Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Hàng nghìn héc ta lúa mùa của thành phố Hà Nội sẽ bị ngập sâu, nguy cơ mất trắng, giảm năng suất, nếu xảy ra tình huống mưa lớn trên diện rộng trong nhiều ngày.

Để chủ động tiêu úng, bảo vệ những diện tích này, các đơn vị, địa phương đang tích cực triển khai giải pháp theo phương châm: “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hiệu quả”.

Công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ bảo dưỡng động cơ tại Trạm bơm tiêu Hạ Dục (huyện Chương Mỹ).

Công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ bảo dưỡng động cơ tại Trạm bơm tiêu Hạ Dục (huyện Chương Mỹ).

Nguy cơ úng ngập lớn tại các vùng trũng

Dù nắng nóng như đổ lửa, nhưng những ngày này, hàng chục nghìn nông dân thành phố Hà Nội vẫn xuống đồng, khẩn trương gieo cấy lúa mùa, bảo đảm trong khung thời vụ tốt nhất. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới, bà Nguyễn Thị Lan, 69 tuổi, nông dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Cả đời gắn bó với đồng ruộng, chúng tôi đã quen với cái nắng bỏng rát của tháng Năm, tháng Sáu. Song, không thể “quen” được cảnh cứ mưa lớn là ngập lụt, vụ mùa thất bát...”.

Cùng chung tâm trạng, nông dân các xã: Tân Tiến, Hữu Văn, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ); Hợp Tiến, Đốc Tín, An Phú, Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức); Vật Lại, Tiên Phong, Cam Thượng, Cổ Đô (huyện Ba Vì)..., dù tích cực xuống đồng gieo cấy, nhưng nặng trĩu nỗi lo ngập úng, thiệt hại ngay từ khi đặt khóm mạ xuống ruộng. “Gia đình tôi có năm phải cấy đi cấy lại tới 3 lần, nhưng cũng không gặt được bông lúa nào. Chúng tôi mong các cấp, ngành có giải pháp để giảm thiệt hại trong sản xuất vụ mùa...”, bà Nguyễn Thị Miến, nông dân xã An Phú (huyện Mỹ Đức) bày tỏ.

Những xã nêu trên có địa hình thấp trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi ở những nơi này đang bị xuống cấp, chưa bảo đảm năng lực tiêu khi xảy ra những trận mưa lớn hơn 250mm trong 3 ngày...

Thống kê từ năm 2010 đến 2023 cho thấy, năm nào, các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì... cũng có diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại vì mưa, lũ. Còn năm nay, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố nhận định, nếu tháng 7 này, Hà Nội xảy ra mưa lớn (lượng mưa từ 200 đến 300mm hoặc lớn hơn trong 3 ngày), thì hàng chục nghìn héc ta sản xuất nông nghiệp có thể bị ngập úng.

Xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó

Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, nông dân thành phố Hà Nội phấn đấu gieo cấy khoảng 70.668ha lúa và dự kiến đến ngày 5-7 sẽ hoàn thành việc gieo cấy. Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương dự báo, từ tháng 7 đến tháng 9 tới, Hà Nội có khả năng bị ảnh hưởng 3-5 đợt mưa lớn trên diện rộng; trong đó, tổng lượng mưa tháng 7 khoảng 250-390mm, tháng 8 là 250-370mm và tháng 9 là 150-290mm. Tổng lượng mưa tại khu vực ngoại thành sẽ lớn hơn khu vực nội thành.

Còn Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đào Quang Khải nhận định, nếu xảy ra tổ hợp mưa lớn diện rộng trong nhiều ngày cộng với lũ sông tràn vào, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội sẽ rất lớn. Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, giảm ngập lụt dân sinh khu vực ngoại thành, ngay từ đầu năm 2024, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình tiêu úng, xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả úng ngập... Đến nay, các tổ chức thủy lợi đã hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống tưới tiêu; chủ động khắc phục, sửa chữa các sự cố, hư hỏng.

Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ Đỗ Việt Dũng cho biết, vụ mùa năm nay, xí nghiệp đảm nhiệm tưới tiêu cho gần 9.304ha của huyện Chương Mỹ. Để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm ngập lụt trong các khu dân cư, xí nghiệp dự báo 5 tình huống mưa lớn và xây dựng phương án ứng phó chi tiết. Khi có dự báo mưa lớn, xí nghiệp chỉ đạo các cụm thủy nông không lưu nước trên mặt ruộng và tuyệt đối không trữ nước trong các trục kênh tiêu.

Còn Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân thông tin, đơn vị đã hoàn thành công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị cơ điện các trạm bơm tiêu, cống tiêu; nạo vét bể hút, kênh dẫn các trạm bơm, khơi thông các trục tiêu, củng cố các bờ bao; bảo vệ các công trình trọng điểm xung yếu; bảo đảm an toàn các hồ chứa; vận hành thử các trạm bơm tiêu úng…

Về trách nhiệm của địa phương, các huyện, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tập trung xử lý dứt điểm vụ việc vi phạm pháp luật thủy lợi, nhất là những vi phạm ảnh hưởng trực tiếp tới dòng chảy; nạo vét lòng kênh bồi lắng, củng cố bờ kênh... Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho hay, huyện đã yêu cầu các đơn vị, địa phương dự phòng các loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, đề phòng khi mưa lớn gây ngập úng, làm chết lúa đầu vụ và phân công cán bộ hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc lúa sau mưa úng...

Thực hiện nghiêm túc những phương án, kế hoạch đã xây dựng, ngành Nông nghiệp Hà Nội hướng tới mục tiêu giảm thiểu mức độ thiệt hại do úng ngập gây ra trong vụ mùa này.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chu-dong-tieu-ung-bao-ve-san-xuat-nong-nghiep-671011.html
Zalo