Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi làm việc với Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật
Sáng 17/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đã có cuộc làm việc với Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật Takebe Tsutomu.
Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi khẳng định, hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột của quan hệ song phương hai nước Việt Nam - Nhật Bản và ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu. Nhật Bản là đối tác số một về ODA và lao động; đối tác thứ ba về đầu tư và thứ tư về thương mại và du lịch. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 46,2 tỷ USD.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi làm việc với Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật
Đặc biệt, thành công của sự kiện Lễ hội Việt - Nhật lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 3/2025 là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng ghi nhận những đóng góp tâm huyết của ông Takebe Tsutomu trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương cũng như trong hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là rất có ý nghĩa.

Quang cảnh cuộc làm việc
Đồng tình với nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính về mối quan hệ giữa hai nước nói chung và những kết quả về hợp tác thương mại nói riêng, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật Takebe Tsutomu cho biết, ông đã tham gia Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật từ năm 2013 và hiện vẫn đang hoạt động tích cực trong vai trò nghị sĩ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc làm việc.
Liên quan đến dự án Trường Đại học Việt - Nhật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa biểu tượng trong hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Nhật Bản, được lãnh đạo hai nước rất quan tâm. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã nhất trí chủ trương về thông báo vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đối với một số chương trình, dự án quan trọng, có tính cấp bách, trong đó có dự án Đại học Việt - Nhật. Cơ chế tài chính đặc thù của Trường Đại học Việt Nhật được quy định tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 25/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật Takebe Tsutomu phát biểu tại cuộc làm việc.
“Trường Đại học Việt - Nhật đào tạo các lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm, như bán dẫn, chuyển đổi số, từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu. Đây được xem là một phần trong chiến lược dài hạn để nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ công nghệ của đất nước. Ủy ban Kinh tế và Tài chính sẽ quan tâm, thúc đẩy triển khai hiệu quả dự án này”, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trao quà lưu niệm tặng Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật Takebe Tsutomu
Ông Takebe Tsutomu nhấn mạnh, chính nhờ vào nỗ lực của hai bên, dự án Trường Đại học Việt Nhật đã được triển khai, thủ tục vay vốn ODA cũng tiến triển nhanh chóng sau chuyến thăm của cựu Thủ tướng Nhật Bản Ishiba. Dự kiến, năm 2025, Trường sẽ có khoảng 2.000 sinh viên và mở thêm ngành Kỹ thuật bán dẫn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trao quà lưu niệm tặng Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật Takebe Tsutomu
“Mục tiêu của Trường Đại học Việt - Nhật là trở thành đại học định hướng nghiên cứu, hướng tới mô hình “Harvard của châu Á”, tập trung đào tạo thực hành và phát triển nguồn nhân lực toàn cầu. Từ tháng 10 tới, Trường sẽ tiếp nhận thực tập sinh từ Nhật Bản đã hoàn thành chương trình và có trình độ tiếng Nhật N4 trở lên. Tại đây, các thực tập sinh sẽ được đào tạo nâng cao kỹ năng và có thể được giới thiệu trở lại làm việc tại Nhật Bản như lao động trình độ cao”, ông Takebe Tsutomu thông tin.

Các đại biểu dự cuộc làm việc

Các đại biểu dự cuộc làm việc
Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi tin tưởng, hai nước tiếp tục đẩy mạnh quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện phát triển hiệu quả, thực chất hơn nữa. Đồng thời, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và Quốc hội, trong đó đẩy mạnh giao lưu giữa Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt và Việt - Nhật; giao lưu, hợp tác giữa nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ... Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước.