Chủ động phòng chống dịch bệnh
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở nước ta vẫn đang trong tầm kiểm soát. Nhưng với điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển như hiện nay, nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh tại các địa phương thời gian tới rất lớn.

Cán bộ y tế phun hóa chất phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại các hộ gia đình ở Hà Nội.
Để chủ động kiểm soát dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành.
Theo (WHO), ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 390 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết tại hơn 100 quốc gia. Khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Phi là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 2,5 tỷ người đang sống trong vùng lưu hành bệnh. Đây là gánh nặng lớn đối với sức khỏe cộng đồng và ngành y tế.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các địa phương. Trung bình mỗi năm, cả nước ghi nhận khoảng 100 nghìn trường hợp mắc và khoảng 100 người chết. Bệnh diễn ra quanh năm, nhưng thường tăng mạnh từ tháng 6 đến tháng 11. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết thường tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía nam, song những năm gần đây, khu vực miền bắc, khu vực miền trung và Tây Nguyên bắt đầu ghi nhận số mắc tăng dần.
Số liệu thống kê của Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho thấy: Tính từ đầu năm đến ngày 8/7, cả nước đã ghi nhận 32.189 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có năm trường hợp chết. So cùng kỳ năm 2024, số mắc giảm 11,2% và số người chết giảm một trường hợp.
Tuy nhiên, hiện nước ta đang bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết, do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh phát triển, một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngành y tế dự báo, thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận số ca mắc gia tăng tại các địa phương nếu không kịp thời triển khai các biện pháp một cách quyết liệt và đồng bộ.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Phòng bệnh (Bộ Y tế) Võ Hải Sơn cho biết: Hiện dịch bệnh sốt xuất huyết ở nước ta vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển như hiện nay, nguy cơ gia tăng số ca mắc trong thời gian tới là rất lớn. Đáng chú ý, là chu kỳ xảy ra các đợt bùng phát dịch đang có xu hướng rút ngắn từ khoảng 5 năm (trước đây) xuống còn khoảng từ 3 đến 4 năm. Gần nhất là đợt dịch năm 2022 với số ca mắc lên tới hơn 370 nghìn.
Vì vậy, nếu các địa phương không triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, thì nguy cơ trong năm 2025 hoàn toàn có thể xảy ra. Các địa phương có số ca mắc cao cần chủ động kiểm soát ổ dịch sớm, không để dịch lan rộng và kéo dài.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết kịp thời, hiệu quả, với phương châm “phòng dịch từ sớm, từ xa”, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch cao điểm trong tháng 7 triển khai công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn; giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, nhất là tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.
Đối với vắc-xin phòng sốt xuất huyết đã được triển khai tiêm dịch vụ tại một số cơ sở y tế ở các địa phương thời gian qua, Phó Cục trưởng Võ Hải Sơn nhấn mạnh: Vắc-xin là một trong những biện pháp mới, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Việc đưa vắc-xin vào tiêm chủng là tín hiệu tích cực, góp phần giảm số mắc và chết, hỗ trợ thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vắc-xin không thể thay thế các biện pháp phòng bệnh truyền thống. Do vậy, để đạt hiệu quả phòng chống dịch bền vững, chúng ta vẫn cần duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ, kiểm soát véc-tơ truyền bệnh, xử lý ổ dịch sớm và triệt để, tuyên truyền nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia chủ động từ mỗi người dân.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: Công tác giám sát phát hiện các ca bệnh nghi sốt xuất huyết, giám sát côn trùng truyền bệnh để đánh giá, dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết là yếu tố rất quan trọng. Bởi vì, trên cơ sở đó các đơn vị y tế mới triển khai kịp thời các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát trên địa bàn mình phụ trách.
Các đơn vị y tế cần kiên định với nguyên tắc: Phòng dịch hơn chống dịch-Phát hiện sớm, xử lý kịp thời-Hành động tại hộ gia đình-Duy trì liên tục và đồng bộ, để kiểm soát tốt dịch bệnh sốt xuất huyết từ nay đến cuối năm 2025 và các năm tiếp theo.