Chủ tịch Quốc hội thăm cơ quan đại diện Việt Nam, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ
Chiều 27/7 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm, gặp gỡ tập thể cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chụp ảnh cùng cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Tham dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva và Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long...
Chào mừng Đoàn và báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva nêu rõ: Việc Chủ tịch Quốc hội tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Geneva có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là diễn đàn đối ngoại nghị viện quan trọng bậc nhất trên phạm vi toàn cầu, quy tụ đông đảo nhất các lãnh đạo nghị viện từ khắp các châu lục, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần và chỉ luân phiên tổ chức tại ba trung tâm đa phương lớn nhất thế giới là New York, Vienna và Geneva.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phu nhân gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội tại Geneva lần này thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác đối ngoại đa phương và khẳng định vai trò ngày càng tích cực, trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện và quốc tế.
Thông báo với Chủ tịch Quốc hội về tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, Đại sứ Mai Phan Dũng cho biết: Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ có khoảng 10.000 người tại 26 bang. Cộng đồng luôn yêu nước, đoàn kết, gìn giữ bản sắc dân tộc và có tinh thần hướng về quê hương. Bà con đã tích cực đóng góp cho đất nước qua các đợt vận động ủng hộ vaccine, phòng chống Covid-19, cứu trợ lũ lụt, các hoạt động thiện nguyện.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phu nhân gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Ngoài ra, cộng đồng tại Thụy Sĩ có nhiều cá nhân thành công trong công việc, là các bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ, làm việc tại các cơ quan lớn của Thụy Sĩ, bên cạnh đó cũng có một bộ phận cộng đồng là các chuyên gia, trí thức người Việt Nam công tác tại các tổ chức quốc tế ở Geneva.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội lắng nghe những ý kiến chia sẻ, kiến nghị của đại diện cộng đồng bà con và trí thức trẻ; qua đó, bà con cộng đồng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phu nhân gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Theo đánh giá chung của cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, những năm qua, Việt Nam là hình mẫu về phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thành công với chính sách đối ngoại chủ động hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay.
Bà Ngọc Dung Moser, Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ cho biết rất phấn khởi ngày 1/7 vừa qua, đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới, bước cải cách mạnh mẽ tinh giản bộ máy, phân quyền hợp lý, minh bạch hóa quản trị. “Tinh thần ‘sắp xếp lại giang sơn’ của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là khẩu hiệu, mà là tín hiệu của sự chuyển mình, đưa chính quyền về gần dân hơn, gần lòng dân hơn. Những người Việt tại Thụy Sĩ đón mừng những cải cách ấy với niềm tin sâu sắc, lòng biết ơn và niềm tự hào mang tên Việt Nam”, bà Ngọc Dung Moser bày tỏ.

Quang cảnh cuộc gặp tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Chia sẻ về một số của Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ, bà Ngọc Dung Moser cho biết, Hội Người Việt tại Thụy Sĩ và Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam phối hợp tổ chức dạy và học tiếng Việt, đặc biệt thông qua Trường Bình Minh tại Zurich. Bên cạnh bang Geneva, việc tiếng Việt được công nhận là ngôn ngữ giảng dạy trong hệ thống phổ thông tại bang Zurich.
Đại diện bà con bày tỏ cảm ơn Quốc hội đã kịp thời sửa đổi các luật liên quan, tạo hành lang thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài, và đề nghị quá trình cấp căn cước công dân và hộ chiếu điện tử (có chip) dành cho kiều bào sẽ được đẩy mạnh nhanh hơn trong thời gian tới, giúp bà con thuận tiện trong các hoạt động dân sự, giấy tờ, đầu tư, đi lại trong nước.
Sau khi lắng nghe báo cáo của Đại sứ Mai Phan Dũng, các ý kiến phát biểu của đại diện cộng đồng, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, luôn quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa, tiếng Việt và hình ảnh tốt đẹp của người Việt Nam, được sở tại đánh giá cao và có nhiều đóng góp cho đất nước.
Chung quanh một số kiến nghị, đề xuất của đại diện cộng đồng, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh hơn những nội dung của “bộ tứ trụ cột” mang tính đột phá chiến lược, tạo thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Chủ tịch Quốc hội nêu và nói rõ hơn về Nghị quyết 57, với nhiều nội dung mang tính đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có nội dung ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống; thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia về khoa học; xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế…
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc. Trong những năm qua, nhiều chính sách thiết thực đã được triển khai nhằm hỗ trợ bà con đầu tư, học tập, sinh sống tại quê hương; tạo cơ chế linh hoạt để bà con duy trì quốc tịch Việt Nam, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tăng cường gắn bó với đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng xác định rõ công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ chiến lược lâu dài; tăng cường bảo hộ quyền lợi hợp pháp của kiều bào, hỗ trợ hội nhập bền vững vào xã hội sở tại, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, quan tâm dạy tiếng Việt cho người Việt, cộng đồng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thông báo tổng quan tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và định hướng phát triển thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; đã và đang thực hiện tốt nhất các chính sách cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, các chương trình xóa nhà dột nát…
Về thực hiện nhiệm vụ tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thụy Sĩ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách vừa được Quốc hội, Chính phủ ban hành đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đề cập chương trình làm việc những ngày tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành làm việc các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nước bạn để thảo luận những nội dung hiệp định, văn bản ký kết trước đây, đánh giá việc triển khai và nắm bắt những khó khăn, trở ngại để có đề xuất giải quyết.