Chủ động khắc phục hậu quả sau bão số 3

Khi bão Wipha (bão số 3) đổ bộ vào khu vực ven biển, hai tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa đã khẩn trương triển khai các phương án ứng phó theo phương châm '4 tại chỗ'. Các lực lượng được huy động chống bão luôn bám trụ tuyến đầu với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, không quản ngại gian khó, ứng phó linh hoạt trước thiên tai.

Một góc mái che tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình sập đổ hoàn toàn. (Ảnh: MAI TÚ)

Một góc mái che tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình sập đổ hoàn toàn. (Ảnh: MAI TÚ)

Dự báo sau bão, nhiều khu vực sẽ có mưa to đến rất to. Tuy nhiên, các địa phương đã chủ động xây dựng phương án nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Hỗ trợ di dời, bảo đảm an toàn

Tại Ninh Bình, tính đến 13 giờ ngày 22/7, toàn tỉnh đã tổ chức di dời 3.510 người đến các điểm tránh trú bão an toàn. Lực lượng chức năng cũng đã kêu gọi toàn bộ 1.861 tàu/5.724 lao động trong tỉnh và 145 phương tiện ngoại tỉnh/1.023 thuyền viên vào nơi neo đậu an toàn tại cửa biển Ninh Cơ.

Tại khu dân cư thôn Ngọc Nước, xã Kim Tân, tỉnh Thanh Hóa, do gia tăng sạt lở, chính quyền cơ sở đã hỗ trợ di dời 12 hộ, 64 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ở khu vực vùng cao biên giới, Bộ đội Biên phòng Đồn Pù Nhi phối hợp cấp ủy, chính quyền, Công an xã Mường Lý, Ban quản lý bản Ún tuyên truyền, vận động 57 hộ, 317 nhân khẩu trong bản di chuyển đến các trường học, cung ứng nhu yếu phẩm cho nhân dân tránh mưa bão.

Tại xã Trung Thành, chính quyền cùng lực lượng chức năng đã tổ chức di dời 200 hộ, gần 900 nhân khẩu sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất thuộc 13 bản đến nơi an toàn.

Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý Hà Văn Ca cho biết: Bộ đội biên phòng cùng hệ thống chính trị cơ sở đã hỗ trợ di dời 19 hộ dân ở bản Tung đang sinh sống tại khu vực nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến nơi an toàn. Tuy nhiên, hiện có 15 hộ với 70 nhân khẩu thuộc thôn Thành Lợi, xã Tân Thành tạm thời bị chia cắt do nước dâng, ngập hơn 1m đường tràn cầu Cửa Dụ; 14 hộ, 56 nhân khẩu thôn Thành Tiến, xã Luận Thành; 85 hộ, 367 nhân khẩu bản Thủy Sơn, xã Sơn Thủy bị cô lập do nước sông, suối lên cao; 62 hộ dân tại các xã vùng trũng thấp bị ngập. Các công ty khai thác công trình thủy lợi đang vận hành 49 trạm bơm, 199 máy bơm tiêu úng chống ngập khu dân cư, đường giao thông, cơ sở sản xuất.

Tính đến 14 giờ ngày 22/7, tại tỉnh Nghệ An, mưa bão làm một người bị thương; 150 ngôi nhà bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau; hơn 24ha hoa màu, cây trồng lâu năm bị hư hỏng; hơn 130ha rừng bị đổ gãy. Tuyến đường từ xã Na Loi vào Ủy ban nhân dân xã Keng Đu bị sạt lở khoảng 200m³ đất đá, gây ách tắc giao thông. Để bảo đảm an toàn cho người dân, tỉnh đã di dời 70 hộ với 261 nhân khẩu tại các xã Nhôn Mai, Hữu Kiệm và Tam Thái đến nơi an toàn.

Theo báo cáo sơ bộ từ các xã, phường, tính đến 17 giờ ngày 22/7, tỉnh Hưng Yên có khoảng 26.000ha lúa bị ngập úng, khoảng 15ha chuối bị đổ ngã hoàn toàn. Một số bờ bao tại khu vực cửa sông, ven biển, vùng trũng sông Hồng, sông Trà Lý và các bãi bồi ven sông bị tràn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đức Kiền cho biết, sở sẽ phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, mái che ngoài trời bị sập hoàn toàn, rất may không có thiệt hại về người.

Tại tỉnh Bắc Ninh, bão số 3 đã làm một trẻ em tại xã Tam Tiến bị thương nhẹ do mái tôn bị gió lốc cuốn bay. Bão làm 38 nhà bị tốc mái. Có 54 hộ dân từ các xã có nguy cơ ngập lụt đã được di dời an toàn. Mưa lớn đã làm 172ha lúa bị ngập cục bộ; 35,1ha cây lâm nghiệp bị đổ, gãy; 8.000m² nhà lưới của Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng bị hư hỏng… Các cơ quan chức năng đang tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.

Bảo vệ công trình, mùa vụ sản xuất và sức khỏe người dân

Kiểm tra một số điểm kè chống sạt lở tại đê tả sông Chu đoạn qua xã Thiệu Hóa; cống Ngọc Quang ở xã Xuân Lập và hồ Cửa Đạt trên địa bàn xã Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Tỉnh cần tiếp tục chủ động lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống, ứng phó mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Lực lượng chức năng phải thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình để chủ động sơ tán người dân đến khu vực an toàn.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh chủ động rà soát, nhận diện các điểm đê kè, hồ đập xung yếu để có phương án bảo vệ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Bão số 3 cũng khiến nhiều khu vực tại tỉnh Ninh Bình xuất hiện mưa to đến rất to. Các vùng trũng ven các sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Hồng, Ninh Cơ và nhiều xã như Nho Quan, Kim Sơn, Yên Khánh, Phong Doanh, Hải Thịnh… được xác định có nguy cơ ngập úng cao. Để bảo vệ hơn 74.000ha lúa mùa mới gieo cấy, trong đó có gần 65.500ha bị ngập trắng, các địa phương đã vận hành 345 máy bơm tại 110 trạm bơm; mở 116 cống dưới đê và 19 cống hồ.

Theo ông Trần Đăng Sơn, Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Bình, từ nhiều ngày trước, công ty đã huy động lực lượng ứng trực, bố trí vật tư, thiết bị dự phòng, kiểm tra hệ thống lưới điện tại các vùng trọng điểm; thành lập đội xung kích 114 người sẵn sàng xử lý sự cố vượt khả năng của các đơn vị cơ sở.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, mưa bão cũng ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê điều. Tại đê bối Nam Quần Liêu (xã Nghĩa Sơn, tỉnh Ninh Bình), một đoạn K1+850 bị sạt trượt đã được xử lý kịp thời. Tại phường Nam Hoa Lư, sạt lở đất đá xảy ra ở khu vực núi Vái Giời là tuyến đường vào Khu du lịch sinh thái Thung Nham, đã được cắm biển cảnh báo.

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16 giờ ngày 22/7, bão số 3 đã gây sạt lở hơn 20.000m3 đất đá trên Quốc lộ 15C và Quốc lộ 16, ngập tràn tại 14 vị trí trên các tuyến đường tỉnh; 8.000ha lúa bị ngập nước, 7ha nuôi thủy sản bị ngập tràn, gần 137ha hoa màu bị ngập đổ, 7 con gia súc và hơn 3.000 con gia cầm bị nước cuốn trôi...

Theo ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng, đến nay, thành phố chưa ghi nhận sự cố lớn trên hệ thống đê điều, thủy lợi. Toàn thành phố có khoảng 9.900 lồng nuôi thủy sản và bảy giàn bè nuôi nhuyễn thể trên biển; hiện chưa thống kê thiệt hại. Các địa phương đang triển khai các giải pháp bảo vệ diện tích lúa mới gieo cấy, chủ động tiêu nước đệm, phòng chống úng ngập.

Do ảnh hưởng của bão Wipha, cầu treo Pa Thơm (Điện Biên) bất ngờ bị sập khiến 3 người dân bị rơi xuống sông và chấn thương nặng. Vào 10 giờ 10 phút ngày 22/7, các nạn nhân được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương nghiêm trọng.

Ngay sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ chuyên môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức hội chẩn trực tuyến với sự chủ trì của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện. Trong số 3 bệnh nhân, trường hợp L.X.T (43 tuổi, Điện Biên) được chẩn đoán sốc đa chấn thương, nguy kịch, sẽ được chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để tiếp tục điều trị. Hai bệnh nhân V.B.L (34 tuổi, Điện Biên) bị chấn thương ngực kín và T.K.T (57 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) bị chấn thương vùng đầu, được chỉ định theo dõi, điều trị tại chỗ và tiếp tục được hỗ trợ chuyên môn từ xa bởi các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, để tập trung ứng phó bão số 3, lãnh đạo TKV đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra phòng chống và ứng phó tại các đơn vị thuộc vùng Hạ Long, Cẩm Phả và miền tây tỉnh Quảng Ninh. Nhận định sau bão nhiều khả năng sẽ có mưa lớn, lãnh đạo TKV yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng sẵn sàng trực bão tại chỗ theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, gia cố, chằng chống chắc chắn các thiết bị, phương tiện tại khu vực cảng, kho than, nhà máy,… đồng thời, tăng năng lực tiêu thoát nước các công trình đập, kênh để bảo vệ an toàn khai trường và kho than, bãi thải.

Ngày 22/7, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Công văn số 16188-CV/VPTW, thông báo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư về ứng phó bão số 3. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội không được chủ quan, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt gây ra. Các đơn vị phải cập nhật tình hình và gửi báo cáo về Văn phòng Trung ương Đảng trước 16 giờ hằng ngày.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tính đến 19 giờ 25 phút ngày 22/7, bão Wipha đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau khi đi sâu vào đất liền khu vực Ninh Bình-Thanh Hóa, tiếp tục gây mưa to cho Thanh Hóa, Nghệ An. Mặc dù bão đã suy yếu, hoàn lưu và dải hội tụ nhiệt đới vẫn sẽ gây mưa ở nhiều địa phương, gồm: Lào Cai, Sơn La, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực trên, nhất là vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chu-dong-khac-phuc-hau-qua-sau-bao-so-3-post895612.html
Zalo