Chủ động phòng bệnh thương hàn trong và sau bão

Trong và sau bão, mưa lũ, ngập lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Hơn nữa, mưa lũ và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người, trong đó có vi khuẩn Salmonella typhi gây bệnh thương hàn.

Theo Bộ Y tế, thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy, ho khan. Thời gian ủ bệnh dao động từ 8 - 14 ngày, tùy theo số lượng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mắc bệnh nhưng không có biểu hiện rõ ràng, dẫn đến chủ quan trong theo dõi và điều trị.

Nguồn lây bệnh không chỉ đến từ người đang mắc thương hàn mà còn có thể là người khỏi bệnh – nhưng vẫn còn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong vòng vài tuần, thậm chí đến ba tháng sau khi hết triệu chứng. Ngoài ra, những người lành mang khuẩn, không biểu hiện lâm sàng, cũng có thể góp phần duy trì sự lưu hành âm thầm của bệnh trong cộng đồng.

Bệnh thương hàn lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Ăn phải thực phẩm hoặc uống nước chưa được nấu chín, bị nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính gây nên các ổ dịch lớn. Ngoài ra, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang khuẩn hoặc dùng chung đồ dùng không đảm bảo vệ sinh cũng có thể dẫn đến lây nhiễm, dù quy mô thường nhỏ và tản phát.

Bộ Y tế cho biết, trong và sau các đợt mưa lũ, nguy cơ bùng phát bệnh thương hàn càng trở nên đáng lo ngại. Nước ngập cuốn theo bùn đất, rác thải, phân người và động vật, làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và thực phẩm. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn thương hàn phát tán rộng trong cộng đồng. Đặc biệt, tại các khu dân cư đông đúc, vùng có hệ thống thoát nước kém, điều kiện vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, khả năng hình thành ổ dịch là rất cao.

Để phòng bệnh hiệu quả, người dân cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi; không dùng nước lã trong ăn uống hoặc chế biến thực phẩm. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bảo quản thực phẩm đúng cách, không để ruồi nhặng tiếp xúc. Khi có dấu hiệu sốt cao kéo dài kèm theo rối loạn tiêu hóa, cần đến cơ sở y tế để được khám và làm xét nghiệm, tránh tự ý điều trị tại nhà.

Bên cạnh ý thức cá nhân, việc bảo đảm an toàn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải hợp lý cũng là yếu tố quan trọng giúp khống chế nguồn lây. Mỗi người dân cần đồng hành với cơ quan y tế trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong mùa mưa lũ – thời điểm nhiều bệnh truyền nhiễm có nguy cơ tái bùng phát.

Dương Toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-dong-phong-benh-thuong-han-trong-va-sau-bao-10310991.html
Zalo