Chủ tịch Quốc hội: Không để người dân 'tiền mất tật mang' do quảng cáo thuốc

Vấn đề quảng cáo thuốc, theo Chủ tịch Quốc hội phải có kiểm soát chặt chẽ, không để nội dung, hình thức quảng cáo làm sai lệch về bản chất của thuốc, không để người dân 'tiền mất tật mang'.

Chiều 18/6, sau khi nghe tờ trình và thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Vấn đề quảng cáo thuốc hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp quảng cáo không đúng giá trị, công dụng làm ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý người dân, người bệnh. Trong khi đó việc thanh tra, kiểm tra cũng chưa được triển khai thường xuyên, kịp thời do hạn chế về nhân lực ở cơ quan quản lý tại Trung ương và địa phương.

Trong tờ trình thẩm tra, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng hoặc sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, vấn đề quảng cáo thuốc được người dân rất quan tâm nên cần kiểm soát chặt chẽ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ chiều 18/6. Ảnh: Hoàng Hà

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ chiều 18/6. Ảnh: Hoàng Hà

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không để nội dung quảng cáo sai lệch thuốc, không đúng hiệu quả điều trị, không để người dân "tiền mất tật mang" do sử dụng thuốc từ quảng cáo.

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường bắt giữ hàng loạt vụ việc thuốc giả, nhập lậu… Người dân muốn làm sao mua được thuốc thật, giá cả hợp lý.

Dự thảo luật bổ sung quyền phân phối thuốc đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, mở rộng nhưng cũng cần thận trọng, đảm bảo tránh độc quyền phân phối nhưng cũng cần lộ trình phù hợp.

Về kinh doanh thuốc ở thương mại điện tử, theo Chủ tịch Quốc hội, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên cần có quy định cụ thể để kiểm soát, mở rộng từng bước, thận trọng, đồng bộ với các quy định có liên quan.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) chia sẻ, bản thân ông ngày nào cũng có người dân gọi đến hỏi "thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh dùng không mà người ta sử dụng hình ảnh anh để bán trên mạng, người dân dùng rất nhiều, gây tác dụng phụ, tốn kém tài sản".

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Quốc hội

Cho ý kiến về quản lý quảng cáo thuốc, đại biểu Lân Hiếu đề nghị quy định rõ, Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội, cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết để phòng tránh.

Về phát triển ngành dược nội địa, đại biểu đồng tình tuy nhiên "cần biết vị trí của mình đang ở đâu", tránh duy ý chí theo kiểu dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn, không cho thuốc của hãng dược phẩm lớn vào Việt Nam, trong khi thuốc tương đương của ta lại không thể so sánh nổi với thuốc tốt của nước ngoài.

Điều này dẫn đến người dân vẫn phải dùng và giá thuốc bị đẩy lên. Vì vậy, ông Hiếu cho rằng cần cẩn trọng về việc dùng luật để thúc đẩy nhưng vô tình lại kìm hãm nhập khẩu các thuốc tốt, thuốc quý.

Có loại thuốc hiếm do nhiều vấn đề nên không được dùng, không được đăng ký lưu hành ở Việt Nam nhưng là thuốc tốt, có thể cứu người nên nhờ người thân xách tay mang về. Vì vậy, đại biểu Hiếu đề nghị có quy định về loại thuốc này trong Luật Dược với định nghĩa là thuốc chuyên khoa đặc thù trong một số bệnh lý cụ thể, mục đích để các bệnh viện có thể mua trực tiếp từ các hãng nước ngoài hoặc Bộ Y tế có phương án mua tập trung.

Cũng góp ý về thuốc hiếm, thuốc không sẵn có, thuốc mồ côi, Bác sĩ Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM) nêu ý kiến, thực tế có những loại thuốc chỉ 2.000 - 3.000 đồng/viên nhưng lại không có sẵn hàng. Khi hỏi thì các nhà thuốc nói không kinh doanh vì không có khách mua.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Tri Thức. Ảnh: Quốc hội

Ông Tri Thức góp ý, dự thảo luật nên bổ sung quy định về dự trữ thuốc hiếm, thuốc mồ côi sử dụng trong cấp cứu bệnh nhân như kháng độc nọc rắn, botulinum. Ông cho biết, đây là những thuốc đắt tiền nhưng rất ít khi sử dụng, vì thế các cơ sở không mua, bởi nhập về mà không sử dụng thì hết hạn lại tiêu hủy, lãng phí.

"Nó giống như chuyện gia đình nào cũng cần có bình chữa cháy nhưng có khi không bao giờ dùng tới. Thuốc hiếm, thuốc mồ côi cũng vậy. Không dự trữ thì khi cần đến không có, lại không kịp thời cứu được người bệnh. Vì thế, phải cho cơ chế nếu không dùng tới được tiêu hủy", ông Thức dẫn chứng.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-quoc-hoi-khong-de-nguoi-dan-tien-mat-tat-mang-do-quang-cao-thuoc-2292839.html
Zalo