Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tỉnh Hậu Giang

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng thời gian qua Trung ương đã làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Sáng 1-7, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang có buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Buổi tiếp xúc cử tri được tổ chức trực tiếp và trực tuyến kết nối với các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Dự kiến đầu năm 2026 nâng cấp Quốc lộ 61C

Tại đây, sau khi nghe báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang về kết quả kỳ họp thứ bảy và kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp, nhiều cử tri đã chúc mừng ông Trần Thanh Mẫn được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Đồng thời, cử tri cũng đã bày tỏ ý kiến, kiến nghị một số vấn đề.

 Cử tri tỉnh Hậu Giang ý kiến về nâng cấp Quốc lộ 61C, việc tinh giản biên chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CHÂU ANH

Cử tri tỉnh Hậu Giang ý kiến về nâng cấp Quốc lộ 61C, việc tinh giản biên chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CHÂU ANH

Cụ thể, cử tri Phạm Thanh Trà (huyện Vị Thủy) kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (Quốc lộ 61C) lên bốn làn xe như kế hoạch để đáp ứng nhu cầu lưu lượng phương tiện ngày càng đông. Đây cũng là cơ sở tạo điều kiện để tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh hơn nữa, sánh vai cùng các tỉnh bạn.

Một số cử tri là giáo viên trên địa bàn tỉnh kiến nghị được Trung ương có chính sách hỗ trợ cho lực lượng giáo viên với mức phụ cấp 25% như công chức để yên tâm công tác hơn. Cạnh đó, xem xét và không áp dụng tỉ lệ tinh giản biên chế chung 10% đối với ngành giáo dục...

Các cử tri cũng có ý kiến liên quan đến giá điện vì sao tăng nhưng ngành điện than lỗ; cần có cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Hậu Giang và hai tỉnh Đắk Nông, Điện Biên, bởi đây là ba tỉnh còn nhiều khó khăn...

 Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định tỉnh đã quy hoạch khu dân cư là không cho phép khu dân cư nào tự phát. Ảnh: CHÂU ANH

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định tỉnh đã quy hoạch khu dân cư là không cho phép khu dân cư nào tự phát. Ảnh: CHÂU ANH

Trả lời cử tri, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin việc đầu tư, hoàn thiện Quốc lộ 61C đã được Quốc hội, Chính phủ đồng ý. Ngân hàng thuộc tổ chức JICA Nhật Bản cũng đã đồng ý cho vay để thực hiện dự án.

Hiện tỉnh Hậu Giang và các Bộ ngành đang phối hợp để làm việc với ngân hàng quốc tế hoàn thiện các thủ tục triển khai. Dự kiến có thể sẽ khởi công thực hiện dự án trong đầu năm 2026.

Về quy hoạch các khu dân cư trong đó có khu dân cư tự phát, người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định: “Đã quy hoạch khu dân cư là không cho phép khu dân cư nào tự phát. Ở đâu như thế nào không biết, nhưng ở Hậu Giang thì khi đã phê duyệt quy hoạch 1/500 thì không còn điều chỉnh gì nữa”.

Sẽ tiếp tục giám sát thực hiện tinh giản biên chế

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội thông tin một số vấn đề tình hình trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay ngay hôm nay (ngày 1-7), có 10 Luật đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành, như: Luật Căn cước 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Luật Giá 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023...

 Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội trả lời ý kiến cử tri tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CHÂU ANH

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội trả lời ý kiến cử tri tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CHÂU ANH

Trả lời một số ý kiến cử tri về giá điện, ông Trần Thanh Mẫn cho biết vấn đề cử tri nêu đã được các cơ quan của Quốc hội quan tâm, theo dõi, giám sát. Cụ thể, năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Từ kết quả kiểm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, nghiên cứu điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào như giá nguyên nhiên liệu, tỉ giá. Đồng thời, sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”, nhưng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Đối với ý kiến không thực hiện cắt giảm 10% biên chế hàng năm đối với ngành giáo dục, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh theo Kết luận của Bộ Chính trị, giai đoạn 2022-2026 phải thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách so với năm 2021. Tuy nhiên, Quyết định số 72 của Bộ Chính trị cũng đã bổ sung khoảng 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026.

“Tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông. Cạnh đó, chỉ đạo các địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ biên chế được cấp có thẩm quyền giao" - Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm.

 Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành giáo dục. Ảnh: CHÂU ANH

Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành giáo dục. Ảnh: CHÂU ANH

Ông Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh thời gian tới Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành giáo dục.

Về kiến nghị có chính sách đặc thù cho Hậu Giang, Đắk Nông và Điện Biên, Chủ tịch Quốc hội cho hay năm 2022 Bộ Chính trị đã ban hành sáu Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỉnh Điện Biên được quy định tại Nghị quyết số 11; tỉnh Đắk Nông được quy định tại Nghị quyết số 23 và tỉnh Hậu Giang được quy định tại Nghị quyết số 13.

“Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ lưu ý trong quá trình sơ kết, tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đang được áp dụng tại các địa phương. Trong đó, sẽ nghiên cứu, lưu ý có các chính sách ưu tiên để thúc đẩy các tỉnh còn có nhiều khó khăn” - ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

“Qua tiếp xúc cử tri tại tỉnh Hậu Giang những năm gần đây, tôi không nhận được phản ánh nào về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà không bị xử lý.

Chính chúng ta làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo được niềm tin trong nội bộ và trong nhân dân, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam" - ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-tiep-xuc-cu-tri-tinh-hau-giang-post798297.html
Zalo