Chủ động phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng

Thời tiết diễn biến thất thường những ngày qua tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, gây hại cây trồng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai) hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng.

Khu vực cao nguyên phía Tây tỉnh đang vào cao điểm mùa mưa, kéo theo số ngày nắng giảm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp và sức đề kháng của cây trồng.

Sâu bệnh tấn công nhiều loại cây trồng

Cà phê là cây trồng chịu ảnh hưởng bất lợi nhất với khung thời tiết này. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 106.400 ha cây cà phê đang trong giai đoạn nuôi quả non. Tuy nhiên, hiện có khoảng 1.163 ha bị rệp sáp tấn công, tỷ lệ hại khoảng 12,5 - 25%, cục bộ lên đến 50%. Ngoài ra, cà phê còn bị rỉ sắt (1.634 ha), khô cành (621 ha). Các vùng bị ảnh hưởng nặng gồm: Kbang, Ia Grai, Chư Sê, Đức Cơ, Ia Hrung…

Ông Bùi Trung Hùng (thôn Tân An, xã Ia Hrung) chia sẻ: “Vườn cà phê 3 ha của tôi đang ra quả non nhưng do mưa kéo dài, cây xuất hiện nhiều bệnh như rệp trắng, khô cành, rỉ sắt… Tôi đã cắt tỉa cành sâu bệnh, dùng chế phẩm sinh học và bón phân cân đối để giữ năng suất ổn định”.

 Ông Bùi Trung Hùng (thôn Tân An, xã Ia Hrung) cắt tỉa cành cà phê bị nhiễm bệnh. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Bùi Trung Hùng (thôn Tân An, xã Ia Hrung) cắt tỉa cành cà phê bị nhiễm bệnh. Ảnh: Nguyễn Diệp

Một số xã trồng nhiều hồ tiêu như: Mang Yang, Đức Cơ, Chư Pưh cũng xảy ra bệnh vàng lá chết chậm gây hại với tỷ lệ 5 - 10%. Ước tính có khoảng 391 ha hồ tiêu nhiễm bệnh, trong đó nhiễm nhẹ 125 ha, trung bình 166 ha và nặng 100 ha. Trong khi đó, trên cây chanh dây cũng xuất hiện bệnh vi rút gây hại với tỷ lệ 5 - 17%, với khoảng 8 ha bị nhiễm, chủ yếu ở xã Đức Cơ. Ngoài ra, còn có bệnh đốm nâu, sương mai, bọ trĩ gây hại cục bộ…

Tại khu vực đồng bằng phía Đông tỉnh, thời tiết lại nắng nóng kéo dài khiến các trà lúa vụ Thu và vụ Mùa dễ bị sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn. Toàn tỉnh có hơn 36.200 ha lúa vụ Thu và 41.900 ha lúa vụ Mùa. Riêng bệnh khô vằn đã xuất hiện trên 20 ha lúa vụ Thu giai đoạn đòng trổ - ngậm sữa, tỷ lệ hại 10 - 20%. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh nghẹt rễ, bọ trĩ, bệnh đốm nâu... phát sinh gây hại cục bộ lúa Mùa giai đoạn 3 lá; bệnh lem lép hạt gây hại cục bộ lúa Thu giai đoạn trỗ - chắc xanh ở phường Bồng Sơn, Hoài Nhơn Tây, Hoài Nhơn Nam.

Ngoài ra, đậu phụng bị bệnh đốm lá (9 ha), mì bị nhện đỏ, rau bị sâu tơ, bọ nhảy... cũng được ghi nhận tại nhiều xã như: Hoài Nhơn Tây, Cát Tiến, Đề Gi…

Chủ động giám sát, phòng trừ sâu bệnh

Ông Trần Văn Đăng-Cán bộ phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khu vực 8-cho hay: Địa bàn do trạm quản lý gồm các xã thuộc vùng cao nguyên phía Tây của tỉnh hiện có diện tích lớn trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng. Riêng cây cà phê có 32.100 ha, trong đó khoảng 26.100 ha đang ở giai đoạn kinh doanh, cho thu hoạch. Hiện tại, cây cà phê đang ghi nhận một số loại sâu bệnh như rệp vảy xanh, rỉ sắt, khô cành và rụng quả non. Tuy nhiên, mức độ gây hại vẫn ở mức nhẹ đến trung bình.

“Trạm thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật theo dõi đồng ruộng, hướng dẫn người dân cách phòng trừ phù hợp với từng giai đoạn. Khuyến khích dùng chế phẩm sinh học, bón phân cân đối, thay vì lạm dụng thuốc hóa học”- ông Đăng nhấn mạnh.

Theo ông Kiều Văn Cang-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đơn vị đã chỉ đạo các trạm phối hợp với UBND xã, phường kiểm tra, dự báo sâu bệnh, hướng dẫn biện pháp phòng trừ phù hợp.

“Người dân nên áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc và tuân thủ thời gian cách ly”-ông Cang khuyến cáo.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo: Trong thời gian tới, tình hình sâu bệnh sẽ tiếp tục phát sinh mạnh. Trên lúa có nguy cơ xuất hiện sâu đục thân bướm 2 chấm, bệnh khô vằn, nghẹt rễ, lem lép hạt, tuyến trùng… Trên cây cà phê, rệp sáp, rỉ sắt và bệnh rụng quả non tiếp tục gây hại. Ngoài ra, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày cũng bị các bệnh như phấn trắng, thán thư, lở cổ rễ...

Để bảo vệ mùa màng, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con tăng cường thăm đồng, thăm vườn, theo dõi diễn biến thời tiết, áp dụng biện pháp sinh học, kết hợp với hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ chuyên môn để xử lý kịp thời, hiệu quả. Chẳng hạn, trên cây cà phê, người dân cần cắt cành tạo tán tạo độ thông thoáng, thu gom những cành bị sâu bệnh ra khỏi vườn để tiêu hủy, nhằm giảm nguồn tích lũy gây hại. Thường xuyên kiểm tra vườn cây, theo dõi sự phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh, hại để quản lý, phòng trừ kịp thời.

NGUYỄN DIỆP

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-dong-phong-tru-sau-benh-cho-cay-trong-post560605.html
Zalo