Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Liên thông dữ liệu là nền tảng xây dựng chính quyền số hiện đại, hiệu quả
Đối với Thành phố Hà Nội, việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, mà còn là cơ hội để Thủ đô đi trước một bước trong đổi mới tư duy quản lý, hoàn thiện thể chế, xây dựng chính quyền đô thị hiện đại, lấy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp làm thước đo thực chất nhất cho năng lực bộ máy.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.
Đó là khẳng định của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trong tham luận về kinh nghiệm của Hà Nội trong liên thông dữ liệu giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị phục vụ triển khai mô hình chính quyền hai cấp, tại Phiên họp lần thứ 3, BCĐ Trung ương ngày 2/7 về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
Từng bước hình thành "dòng chảy dữ liệu" thống nhất, liên thông thực chất
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết: Ngay từ những ngày đầu tiếp cận Nghị quyết 57-NQ/TW, Hà Nội đã xác định rõ những yêu cầu cấp bách, nhất là về liên thông dữ liệu, chính quyền số và vận hành mô hình chính quyền hai cấp.
Với tinh thần không chờ đợi, thành phố lựa chọn cách làm quyết liệt nhưng linh hoạt, vừa làm, vừa thí điểm, vừa tháo gỡ, vừa hoàn thiện từng bước. Hà Nội quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, xác định rõ: phải "vừa chạy, vừa xếp hàng", vừa chủ động tiên phong đi trước, vừa tổ chức chặt chẽ, bài bản, để khi mô hình chính quyền hai cấp vận hành, mọi điều kiện đã sẵn sàng. Chính từ tinh thần như vậy, Hà Nội đã tập trung cao độ cho việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW. Thành phố được giao 58 nhiệm vụ tại Nghị quyết số 71 của Chính phủ và các Thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Đến nay, thành phố đã hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm; 39 nhiệm vụ còn lại hiện vẫn trong thời hạn thực hiện và cơ bản bám sát tiến độ đề ra.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trình bày tham luận
Nhấn mạnh về 7 kết quả nổi bật mà Hà Nội đã đạt được, đồng chí Trần Sỹ Thanh thông tin, lần đầu tiên trên cả nước, Hà Nội tích hợp thành công 4 thủ tục hành chính của Đảng lên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối trực tiếp với dữ liệu dân cư. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành cấu hình 1.917 thủ tục hành chính, trong đó có 572 thủ tục cấp xã; khai báo hơn 4.400 tài khoản xã, phường; đồng bộ đầy đủ trạng thái tiếp nhận, trả kết quả, thanh toán điện tử trên toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, mô hình quản lý tập trung - tích hợp đa tầng được triển khai, với Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố làm đầu mối kết nối dữ liệu, quy trình từ thành phố tới toàn bộ 126 xã, phường. Hơn 84.000 quy trình tạm thời cho cấp xã đã được cấu hình, bảo đảm thông suốt sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Trong đó, 100% xã, phường đã xử lý văn bản điện tử toàn trình có ký số thông qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, tạo nền tảng quan trọng để tiến tới triển khai đồng bộ “Hệ thống văn bản điều hành số Đảng - Chính quyền - Mặt trận” theo chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Thành phố (LGSP) hoạt động ổn định, kết nối thành công với 28 danh mục dữ liệu quốc gia, 8 hệ thống chuyên ngành của Thành phố, với lưu lượng trung bình từ 60.000 đến 70.000 lượt kết nối/ngày...; hệ thống hỗ trợ kỹ thuật được duy trì 24/7. Chỉ trong giai đoạn từ ngày 20/6 đến 30/6/2025, Tổng đài 1022 đã tiếp nhận hơn 6.000 cuộc gọi hỗ trợ, tỷ lệ xử lý thành công đạt 98,7%, góp phần duy trì hệ thống vận hành ổn định, nâng cao hiệu quả công vụ.
Hà Nội đã hoàn thành đồng bộ 126 trang thông tin điện tử cấp xã, khởi tạo gần 13.000 tài khoản người dùng, hoàn thiện danh mục mã định danh và điều chỉnh thông tin cho gần 10.000 hòm thư điện tử công vụ, tạo nền tảng thống nhất cho vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tiên phong để xây dựng chính quyền Thủ đô hiện đại, hiệu lực, hiệu quả
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, những kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu, Thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề hoàn thiện cơ sở dữ liệu, kết nối hệ thống thông tin giữa các cấp, đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
Từ thực tiễn triển khai, Hà Nội rút ra 6 bài học kinh nghiệm lớn, cụ thể: Phát huy vai trò lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp; đi trước về tư duy, quyết liệt về hành động; tái cấu trúc toàn diện hệ thống dữ liệu và quy trình vận hành theo hướng chuẩn hóa, tích hợp, dùng chung, phù hợp quan điểm kiến trúc số quốc gia; hoàn thiện hạ tầng chia sẻ dữ liệu theo hướng mở, liên thông thực chất theo nguyên tắc “lấy dữ liệu làm trung tâm”; hỗ trợ kỹ thuật phải đến tận cơ sở, liên tục, kịp thời; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Một góc Thành phố Hà Nội
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề xuất, kiến nghị 3 nội dung:
Thứ nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hoàn thiện thể chế, chính sách liên thông dữ liệu, đặc biệt là các cơ chế về phân quyền, khai thác dữ liệu giữa các cấp chính quyền, giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Thứ hai, ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn mô hình chuẩn để các địa phương, nhất là Hà Nội xin tiếp tục tiên phong, đi trước nhận thí điểm các mô hình mới về quản lý dữ liệu, chính quyền số, tiến tới nhân rộng trên toàn quốc.
Thứ ba, các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thành việc xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm việc chia sẻ dữ liệu đến xã, phường thực chất, hiệu quả.
“Thành ủy Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất của hệ thống chính trị Thủ đô, quyết liệt triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, trong đó liên thông dữ liệu là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, góp phần xây dựng chính quyền Thủ đô hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của đất nước” - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.