Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Điều kiện thời tiết bất thường, mưa nắng xen kẽ là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sôi, phát triển, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Trong khi đó, vẫn còn không ít người dân chủ quan với dịch bệnh, chưa chủ động phòng, chống dịch.

Nhân viên Trung tâm Y tế khu vực Thống Nhất phun hóa chất diệt muỗi. Ảnh: C.T.V

Nhân viên Trung tâm Y tế khu vực Thống Nhất phun hóa chất diệt muỗi. Ảnh: C.T.V

Vì vậy, các trung tâm y tế khu vực đang tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH, khoanh vùng ổ dịch kịp thời. Cùng với đó là tăng cường công tác truyền thông để người dân phối hợp chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Còn khó khăn trong công tác phòng, chống dịch

Là địa phương có ca bệnh SXH tử vong, tại xã Đồng Phú, Trung tâm Y tế khu vực Đồng Phú đang đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH. Bác sĩ Hoàng Văn Trung, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế khu vực Đồng Phú, cho biết sau khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, trung tâm phụ trách công tác y tế tại địa bàn 2 xã: Đồng Phú và Tân Lợi. Tuy nhiên, đội ngũ y tế tại 6 trạm y tế cũ (thuộc 6 xã cũ, nay là 2 xã: Đồng Phú, Tân Lợi) vẫn “giữ nguyên đội hình” và bám địa bàn. Để công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh SXH được thông suốt, trực tiếp, khi có các văn bản liên quan, trung tâm đều gửi về 6 điểm trạm y tế này.

Khi phát hiện có ca bệnh và ổ dịch SXH, trung tâm lập tức triển khai xử lý ổ dịch bằng cách diệt lăng quăng, phun hóa chất tại ổ dịch. Hoạt động này được sự hỗ trợ của lực lượng dân quân và trạm y tế xã, lực lượng y tế thôn bản. Mỗi đợt thực hiện xử lý ổ dịch có từ 7-10 người cùng tham gia.

Khó khăn mà Trung tâm Y tế khu vực Đồng Phú gặp phải là một số cơ sở điều trị không nhập ca bệnh lên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm, hoặc nhập lên phần mềm khi người bệnh đã khỏi và xuất viện. Điều này gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý ổ dịch, gây nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng.

Mặt khác, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Y tế khu vực Đồng Phú vẫn chưa được Sở Y tế phê duyệt dự toán (do có những nguyên nhân khách quan). Nguồn kinh phí hạn chế, trung tâm chưa thể mua sắm vật tư hóa chất đầy đủ để triển khai phun hóa chất tự động trên diện rộng.

Bác sĩ Hoàng Văn Trung cho biết thêm: “Ý thức phòng bệnh trong cộng đồng chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, không hợp tác trong chiến dịch diệt lăng quăng, không mở cửa cho đoàn công tác phun hóa chất, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế”.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Ánh, quản lý điều hành Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế khu vực Bù Gia Mập, tính từ đầu năm 2025 đến ngày 15-7, khu vực Bù Gia Mập ghi nhận 117 ca bệnh SXH, 38 ổ dịch nhỏ; giảm 44,4% so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù đã chủ động triển khai, song công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại khu vực này vẫn còn một số khó khăn. Trong đó, việc phối kết hợp liên ngành về công tác phòng, chống dịch chưa chặt chẽ. Hoạt động xử lý ổ dịch tại các địa phương do ngành y tế thực hiện là chính, chưa đẩy mạnh truyền thông đến các khu vực vùng sâu, vùng xa để người dân thuận tiện tiếp cận, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông tin từ Trung tâm Y tế khu vực Trảng Bom, từ đầu năm 2025 đến ngày 11-7, khu vực này có 563 ca bệnh SXH, tăng 81,5% so với cùng kỳ năm 2024. Ngày 17-7, đoàn công tác của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã giám sát công tác phòng, chống bệnh SXH, các dịch bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng vaccine mở rộng tại xã Trảng Bom (địa bàn do Trung tâm Y tế khu vực Trảng Bom phụ trách).

Qua giám sát thực địa, đoàn ghi nhận lăng quăng và muỗi cái còn tồn tại nhiều ở các vật dụng chứa nước như: chậu cây cảnh, ly nhựa dùng một lần, vỏ thùng đựng nước sinh hoạt, đặc biệt tại các khu nhà trọ. Dù đã được chính quyền địa phương, ngành y tế tuyên truyền, nhưng nhiều người dân vẫn còn chủ quan, thiếu hợp tác với lực lượng y tế.

Tính đến ngày 17-7, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 7,5 ngàn ca mắc SXH, trong đó có hơn 3,5 ngàn ca trẻ em (chiếm gần 47%). Trong đó, đã có một trường hợp tử vong (tại xã Đồng Phú). Riêng trong tuần 29 (từ ngày 11 đến 17-7), toàn tỉnh ghi nhận 668 ca, tăng 15,37% so với tuần trước (579 ca). Trong đó, số ca mắc tăng cao và vượt đường cong chuẩn tại 4 khu vực: Tân Phú, Định Quán, Long Thành, Thống Nhất

Tăng cường tuyên truyền, phòng, chống dịch

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC, thuộc Sở Y tế) Đồng Nai, tình hình dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp. Thời tiết thay đổi thất thường so với mọi năm, hiện nay đang là mùa mưa, người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng, chống SXH. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH tại các địa phương là rất lớn.

Trước thực trạng trên, CDC Đồng Nai đề nghị trung tâm y tế các khu vực cần theo dõi sát hàng tuần tình hình tại địa phương, rà soát các xã, phường đang có dịch để xây dựng kế hoạch dập dịch; giám sát xử lý ổ dịch, mở rộng phạm vi xử lý ổ dịch đảm bảo không để ổ dịch lây lan và kéo dài; tăng cường truyền thông cho người dân nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, hạn chế ca tử vong.

Tại Hội nghị Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tổ chức tại phường Đồng Xoài ngày 18-7, Phó giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng đề nghị các trung tâm y tế khu vực cần tăng cường giám sát dịch tễ, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và nâng cao hiệu quả truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng. Bên cạnh đó, phải chủ động hơn nữa trong mọi hoạt động phòng, chống dịch, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể đảm bảo công tác chống dịch sát với thực tiễn và hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo trên, nhiều địa phương trong tỉnh đã ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Mới đây nhất, ngày 21-7, Trạm Y tế phường Đồng Xoài phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường trên địa bàn khu phố 5. Theo đó, người dân đã thu gom phế liệu, phát quang bụi rậm, lật úp các lu, vại chứa nước quanh khu dân cư. Đồng thời, huởng ứng thông điệp “Mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy” tại các hộ gia đình và khu vực cộng đồng.

Nhân viên Trạm y tế phường Đồng Xoài phối hợp với người dân treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức xe loa tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh SXH.

Tại các khu vực được cho là “điểm nóng” có nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH, công tác phun hóa chất diệt muỗi diện rộng cũng được triển khai. Theo kế hoạch, ngày 26-7, xã Trảng Bom sẽ phun hóa chất diện rộng phòng, chống SXH, đây là đợt phun thứ 2 tại địa bàn này.

Các địa phương khác cũng sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông như: loa truyền thanh xã, các nhóm Zalo của xã, ấp… để người dân nâng cao ý thức phòng dịch, không để dịch bệnh SXH bùng phát.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202507/chu-dong-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet-ae029fd/
Zalo