Chủ tịch huyện đề nghị người dân tham gia giám sát khai thác cát

Trước sự lo lắng sạt lở do khai thác cát, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đề nghị người dân phối hợp giám sát khai thác cát trên địa bàn.

Khu vực khai thác và bãi cát mà người dân đề nghị di dời. (Ảnh: Thành Tâm)

Khu vực khai thác và bãi cát mà người dân đề nghị di dời. (Ảnh: Thành Tâm)

Chiều 3/7, UBND xã Hòa Phong, huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) tổ chức đối thoại với người dân thôn 1, thôn 2 để giải quyết kiến nghị dời bãi tập kết cát và cấm khai thác tại khu vực gần nhà ở trên sông Krông Bông.

 Người dân đối thoại với chính quyền. (Ảnh: Thành Tâm)

Người dân đối thoại với chính quyền. (Ảnh: Thành Tâm)

Tham dự có ông Lê Văn Long - Chủ tịch UBND huyện Krông Bông; ông Nguyễn Nguyên Đồng - Chủ tịch UBND xã Hòa Phong; đại diện Công an huyện, lãnh đạo các phòng, ban của huyện; đại diện cấp ủy chính quyền xã Hòa Phong và hơn 50 hộ dân thôn 1 và 2.

Ông Nguyễn Xuân Hải (sinh 1954) đại diện cho hơn 50 hộ dân thôn 1 và 2 xã Hòa Phong kiến nghị, thời gian qua, trên địa bàn đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, sạt lở núi khiến 4 ngôi nhà bị vùi lấp, thiệt hại lớn.

 Ông Nguyễn Xuân Hải (sinh 1954) đại diện cho hơn 50 hộ dân thôn 1 và 2 nêu kiến nghị. (Ảnh: Thành Tâm)

Ông Nguyễn Xuân Hải (sinh 1954) đại diện cho hơn 50 hộ dân thôn 1 và 2 nêu kiến nghị. (Ảnh: Thành Tâm)

Vị trí cấp phép cho Công ty Ngọc Hùng khai thác cát nằm ở khu vực sạt lở, vì vậy đề nghị chuyển bãi cát đi nơi khác. Đồng thời đề nghị, không được khai thác ở khu vực mà xã đã cắm biển cấm.

Tại buổi đối thoại, nhiều hộ dân cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng mất an toàn trong mùa mưa bão khi trước mặt bờ sông sạt lở, sau lưng những ngọn núi cũng có nguy cơ đổ ập như những năm trước.

Trả lời người dân, ông Nguyễn Nguyên Đồng khẳng định, Công ty Ngọc Hùng được ngành chức năng cấp phép khai thác cát trên sông Krông Bông theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

 Ông Nguyễn Nguyên Đồng đối thoại với người dân. (Ảnh: Thành Tâm)

Ông Nguyễn Nguyên Đồng đối thoại với người dân. (Ảnh: Thành Tâm)

"Công ty Ngọc Hùng được cấp phép khai thác trên đoạn sông với chiều dài hơn 15km, trữ lượng khai thác 20 nghìn m3/1 ngày với loại cát nguyên khai. Thời gian khai thác là 14 năm. Quy mô là 4 tàu hút, hiện nay Công ty mới thuê lại 1 tàu của đơn vị khác và chưa chính thức đi vào khai thác", ông Đồng trao đổi.

Đối thoại lại ý kiến của Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, anh Nguyễn Xuân Trung (thôn 1) khẳng định, người dân không phản đối việc khai thác cát. Nhưng đề nghị khai thác đúng quy định pháp luật, không làm ảnh hưởng đến đất sản xuất, nhà cửa của người dân.

Còn theo đại diện Công ty Ngọc Hùng, đơn vị đã có văn bản cam kết gửi ngành chức năng về việc khai thác đúng quy định của giấy phép, bảo đảm các quy định của pháp luật hiện hành.

Trước những băn khoăn của người dân, ông Lê Văn Long thay mặt UBND huyện ghi nhận sự thẳng thắn góp ý, kiến nghị của người dân đối với chính quyền. Tuy nhiên, UBND huyện không phải là đơn vị cấp phép nên không có thẩm quyền dừng việc khai thác cát của Công ty Ngọc Hùng. Còn việc chuyển bãi cát đến vị trí mới theo đề nghị, cần phải có thời gian.

 Ông Lê Văn Long đối thoại với người dân. (Ảnh: Thành Tâm)

Ông Lê Văn Long đối thoại với người dân. (Ảnh: Thành Tâm)

"Tôi đề nghị bà con phối với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc khai thác cát của Công ty Ngọc Hùng. Nếu vi phạm ở điểm nào, bà con kiến nghị lên huyện để đề nghị rút giấy phép khai thác cát. Đồng thời, đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Long nói.

Trước đó, người dân thôn 1 và thôn 2, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông đã kiến nghị ngành chức năng về hoạt động khai thác cát. Nội dung: "Những năm gần đây thiên tai xảy ra đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân khu vực ven sông ở thôn 1 và thôn 2. Tình trạng sạt lở bờ sông vẫn tiếp tục tiếp diễn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, nhân dân chúng tôi rất lo lắng, mất ăn, mất ngủ mỗi khi mùa mưa bão đến..."

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chu-tich-huyen-de-nghi-nguoi-dan-tham-gia-giam-sat-khai-thac-cat-post690234.html
Zalo