Chủ động khắc phục hậu quả cơn bão số 3, đảm bảo an toàn cho người dân và phục hồi sản xuất
Từ ngày 21-24/7/2025, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng, gây thiệt hại về người, tài sản, nhà ở, sản xuất nông nghiệp và kết cấu hạ tầng. Trước tình hình mưa lũ phức tạp, chính quyền các cấp đã khẩn trương chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống Nhân dân, phục hồi sản xuất.

Lực lượng chức năng kiểm tra điểm sạt lở tại xã Đức Nhàn.
Theo tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Phú Thọ, tính đến 17 giờ ngày 24/7, cơn bão số 3 khiến 1 người bị thương, 72 nhà bị tốc mái, 7 nhà bị đất đá sạt lở. Nông nghiệp có gần 37 lúa, 37ha ngô và hoa màu, gần 300ha cây lâm nghiệp và trên 20ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 1.500 con gia cầm bị chết.
Trước diễn biến thời tiết bất thường và ảnh hưởng từ cơn bão số 3, các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó, tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.
Đức Nhàn là xã vùng cao của tỉnh với địa hình phức tạp, nhiều khe suối và ngầm tràn, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao. Ông Quản Văn Giang - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về triển khai ứng phó cơn bão số 3, xã theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đặc biệt, tuyến đường tỉnh 433 đi qua địa bàn xuất hiện điểm sạt lở đất đá, gây chia cắt tạm thời và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Chính quyền địa phương đã phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương xử lý, khắc phục sự cố, đến nay tuyến đường đã được thông suốt trở lại. Ngoài ra, mưa lớn cũng khiến trên 20 hộ dân bị tốc mái. Xã đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân thu dọn hiện trường, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống”.

Bão số 3 gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân xã Thượng Long.
Cũng là địa bàn vùng cao, An Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng bởi cơn bão số 3 vừa qua. Toàn xã có trên 270ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có 57ha bị thiệt hại trên 50%; 15ha chuối bị gãy đổ hoàn toàn, trên 1.000 con gia cầm bị chết, 5 hộ phải di dời do nguy cơ sạt lở cao.
Ông Hà Tiến Trường - Trưởng phòng Kinh tế xã An Bình cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo các lực lượng tập trung khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân. Các hộ dân phải di dời đã trở về nơi cư trú sau khi bão tan. Đặc biệt, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân theo dõi sát sao diễn biến thời tiết và hiện tượng địa chất, sẵn sàng sơ tán khi có mưa lớn trở lại nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Đối với 2 hộ có gia cầm bị chết, xã tiến hành tiêu hủy, khử trùng tiêu độc khu vực chôn lấp và khu vực chăn nuôi theo đúng quy định. Với diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, xã hướng dẫn người dân chống, dựng lại diện tích bị ảnh hưởng nhẹ và dọn dẹp, thu gom cây trồng bị hư hại để kịp thời phục hồi sản xuất”.

Các lực lượng tại chỗ của xã Minh Đài hỗ trợ người dân lợp lại nhà cửa bị thiệt hại do bão số 3.
Minh Đài cũng là một trong những xã bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Toàn xã có 6 ngôi nhà bị hư hỏng tốc mái, 4 nhà bị sạt lở đất đá vào nhà; tràn Hồng Kiên bị sạt lở 20m2 tràn và 50m2 bờ kè mái ta luy bên trái; tràn Mịn 1 bị sạt lở khoảng 5m2 dẫn đến nguy cơ sạt lở lan rộng khi tiếp tục có mưa lớn và nước lũ từ thượng nguồn tràn về. Ông Hoàng Anh Nghĩa - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khắc phục hậu quả như lợp lại nhà cửa, thu dọn đất đá bị sạt lở. Đến nay, các hộ dân đã ổn định lại cuộc sống và trở lại sản xuất bình thường. Riêng đối với tràn Hồng Kiên và tràn Mịn 1, sau khi nước rút, xã sẽ tiến hành bơm bê tông tươi, sửa chữa và gia cố lại nhằm bảo đảm an toàn cho bà con trong quá trình tham gia giao thông. Về lâu dài, xã đề nghị với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đầu tư sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn về giao thông, thủy lợi và khả năng ứng phó của các công trình trước diễn biến phức tạp của thiên tai trong thời gian tới”.

Lực lượng dân quân xã Minh Đài lắp đặt barie cảnh báo, ngăn người dân đi qua khu vực ngầm, tràn trong thời điểm nước lũ lên cao, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai các biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Khẩn trương rà soát, kiểm đếm, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại do thiên tai gây ra; sử dụng kịp thời ngân sách dự phòng và huy động các nguồn lực của địa phương để chủ động hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại, nhất là đối với các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng yếu thế theo đúng quy định, tránh không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng tiêu cực. Trong trường hợp ngân sách xã không đủ nguồn lực chi hỗ trợ, UBND cấp xã cần có văn bản gửi Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành theo chức năng nhiệm vụ tích cực triển khai chỉ đạo, triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, tiến hành rà soát, sửa chữa kịp thời các công trình hồ đập thủy lợi, đê điều có nguy cơ bị sự cố để ứng phó với các đợt mưa bão tiếp theo. Rà soát, xây dựng phương án ứng phó để chủ động bảo đảm an toàn cho các hồ đập và hồ đập thủy điện, nhất là khi xuất hiện tình trạng mưa lũ lớn vượt mức thiết kế. Kịp thời khắc phục sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông, đảm bảo thông suốt, nhất là trên các tuyến giao thông chính của tỉnh. Đảm bảo an toàn lưới điện, không để xảy ra tình trạng mất điện tại các công trình phòng, chống thiên tai.
Theo nhận định tình hình thời tiết năm 2025 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 7, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực biển Đông. Tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm gây ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... gây nguy cơ mất an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc nâng cao năng lực dự báo, tăng cường công tác cảnh báo sớm, củng cố công trình phòng chống thiên tai và thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó là hết sức cần thiết để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.