Chủ tịch HoREA hiến kế gỡ vướng xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội tại TP.HCM

HoREA vừa đề xuất các giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng từ 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội tại TP.HCM trước năm 2030…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã cam kết giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dựng dự án nhà ở xã hội từ hơn 01 năm xuống còn không quá 6 tháng. Điều này sẽ giúp thành phố có thể thực hiện được chỉ tiêu đã đề ra.

70.000 CĂN NHÀ Ở XÃ HỘI TRONG TẦM TAY

Mới đây, Sở Xây dựng đã công bố danh mục 07 dự án nhà ở xã hội mời gọi đầu tư với khoảng 8.000 căn, cùng với công bố 03 “thiết kế mẫu” nhà ở xã hội cao tầng, mà nếu được phép áp dụng trong thời gian tới thì sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho cả các chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước và giảm giá thành nhà ở xã hội,

Kết quả đã có 21 doanh nghiệp đăng ký thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất do doanh nghiệp tự tạo lập, với khoảng 52.000 căn hộ, trong đó, có 09 doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp, với khoảng 40.000 căn hộ; có 12 doanh nghiệp đăng ký tìm quỹ đất trên địa bàn thành phố để xây dựng 12.000 căn nhà ở xã hội.

Như vậy, với 21 doanh nghiệp đăng ký xây 52.000 căn nhà ở xã hội, với 07 khu đất TP.HCM mời gọi đầu tư nhà ở xã hội khoảng 8.000 căn, cùng với 10.000 căn nhà ở xã hội do TP.HCM đầu tư, đến năm 2030, TP.HCM có thể phát triển được 70.000 căn hộ nhà ở xã hội, vượt chỉ tiêu 69.700 căn hộ (chỉ tiêu mức thấp). Tuy nhiên, thành phố vẫn quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển 93.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thành công của mục tiêu 93.000 căn nhà ở xã hội phụ thuộc vào sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nhà ở xã hội.

Thực tế, một số dự án hiện đã được phê duyệt nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại về thủ tục, thí dụ như chưa được cấp giấy phép xây dựng… Để đẩy nhanh tiến độ, HoREA kiến nghị các cơ quan chức năng cần hợp tác chặt chẽ để xử lý các vấn đề tồn đọng.

CẦN BỐ TRÍ QUỸ ĐẤT CỤ THỂ

Có thể thấy, trường hợp dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên (huyện Bình Chánh) đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, đã quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và đã điều chỉnh cục bộ (động thổ ngày 29/08/2024). Đến nay, đã hơn 03 tháng vẫn chưa làm được cấp giấy phép xây dựng, do quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt. Nguyên nhân, huyện Bình Chánh phải xin ý kiến Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư 07 dự án nhà ở xã hội mới đây, lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo ngay UBND huyện Bình Chánh giải quyết nhanh việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên.

Hoặc trường hợp dự án Nhà lưu trú công nhân Khu Chế xuất Linh Trung 2, giai đoạn 2, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư. Dự án đã được UBND TP.HCM chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn chưa được Ban Quản lý Khu Chế xuất Linh Trung và Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố (Hepza) hỗ trợ để hoàn thành thủ tục, để có thể khởi công giai đoạn 2.

Ngoài ra, theo HoREA, để thực hiện mục tiêu 93.000 căn nhà ở xã hội thì việc bố trí đủ quỹ đất là yếu tố then chốt.

Bởi lẽ, để phát triển 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội, TP.HCM cần phải có 69 - 93 dự án nhà ở xã hội độc lập, quy mô trung bình 1.000 căn hộ/dự án, tổng diện tích đất cần phải bố trí lên đến khoảng 96 - 130 ha.

Trường hợp sử dụng quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại để xây dựng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích đất này khoảng 480 - 650 ha.

Do đó, Hiệp hội đề xuất các trường hợp phải xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại, như sau:

Xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại theo đề xuất của chủ đầu tư dự án, không phân biệt dự án nhà ở thương mại cao cấp, trung cấp hay bình dân, khi thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, ví dụ như trường hợp Công ty Nam Long là chủ đầu tư dự án khu đô thị cao cấp Mizuki Park đã quyết định đầu tư 02 dự án nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án…

HoREA cũng đề xuất sửa đổi quy định để tăng hệ số sử dụng đất đối với các dự án nhà ở thương mại cao cấp và trung cao cấp, cho phép phát triển thêm căn hộ nhà ở xã hội trong các dự án này.

Đồng thời, cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, điều mà hiện nay các chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa được hưởng.

Về thủ tục hành chính, HoREA đề nghị thành phố rút ngắn thời gian xử lý và đơn giản hóa các bước liên quan đến việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Một cơ chế thí điểm cũng được đề xuất, đó là cho phép Sở Xây dựng TP.HCM phụ trách việc chấp thuận chủ trương đầu tư, tương tự như các dự án cải tạo chung cư hiện nay.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà cho thuê, vẫn là một thách thức lớn do lợi nhuận thấp và thời gian hoàn vốn kéo dài. Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp. Những giải pháp này kỳ vọng sẽ mang lại bước đột phá trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động và người có thu nhập thấp tại TP.HCM.

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-tich-horea-hien-ke-go-vuong-xay-dung-93-000-can-nha-o-xa-hoi-tai-tp-hcm.htm
Zalo