Chủ động hội nhập để nâng tầm văn hóa Việt

Tại chương trình giao lưu của Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Hàn Quốc và ra mắt tập thơ song ngữ Việt - Hàn 'Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau' tổ chức trung tuần tháng 11, các đại biểu đã hào hứng khi nghe nhà thơ Hữu Thỉnh cùng các nhà thơ nổi tiếng khác của Việt Nam và Hàn Quốc say sưa đọc tác phẩm của mình.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, là một trong 21 nhà thơ Việt Nam đã cùng 21 nhà thơ Hàn Quốc có tác phẩm trong tập thơ song ngữ Việt - Hàn, xuất bản bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn do nhà thơ Vũ Quần Phương viết lời giới thiệu.

Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với các nhà văn Hàn Quốc ra mắt tập thơ song ngữ Việt Nam - Hàn Quốc, tháng 11/2024.

Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với các nhà văn Hàn Quốc ra mắt tập thơ song ngữ Việt Nam - Hàn Quốc, tháng 11/2024.

Trong lần giao lưu đặc biệt này, đoàn nhà văn - nhà thơ Hàn Quốc do giáo sư, nhà văn Bang Hyun-suk làm trưởng đoàn, có sự tham gia của nhà văn Hyun Gi-young - nguyên Viện trưởng Viện Chấn hưng văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc, nguyên Chủ tịch Hội Tác giả văn học dân tộc Hàn Quốc cùng 13 nhà văn - nhà thơ nổi tiếng của Hàn Quốc.

Với giới hoạt động văn học nghệ thuật và công chúng ở nước ta, tên tuổi của giáo sư, nhà văn Bang Hyun-suk là rất quen thuộc, bởi cách đây 30 năm, ông đã tham gia vào Hội Các tác giả trẻ Hàn Quốc. Các thành viên của hội này là những người muốn tìm hiểu về văn học Việt Nam và chính họ đã đặt nền tảng cho sự tiếp cận của các tác giả Hàn Quốc đối với văn học Việt Nam. Vì vậy, văn học Việt Nam hiện không còn xa lạ với công chúng Hàn Quốc.

Điều đáng ghi nhận là các thế hệ nhà văn Hàn Quốc luôn nỗ lực giới thiệu nhiều tác phẩm Việt Nam sang Hàn Quốc mà cụ thể như tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Nguyễn Bình Phương... cùng nhiều tên tuổi nổi bật của văn học Việt Nam đương đại đã xuất hiện trong các tuyển tập văn học xuất bản ở Hàn Quốc.

Ở chiều ngược lại, nhiều sách văn học của Hàn Quốc đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Và, đúng như đánh giá của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều thì mối quan hệ Việt - Hàn, đặc biệt giữa các văn nghệ sĩ, chứa đựng nhiều giá trị tốt đẹp, văn học Hàn Quốc luôn được các nhà văn Việt Nam đón nhận và mang lại nhiều cảm xúc.

Trước sự kiện giao lưu giữa Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Hàn Quốc, ngày 23/10 Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với 3 tổ chức văn học và văn hóa của Đài Loan (Trung Quốc), bao gồm: Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á, Quỹ Văn hóa nghệ thuật Đài Loan và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đại học Quốc gia Thành Công. Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên bao gồm các nội dung chính như: trao đổi dịch thuật và xuất bản các tác phẩm văn học của hai bên, tổ chức các đoàn đi thực tế sáng tác tại Việt Nam và Đài Loan, cũng như tổ chức các sự kiện văn chương có sự tham gia của nhà văn, nhà thơ từ các bên nhằm tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết và gắn bó thông qua các hoạt động giao lưu văn học và sáng tác nghệ thuật. Thông tin tại lễ ký kết này cho biết nhiều dự án giao lưu và hợp tác sẽ được lên kế hoạch, tạo nên một giai đoạn phát triển mới cho quan hệ văn học Việt Nam - Đài Loan.

Pakistan - một quốc gia Nam Á, nơi từng là trung tâm của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại và sau này là nơi lĩnh hội các nền văn hóa Vệ Đà, Ba Tư, Ấn - Hy Lạp, Turk - Mông Cổ và Hồi giáo, cũng có những tín hiệu tích cực đối với văn học Việt Nam đang xem xét tiến hành dịch và xuất bản các tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du; "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh; "Sông núi trên vai" (tuyển thơ của các nhà thơ Việt Nam sang tiếng Urdu - ngôn ngữ Pakistan). Thông tin này được ghi nhận tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam với Viện Văn học Pakistan, ngày 15/10, tại Hà Nội. Phía Việt Nam sẽ dịch và xuất bản tuyển chọn 100 bài thơ hay của Pakistan.

Nhiều sự kiện như thế đã diễn ra giữa Hội Nhà văn Việt Nam với các tổ chức văn học trên thế giới. Các bên đều mong muốn thông qua những sự hợp tác này để thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác, sự hiểu biết, thân thiện giữa nhân dân các nước. Đó cũng chính là những minh chứng cho việc hội nhập từng bước của văn học Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung, với thế giới.

Nhận thức rõ vai trò và vị trí của văn hóa và giao lưu văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm đến xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong xu thế phát triển của thế giới bằng việc mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu của chính sách đối ngoại, nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ các điều kiện quốc tế cho công cuộc phát triển đất nước.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đã đặt nền móng về lý luận cho nhiều vấn đề quan trọng của văn hóa Việt Nam như chức năng, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển xã hội, mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị, đồng thời đề ra các nguyên tắc lớn để chống lại nguy cơ, thách thức về văn hóa xã hội trong bối cảnh quốc tế và khu vực. Trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Ðảng ta tiếp tục nhấn mạnh việc phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, với định hướng “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”.

Cũng như các lĩnh vực kinh tế, chính trị... trong tiến trình giao lưu, tương tác hai chiều về văn hóa, Việt Nam vừa chủ động giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú hơn nền văn hóa đa dạng, đặc sắc của Việt Nam.

Lương Duy Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/chu-dong-hoi-nhap-de-nang-tam-van-hoa-viet-i751674/
Zalo