Chú trọng nâng cao năng lực chăm sóc người khuyết tật tại cộng đồng

Khi chất lượng phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được nâng cao sẽ góp phần xây dựng xã hội khỏe mạnh hơn. Để đạt được điều này, mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cần được củng cố và đẩy mạnh hoạt động.

Hiện nay cả nước có khoảng 7 triệu người khuyết tật chiếm hơn 7,06% dân số (từ 2 tuổi trở lên). Điều đáng nói, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9% và có khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. So với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam là nước có tỷ lệ người khuyết tật cao. Hơn nữa, đa phần người khuyết tật sống ở vùng nông thôn và có cuộc sống khó khăn. Trong số đó phải kể đến những người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam/dioxin. Hiện nay vẫn còn nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn kèm theo sức khỏe bị hạn chế, chưa có việc làm và chưa tiếp cận được với các dịch vụ xã hội. Đa phần người khuyết tật thường phải sống phụ thuộc vào sự trợ giúp của gia đình và xã hội.

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là quá trình phục hồi chức năng được thực hiện tại cộng đồng với sự tham gia, phối hợp chung của người khuyết tật, gia đình người khuyết tật, chính quyền địa phương, y tế cơ sở và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thăm khám phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Thăm khám phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Tại Việt Nam, chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng triển khai từ năm 1987 với 3 tỉnh đầu tiên là Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ hiện nay), Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên hiện nay), Tiền Giang. Sau 37 năm triển khai, cả nước đã có 41 tỉnh thành có chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Nhờ những nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế, chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã có những kết quả nổi bật.

Theo GS.TS.BS Cao Minh Châu (Tổng thư ký Hội Phục hồi chức năng Việt Nam) hiện tại, chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã được xã hội hóa rất cao. Không chỉ có ngành y tế mà còn các ngành, các tổ chức khác như Thương binh xã hội, giáo dục… Từ đó, tỷ lệ người khuyết tật được phục hồi chức năng cũng được tăng lên đáng kể. Có tới 80-85% người khuyết tật tại cộng đồng được tiếp cận các dịch vụ phục hồi chức năng.

GS.TS.BS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội Phục hồi chức năng Việt Nam.

GS.TS.BS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội Phục hồi chức năng Việt Nam.

Chương trình đã xây dựng được mạng lưới phục hồi chức năng từ Trung ương đến cộng đồng (làng, xã). Hiện nay Hội Phục hồi chức năng Việt Nam có hơn 4000 hội viên, đa số các hội viên đều đang hoạt động tại các cơ sở y tế phục hồi chức năng từ tuyến huyện, xã. Mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã đào tạo được hơn 50 bác sĩ Phục hồi chức năng, hơn 200 kỹ thuật viên vật lý trị liệu, 100 kỹ thuật viên hoạt động trị liệu, 100 kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu và nhiều kỹ thuật viên chỉnh hình.

Thông qua chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã có gần 10 nghìn dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng được cung cấp. Trong số đó có các dụng cụ như xe lăn tay, chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình cùng các dụng cụ trợ giúp sinh hoạt khác.

Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là cơ sở để Nhà nước ban hành Luật về người khuyết tật ngày 17/6/2010 và Quyết định 569 của Thủ tướng chính phủ Phê duyết chương trình Phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành 5/2023). Đây cũng là chương trình giúp thay đổi quan điểm và tầm nhìn về phục hồi chức năng cho người khuyết tật hiện nay.

Theo kết quả VDS (Điều tra người khuyết tật) năm 2023, cả nước ta có tỷ lệ khuyết tật của người từ 2 tuổi trở lên năm 2023 là 6,11%, giảm 0,95 điểm phần trăm so với năm 2016. Tỷ lệ khuyết tật này ở khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị (6,89% so với 4,78%). Xét theo vùng kinh tế – xã hội, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 2 vùng có tỷ lệ khuyết tật của người từ 2 tuổi trở lên cao nhất lần lượt là 7,54% và 7,52%, vùng Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ khuyết tật của người từ 2 tuổi trở lên thấp nhất cả nước với 3,62%.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chu-trong-nang-cao-nang-luc-cham-soc-nguoi-khuyet-tat-tai-cong-dong-169241212132347742.htm
Zalo