Chủ tịch Đắk Lắk: Kết hợp nông nghiệp và kinh tế biển, tỉnh sẽ bứt phá
'Kết hợp nông nghiệp và kinh tế biển, tỉnh sẽ bứt phá' – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Tạ Anh Tuấn khẳng định.
Việc hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên thành tỉnh Đắk Lắk không chỉ tạo ra một thực thể hành chính mới rộng trên 18.000km², dân số hơn 3,3 triệu người, tạo ra cơ hội và không gian phát triển rất lớn mà còn đặt ra hàng loạt thách thức về phát triển, điều hành và gắn kết bản sắc hai vùng đất khác biệt.
Trong cuộc trò chuyện với Báo Điện tử VTC News, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk sau hợp nhất – ông Tạ Anh Tuấn – chia sẻ những ưu tiên hành động đầu tiên của chính quyền mới, từ bài toán tích hợp quy hoạch, tổ chức bộ máy, kết nối hạ tầng đến giữ gìn văn hóa và củng cố niềm tin người dân.

Ông Tạ Anh Tuấn (giữa) - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.
- Thưa ông, là người đứng đầu tỉnh mới được hình thành từ hai vùng có địa hình, văn hóa và thế mạnh phát triển khác biệt như Đắk Lắk và Phú Yên, nếu phải “đặt tên” cho mô hình phát triển của Đắk Lắk trong 10 năm tới ông chọn mô hình nào để tạo một chỉnh thể hài hòa: công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - logistics, hay một hình thái lai ghép riêng biệt, và đâu sẽ là trục dẫn chính trong chiến lược phát triển được ông ưu tiên đặt trọng tâm?
Thực hiện chủ trương chung của Trung ương, việc hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk với Phú Yên thành tỉnh Đắk Lắk mới là tỉnh có địa bàn tương đối rộng, xếp thứ 3 về diện tích trên tổng số 34 tỉnh, thành sau sáp nhập (chỉ sau Lâm Đồng và Gia Lai).
Tỉnh Đắk Lắk mới vừa hướng tới tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, vừa tạo động lực và huy động nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội theo quy mô lớn, hình thành một vùng kinh tế liên hoàn, chỉnh thể hài hòa với đầy đủ yếu tố để phát triển bền vững, hòa vào dòng chảy phát triển chung của cả nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Theo chủ trương của Đảng cùng với định hướng phát triển quy hoạch của tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk (cũ), tỉnh Đắk Lắk sau hợp nhất sẽ định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp mới có cửa khẩu quốc tế và cảng biển, trọng tâm là phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng tái tạo, trung tâm dữ liệu lớn, logistics,….
Tại khu vực phía Tây (tỉnh Đắk Lắk cũ) tập trung phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu, trong đó tập trung phát huy thế mạnh về cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao như: cà phê, sầu riêng, hồ tiêu… Xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thân thiện môi trường, hình thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vươn tầm khu vực và thế giới với những sản phẩm chất lượng cao.
Và tại khu vực phía Đông (tỉnh Phú Yên) tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tạo bứt phá về kinh tế - xã hội trong khu vực duyên hải Trung Bộ và liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tạo một thể thống nhất, không rời rạc.
Tỉnh cũng định hướng tổ chức, sắp xếp hợp lý không gian, lãnh thổ, phát triển hệ thống đô thị trở thành các cực phát triển, trung tâm kinh tế của tỉnh, vùng; bố trí không gian phát triển các ngành dịch vụ liên kết hiệu quả với các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gắn với các hành lang kinh tế.
Từng bước xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột trở thành “Đô thị cà phê thế giới”; hình thành đô thị du lịch biển. Nâng cấp cảng hàng không Tuy Hòa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc nội 4C, mở rộng sân bay Buôn Ma Thuột, tiến tới đủ điều kiện khai thác các chuyến bay quốc tế từ các quốc gia thị trường tiềm năng và kết nối với các cửa khẩu hàng không quốc tế như: TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Đồng thời, với tiềm năng lợi thế về đường bờ biển dài, các vũng, vịnh, phong cảnh đẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên…, tỉnh sẽ hướng đến phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung thu hút đầu tư các tổ hợp vui chơi giải trí, thể thao, sân golf gắn với phát triển đa dạng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa - lịch sử đến du lịch sinh thái, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và MICE - trên cơ sở khai thác hiệu quả các tài nguyên độc đáo như vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, hồ Lắk, buôn Đôn, vườn quốc gia Yok Đôn…
Cùng với đó, hệ thống logistics và dịch vụ cảng biển sẽ được đầu tư đồng bộ, gắn kết hạ tầng cao tốc, cảng biển Vũng Rô, Bãi Gốc, sân bay Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa nhằm đưa tỉnh trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và du lịch của vùng.
Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên có đường biên giới giáp các nước bạn Lào, Campuchia. Việc hợp nhất các tỉnh khu vực Tây Nguyên với các tỉnh vùng biển nói chung và hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên nói riêng sẽ tạo động lực phát triển không chỉ riêng cho địa phương, mà còn tạo điều kiện cho các nước bạn Lào, Campuchia phát triển mở rộng theo hướng ra biển Đông. Sản phẩm có thể thông thương ra thế giới qua cảng biển ở phía Đông của Đắk Lắk hoặc cửa khẩu biên giới đất liền phía Tây Đắk Lắk, hàng hóa lưu thông thúc đẩy sản xuất phát triển, từ lợi thế so sánh chuyển thành lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

Ông Tạ Anh Tuấn tiếp ông Sho Shiratori – Giám đốc Trung tâm Giao lưu Nhật – Việt và Đoàn công tác.
- Một trong những nút thắt cố hữu là giao thông kết nối kém hiệu quả giữa Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Ông có kế hoạch gì cụ thể để phá thế chia cắt Đông - Tây, biến bất lợi thành động lực phát triển liên vùng?
Việc sáp nhập tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên thành tỉnh Đắk Lắk mới mở ra không gian phát triển mới, với định hướng phát triển mở rộng về phía tây, kết nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ. Tỉnh mới sẽ tận dụng lợi thế của cả hai vùng, bao gồm thế mạnh về nông nghiệp của Đắk Lắk và kinh tế biển của Phú Yên, tạo ra những trục động lực để thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, hạ tầng giao thông kết nối phát triển đồng bộ, tạo điều kiện phát triển mở rộng hướng từ khu vực Tây Nguyên ra biển Đông, hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây, dọc theo hành lang hình thành các vùng kinh tế động lực hướng ra tiểu vùng Mê Kông mở rộng.
Tuyến quốc lộ 29 là tuyến huyết mạch kết nối chính của hai tỉnh Phú Yên - Đắk Lắk (nay là tỉnh Đắk Lắk mới), là trục ngang Đông - Tây kết nối vùng Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung. Hiện nay, tuyến quốc lộ 29 vẫn còn nhiều đoạn tuyến có thông số kỹ thuật cấp đường còn thấp, mặt đường hẹp, chưa đồng bộ, đang bị xuống cấp; chỉ mới đảm bảo nhu cầu giao thông thông suốt; chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk mới trong thời gian tới.
Theo định hướng chung của Trung ương, hạ tầng giao thông kết nối giữa khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung triển khai theo định hướng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng: đến năm 2030, đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, các trục giao thông Đông - Tây quan trọng, phấn đấu có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.
Trong đó, tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk là trục đường chiến lược kết nối Đông - Tây, kết nối “rừng” với “biển”, kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung, đang được tỉnh Đắk Lắk mới kiến nghị Thủ tướng đầu tư giai đoạn 1 của tuyến là đoạn từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến quốc lộ 14 theo phương thức đối tác công tư (theo hình thức PPP) trong giai đoạn 2026-2030.
Việc đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk, với điểm đầu tại cảng Bãi Gốc, điểm cuối tại Cửa khẩu Đăk Ruê, (giai đoạn 1 đầu tư Cảng Bãi Gốc - Buôn Hồ) sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Tuyến cao tốc này sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, cảng cạn, cửa khẩu, khu kinh tế, khu công nghiệp, kết nối các hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây mở ra không gian phát triển mới; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng. Đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của tỉnh.
Triển khai thực hiện đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk, song song với việc nghiên cứu đưa vào đầu tư tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên với Cảng Bãi Gốc, xây dựng đường ống dẫn dầu chạy dọc theo tuyến cao tốc này sẽ tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đắk Lắk mới, từng bước hướng đến phát triển bền vững, hiện đại, phấn đấu tự cân đối được ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Ông Tạ Anh Tuấn thông tin đến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc đầu tư và phát triển khu vực Cảng Bãi Gốc
- Hệ thống quy hoạch hiện tại giữa Phú Yên và Đắk Lắk vốn độc lập, thậm chí có phần mâu thuẫn trong định hướng. Vậy ông sẽ giải quyết bài toán tích hợp quy hoạch thế nào để vừa giữ được bản sắc, vừa tránh chồng chéo và lãng phí nguồn lực?
Trong công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 các tỉnh đã thực hiện theo Luật Quy hoạch và nghị định, thông tư hướng dẫn đánh giá, xây dựng theo định hướng tích hợp và thể hiện tính liên kết vùng để khai thác tối đa, tiềm năng lợi thế của mỗi tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển, trong thực hiện tích hợp quy hoạch trên các trục kết nối quan trọng.
Đối với Quy hoạch tỉnh Phú Yên, trong định hướng phát triển tỉnh xác định các động lực phát triển trên trục Bắc - Nam, Đông - Tây theo đó kết nối phát triển với các tỉnh khu vực Tây Nguyên (có Đắk Lắk).
Đối với Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk, một trong ba hành lang phát triển có hành lang nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế dịch vụ và du lịch dọc theo Quốc lộ 29, là hành lang xuyên Á nối khu vực ASEAN qua Đắk Lắk nối với Phú Yên ra biển Đông với cụm cảng biển Vũng Rô tại Khu kinh tế Nam Phú Yên Bắc Khánh Hòa đến Cửa khẩu Đắk Ruê, Đắk Lắk, là trục chính phát triển kinh tế -xã hội quan trọng phía Đông Bắc tỉnh.
Do đó, định hướng phát triển của hệ thống quy hoạch hiện tại đã thể hiện tích liên kết vùng trong phát triển, không có độc lập hay mâu thuẫn trong định hướng phát triển.
Tuy nhiên, để tỉnh Đắk Lắk mới có những “định hướng đột phá”, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, khai thác được các nguồn lực để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đưa tỉnh bước vào kỷ nguyên phát triển mới, song song với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ mời đơn vị tư vấn uy tín quốc tế nghiên cứu tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk mới với những khâu đột phá mới gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh mới đó là sự kết nối “rừng” với “biển”, cùng với văn hóa dân tộc vùng miền tạo thành một thể thống nhất, một chiến lược quan trọng để hướng đến phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hòa nhập không hòa tan.

Bộ máy lãnh đạo của tỉnh Đắk Lắk (mới).
Với thế mạnh là “trung tâm Tây Nguyên” của cả nước và có lợi thế là “cửa ngõ biển Đông”, với cảng biển nước sâu Bãi Gốc, vị trí gần đường hàng hải quốc tế, nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp động lực (luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng;…); cùng với các vịnh đẹp là điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Bên cạnh đó, vùng đất bazan màu mỡ trải dài và bờ biển dài gần 189 km2, cùng với hệ thống giao thông liên vùng đang được đầu tư đồng bộ gồm: các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường sắt Bắc - Nam và đường sắt cao tốc sắp triển khai, tuyến đường bộ ven biển; cảng hàng không Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa… sẽ tạo nên nền tảng để phát triển đa ngành, từ nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu, logistics đến du lịch, dịch vụ...
- Là người từng có thời gian gắn bó với lĩnh vực tài chính - ngân sách, ông nhìn nhận cơ chế phân bổ nguồn lực trong tỉnh hợp nhất cần đổi mới ra sao để bảo đảm công bằng giữa các vùng vốn có sự chênh lệch lớn?
Trong thời gian qua, Trung ương cũng đã áp dụng phương pháp phân bổ dựa theo tiêu chí (định mức). Trong thời gian tới cần xây dựng bộ tiêu chí phân bổ ngân sách cụ thể dựa trên các yếu tố như dân số, tỷ lệ hộ nghèo, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, khả năng thu ngân sách tại chỗ, và đặc điểm địa lý, đồng thời tăng cường hơn nữa vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đi đôi với việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành.

Đối với người dân, một thủ tục hành chính được giải quyết đúng hẹn, một câu trả lời rõ ràng từ cán bộ, là biểu hiện cụ thể nhất của niềm tin vào thể chế mới, bộ máy mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Tạ Anh Tuấn
Ngoài ra, để thu hẹp khoảng cách vùng miền, hỗ trợ các tỉnh thúc đẩy phát triển, đủ lực để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn vinh, thịnh vượng của dân tộc, Trung ương cần cân đối giữa việc ưu tiên đầu tư cho những vùng còn khó khăn để thu hẹp khoảng cách phát triển, đồng thời đảm bảo không triệt tiêu động lực phát triển của các vùng đã phát triển hơn.
Nghĩa là, không nên cào bằng, mà phải dựa trên nhu cầu thực tế và tiềm năng phát triển của từng địa phương.
Trung ương cũng cần thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn đi đôi với kiểm soát hiệu quả. Khi trao quyền phân bổ ngân sách cho các đơn vị cấp dưới, cần đi kèm với cơ chế giám sát chặt chẽ, tăng cường vai trò của HĐND và người dân địa phương trong giám sát sử dụng ngân sách.
Song song đó, cần khuyến khích xã hội hóa và huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Đối với các vùng có điều kiện, cần tạo cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp và người dân cùng tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ, từ đó giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước.
Nói chung, để bảo đảm sự phát triển, hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, cần một cách tiếp cận linh hoạt, có cơ sở khoa học, tính đến sự đa dạng nội tại giữa các vùng trong tỉnh và định hướng phát triển bền vững lâu dài.

Ông Tạ Anh Tuấn chỉ đạo giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam.
- Phú Yên có chiều sâu văn hóa miền Trung, Đắk Lắk giàu di sản Tây Nguyên. Làm thế nào để không hòa tan bản sắc này vào bản sắc kia, mà biến sự đa dạng thành thế mạnh mềm trong phát triển?
Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và là nền tảng tinh thần của một quốc gia nói chung và một tỉnh nói riêng. Nó không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững.
Hai tỉnh mang trong mình hai bản sắc riêng biệt nhưng không hòa tan nhau mà là sự hòa quyện, kết tinh giữa các bản sắc văn hóa làm đa dạng hóa bản sắc văn hóa dân tộc và làm phong phú thêm cho nền văn hóa của tỉnh mới, là nền tảng, lợi thế của mỗi địa phương để phát triển.
Trong đó, Phú Yên mang chiều sâu văn hóa miền Trung, mộc mạc, gắn với văn hóa biển; còn Đắk Lắk mang sắc màu Tây Nguyên huyền thoại, với không gian cồng chiêng, sử thi và lối sống cộng đồng độc đáo, vừa mạnh mẽ vừa phóng khoáng, nhưng cùng hội tụ những giá trị văn hóa lịch sử con người sâu sắc và tương đồng. Sự hợp nhất hai địa phương trong sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ mang lại động lực lan tỏa mạnh mẽ trong không gian phát triển mới, nơi mà lợi thế địa lý, con người, truyền thống, bản sắc văn hóa dạng đang hòa quyện thành sức mạnh bứt phá.
Sự kết hợp này tạo nên một bản sắc văn hóa phong phú, liên hoàn, có thể phát triển mạnh các sản phẩm văn hóa, du lịch, giáo dục bản địa có giá trị, xây dựng thương hiệu vùng di sản sống, trở thành điểm đến hấp dẫn cả về chiều sâu lịch sử lẫn trải nghiệm hiện đại.
Để biến sự đa dạng văn hóa thành "thế mạnh mềm", tỉnh Đắk Lắk mới xác định:
- Thể chế hóa sự bảo tồn và phát triển bản sắc, không để văn hóa chỉ tồn tại trong lễ hội, mà phải đi vào giáo dục, du lịch, truyền thông và sản phẩm văn hóa địa phương.
- Biến bản sắc thành bản lĩnh phát triển, đưa tinh thần Tây Nguyên quyết liệt vào khát vọng đổi mới, và tinh thần miền Trung chịu thương chịu khó vào chiều sâu bền vững của mỗi chính sách.
- Tạo không gian để văn hóa giao thoa và cộng sinh, thông qua các liên hoan văn hóa, các tuyến du lịch kết nối biển - rừng, các chương trình sáng tạo nghệ thuật khai thác cả chất liệu miền Trung lẫn Tây Nguyên. Sự kết hợp giữa Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và Sắc xuân trên biển Vũng Rô là một ý tưởng mà chúng tôi đang dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới.
Tôi luôn tin rằng, mỗi vùng đất đều có bản sắc độc đáo riêng. Sự hợp nhất sẽ không làm mất đi cái riêng, mà chính là cơ hội để tạo nên một “cái chung” lớn hơn - phong phú hơn, mạnh mẽ hơn, tăng thêm sự đoàn kết gắn bó giữa 2 vùng miền, đảm bảo sự phát triển đúng hướng, bền vững theo hướng hiện đại.
- Trong quá trình chuyển tiếp hành chính, người dân sẽ quan tâm điều gì nhất? Theo ông, chính quyền cần làm gì ngay lúc này để củng cố niềm tin, đặc biệt là ở cấp cơ sở?
Thực hiện chủ trương hợp nhất, sau sáp nhập tỉnh Đắk Lắk mới sở hữu vị trí địa lý đặc biệt, là cửa ngõ kết nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, hướng ra biển Đông. Với diện tích tự nhiên hơn 18.000km², dân số trên 3,3 triệu người, có đường biên giới dài trên 71km và bờ biển trải dài 189km, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, du lịch, giao thương và hợp tác quốc tế.
Trong quá trình hợp nhất, sáp nhập người dân sẽ đặc biệt quan tâm đến sự hoạt động ổn định và liên tục của bộ máy, nhất là các hoạt động của dịch vụ công.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, mọi sự thay đổi, dù là để tốt hơn, cũng đều mang theo những băn khoăn, lo lắng nhất định từ phía người dân. Do đó, thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, cả hệ thống chính trị luôn hướng tới việc tạo ra một bộ máy thông suốt, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm, gần dân, sát dân hơn, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Để củng cố niềm tin của người dân, đặc biệt là ở cấp cơ sở, chúng tôi xác định cần tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất là đổi mới phương thức quản lý trên cơ sở xây dựng, kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên…; bảo đảm tính liên tục, thông suốt và không đứt gãy trong phục vụ nhân dân, đây là ưu tiên hàng đầu. Chính quyền không được để xảy ra tình trạng người dân phải làm lại hồ sơ, chờ đợi thêm, hay “không biết hỏi ai”.
Đối với người dân, một thủ tục hành chính được giải quyết đúng hẹn, một câu trả lời rõ ràng từ cán bộ, là biểu hiện cụ thể nhất của niềm tin vào thể chế mới, bộ máy mới.
Thứ hai là minh bạch hóa thông tin, công khai đầy đủ các thay đổi, chính quyền cần công bố rộng rãi về đơn vị hành chính mới, cơ quan giải quyết thủ tục, người đứng đầu, các đầu mối hỗ trợ… qua tất cả các kênh thông tin, mạng xã hội và cổng dịch vụ công. Phải làm cho người dân thấy chúng ta đang thay đổi để phục vụ tốt hơn - không phải để gây thêm phiền hà.
Thứ ba là tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng; khai trương các dịch vụ công trực tuyến ở cấp xã; khánh thành các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh; triển khai các “Tổ công tác chuyển đổi số” tận nhà dân. Người dân chỉ cần một kết quả rõ ràng - họ sẽ tin tưởng và đồng hành.
Thứ tư, cán bộ cơ sở - nhất là công chức cấp xã/phường ngay từ bây giờ cần được bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng truyền đạt chính sách, biết lắng nghe và hướng dẫn tận tình. Một thái độ đúng mực từ người cán bộ là lời khẳng định “Chính quyền mới là người phục vụ nhân dân tốt hơn”.
Thứ năm, thường xuyên kiểm tra cơ sở, tiếp xúc cử tri, đối thoại với người dân để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải đáp thẳng thắn những điều người dân quan tâm.
Chúng tôi cam kết rằng mọi quyết sách, mọi hành động của chính quyền trong giai đoạn chuyển tiếp này đều sẽ được xây dựng và triển khai trên cơ sở pháp luật, khoa học, thực tiễn, với mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, củng cố niềm tin, và kiến tạo sự phát triển bền vững cho địa phương. Niềm tin của người dân chính là tài sản quý giá nhất, là động lực để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Xin cảm ơn ông!
Ông Tạ Anh Tuấn, sinh ngày 20/6/1969, quê quán Hà Nội, trình độ Thạc sĩ Tài chính – Tín dụng và Cao cấp lý luận chính trị, có hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực tài chính.
Ông từng giữ các chức vụ Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Tài chính), Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước.
Từ tháng 7/2020 đến tháng 11/2022, ông Tạ Anh Tuấn được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài chính. Tháng 11/2022, Ban Bí thư điều động, chỉ định ông Tạ Anh Tuấn giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2020-2025.