Chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại mưa lũ
Bước vào cao điểm mùa mưa năm 2025, tỉnh Điện Biên liên tục ghi nhận nhiều trận mưa lớn, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại nhiều địa phương. Trước diễn biến thời tiết phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đã kích hoạt phương án ứng phó, phối hợp chặt chẽ với người dân triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong những ngày đầu tháng 7, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 40 - 100mm, có nơi trên 100mm. Mưa lớn đã gây sạt lở đất ảnh hưởng đến nhà ở của 30 hộ dân; 46ha lúa bị vùi lấp, ngập úng; nhiều tuyến đường liên thôn, bản bị đất đá sạt lở gây ách tắc giao thông và một số công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương bị vùi lấp. Ước tổng thiệt hại khoảng hơn 4 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, xã Mường Phăng ghi nhận hơn 3.000m² lúa đông xuân chuẩn bị thu hoạch bị vùi lấp; đất đá sạt lở làm hư hại nhà ở của 1 hộ dân và nhiều tuyến đường liên thôn, bản.

Khu vực bếp của gia đình chị Vì Thị Ngoan, bản Trung tâm, xã Mường Phăng bị hư hỏng do sạt lở đất.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã đã phối hợp với các thôn, bản huy động lực lượng tại chỗ, đội xung kích hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Trần Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: UBND xã đã nhanh chóng tổ chức di dời người và tài sản khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở; đồng thời căng dây, đặt biển cảnh báo tại các điểm đường bị sạt, sẵn sàng khắc phục khi thời tiết thuận lợi để đảm bảo giao thông. Với hơn 3.000m² lúa bị vùi lấp, xã đã tiến hành rà soát, lập danh sách hỗ trợ. Diện tích lúa còn lại chính quyền khuyến cáo bà con thu hoạch sớm theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ.
Trận mưa lớn ngày 2/7 đã khiến đất đá từ đồi phía sau bất ngờ đổ ập xuống, làm sập hoàn toàn khu vực bếp của gia đình chị Vì Thị Ngoan, bản Trung tâm, xã Mường Phăng. Rất may, không có thiệt hại về người.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng "tại chỗ" của bản đã nhanh chóng có mặt, hỗ trợ gia đình di chuyển tài sản, dọn dẹp bùn đất và dựng bếp tạm để ổn định sinh hoạt.
Chị Vì Thị Ngoan cho biết: “Dân quân, thanh niên và bà con trong bản đã đến giúp đỡ kịp thời, từ vận chuyển đồ đạc đến san gạt đất đá. Đến nay cuộc sống gia đình tôi đã tạm ổn định. Khi thời tiết thuận lợi, tôi sẽ xây lại căn bếp”.

UBND xã Thanh Nưa chăng dây cảnh báo nguy hiểm tại cầu nối bản Giảng Co Ké và Nà Lốm bị nước lũ cuốn trôi.
Tại xã Thanh Nưa, các trận mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại bản Na Hý; cuốn trôi một phần cây cầu nối bản Giảng Co Ké và bản Nà Lốm; tuyến đường giao thông liền kề cũng bị hư hỏng nặng, khiến 220 hộ dân tại các bản trên bị cô lập.
Ông Chu Văn Bách, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các bản khẩn trương di dời các hộ dân ven suối đến nơi an toàn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tại các bản: Na Hý, Giảng Co Ké và Nà Lốm nâng cao cảnh giác, theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động biện pháp bảo vệ người và tài sản. Các bản đã huy động người dân khơi thông kênh mương, tiêu úng cho diện tích lúa, hoa màu, hạn chế thiệt hại. Lực lượng “4 tại chỗ” cũng khắc phục các điểm sạt lở, từng bước đảm bảo giao thông và ổn định đời sống nhân dân.

Lãnh đạo xã Thanh Nưa kiểm tra tình hình mưa lũ tại các bản: Na Hý, Giảng Co Ké và Nà Lốm.
Dù mới đi vào vận hành mô hình chính quyền 2 cấp với khối lượng công việc lớn và nhiều khó khăn, UBND xã Quảng Lâm vẫn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai. Từ đầu tháng 7 đến nay, xã đã hai lần huy động lực lượng xuống bản Huổi Lắp vận động người dân di dời khỏi khu vực cung trượt nguy hiểm.

29 hộ dân bản Huổi Lắp nằm dưới cung trượt, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Ông Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm cho biết: Khu vực cung trượt xuất hiện từ mùa mưa năm 2024, hiện đang đe dọa trực tiếp đến 29 hộ dân với 151 nhân khẩu. Trước đó, UBND huyện Mường Nhé (cũ) đã hỗ trợ kinh phí để người dân di chuyển đến nơi ở tạm. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt tại nơi ở tạm gặp nhiều khó khăn, thiếu điện, thiếu nước nên sau mùa mưa, người dân lại quay về nơi ở cũ. Từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi khi có mưa lớn kéo dài, UBND xã đều cử đoàn công tác xuống bản vận động bà con di dời, tránh nguy cơ sạt lở đất.
Hiện tại, bản Huổi Lắp vẫn còn gần 10 hộ chưa di dời. Chính quyền xã Quảng Lâm đang phối hợp với ban quản lý bản tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sớm rời khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là trong cao điểm mùa mưa.

Dù đang cao điểm mùa mưa song một số hộ dân bản Huổi Lắp vẫn chưa di chuyển đến nơi an toàn.
Ông Lý A Páo, Trưởng bản Huổi Lắp cho biết: “Do tâm lý chủ quan và chưa có nơi ở nhờ nên vẫn còn số ít hộ gia đình chưa chịu di dời. Chúng tôi đang tiếp tục vận động bà con rời khỏi vùng nguy hiểm để phòng ngừa rủi ro thiên tai xảy ra bất ngờ. Đồng thời, mong muốn UBND xã sớm có chính sách hỗ trợ lâu dài để người dân được di chuyển đến nơi ở mới ổn định sinh sống và sản xuất".
Chủ động phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời là giải pháp then chốt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong thời điểm cao điểm mùa mưa lũ, các cấp chính quyền và người dân cần tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phương án phòng ngừa, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó hiệu quả với mọi tình huống, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.