đảo. Chưa kể, việc lạm dụng khái niệm chữa lành còn làm giảm giá trị của những hành trình vượt qua tổn thương thực sự. Khi mọi khó khăn đều cần đến chữa lành thì những tổn thương tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý... có nguy cơ bị xem nhẹ.

Việc chữa lành là cần thiết, song cũng cần có thời gian, sự kiên nhẫn và nỗ lực tự thân. Nếu bản thân không mở lòng, chưa sẵn sàng vượt qua những nỗi đau trong tâm hồn mình thì không ai có thể thay mình làm được điều đó. Thay vì để chữa lành trở thành cái cớ cho sự yếu đuối hay biến thành con mồi cho những chiêu trò lừa đảo, mỗi người trong chúng ta cần học cách đối diện với tổn thương một cách mạnh mẽ và tỉnh táo.

HIỀN VINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chua-lanh-them-rach-837564
Zalo