Chủ động bảo vệ hoa, cây cảnh, cây ăn quả trước cơn bão số 3

Để bảo vệ diện tích hoa, cây cảnh và cây ăn quả trước ảnh hưởng của bão Wipha (bão số 3), các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong tỉnh đã và đang chủ động các biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Công nhân kiểm tra vận hành cống Trà Linh 1, xã Thái Thụy sẵn sàng ứng phó bão số 3.

Công nhân kiểm tra vận hành cống Trà Linh 1, xã Thái Thụy sẵn sàng ứng phó bão số 3.

Xã Mễ Sở có trên 410 ha trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chủ yếu là các loại cây cảnh, cây ăn quả có múi như: Quất, bưởi, cam, quýt. Thời điểm này, diện tích cây có múi đang trong giai đoạn phát triển quả non, đây là thời điểm quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Bính Ngọ 2026. Mặc dù chính quyền địa phương và người dân đã có những biện pháp chủ động ứng phó với bão số 3 nhưng trận mưa kèm gió to chiều ngày 19/7 đã khiến nhiều nhà vườn trong xã bị ảnh hưởng. Anh Thiều Ngọc Hợp, thôn Tân Lợi, xã Mễ Sở buồn rầu chia sẻ: Gia đình tôi trồng 3 nghìn cây cảnh có múi. Khi được nghe tuyên truyền về bão số 3, gia đình tôi tập trung chằng chống toàn bộ diện tích cây cảnh. Tuy nhiên, trận gió to kèm mưa lớn vào chiều ngày 19/7 đã khiến khoảng 1 nghìn chậu quất cảnh của gia đình tôi bị đổ, vỡ chậu, gãy cành… Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 300 triệu đồng. Những ngày tới, gia đình tôi tập trung thay chậu, trồng lại cây, tiếp tục theo dõi thông tin về cơn bão để chủ động biện pháp ứng phó.

Hàng loạt chậu quất cảnh của gia đình anh Thiều Văn Toản, thôn Tân Lợi, xã Mễ Sở bị đổ, vỡ do ảnh hưởng của bão số 3 chiều ngày 19/7.

Hàng loạt chậu quất cảnh của gia đình anh Thiều Văn Toản, thôn Tân Lợi, xã Mễ Sở bị đổ, vỡ do ảnh hưởng của bão số 3 chiều ngày 19/7.

Anh Nguyễn Văn Duy, thôn Thiết Trụ, xã Mễ Sở trồng hơn 4 nghìn cây quất cảnh. Ảnh hưởng của cơn bão số 3 chiều ngày 19/7 đã khiến gần 20 cây quất cảnh của gia đình anh bị đổ, vỡ chậu. Anh Duy nhẩm tính sẽ mua cọc tre để chằng chống những chậu quất còn lại với tổng chi phí hơn 10 triệu đồng. Mặc dù chi phí sản xuất tăng nhưng đó là biện pháp bước đầu để anh bảo vệ tài sản của gia đình.

Những chậu quất cảnh bị vỡ trong vườn của gia đình anh Thiều Văn Toản, thôn Tân Lợi, xã Mễ Sở chiều 19/7.

Những chậu quất cảnh bị vỡ trong vườn của gia đình anh Thiều Văn Toản, thôn Tân Lợi, xã Mễ Sở chiều 19/7.

Hạ độ cao đối với diện tích quất, bưởi cảnh trồng trong chum, chậu, lọ lục bình; che phủ bề mặt luống đối với diện tích quất, bưởi cảnh trồng trên mặt ruộng cũng là những biện pháp được người dân trồng cây cảnh ở một số xã trong tỉnh như: Hoàn Long, Văn Giang, Quỳnh Phụ, phường Trà Lý… thực hiện. Đồng chí Phạm Văn Quỳnh, Chủ tịch UBND phường Trà Lý thông tin: Để chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) trong mùa mưa bão năm nay, phường đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN; phân công lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, trưởng các thôn, tổ trưởng tổ dân phố tham gia công tác PCTT và TKCN. Trước diễn biến của bão số 3, phường tiến hành tháo gạn nước trên hệ thống thủy lợi, sẵn sàng tiêu úng khi xảy ra mưa lớn gây ngập úng cục bộ ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đối với diện tích trồng cây ăn quả, rau màu, xã tuyên truyền Nhân dân khẩn trương thu hoạch nông sản đến kỳ thu hoạch, tiến hành chằng chống cây, che phủ mặt luống để tránh bị xói mòn đất…

Nông dân xã Mễ Sở chằng chống cây cảnh, sẵn sàng ứng phó với bão số 3.

Nông dân xã Mễ Sở chằng chống cây cảnh, sẵn sàng ứng phó với bão số 3.

Tại Hợp tác xã (HTX) hoa, cây cảnh xã Phụng Công, công tác ứng phó với bão số 3 cũng được thực hiện khẩn trương, đồng bộ. Ông Phạm Hoành Sơn, Phó giám đốc HTX hoa, cây cảnh xã Phụng Công cho biết: Hiện nay, HTX có trên 4 ha trồng hoa, cây cảnh; tập trung ở một số nhóm như: Nội thất, trang trí sân vườn, cây công trình… Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến sản xuất, 100% diện tích hoa, cây cảnh của HTX được sản xuất trong nhà lưới, nhà kính. Từ ngày 19/7, HTX đã huy động thành viên di chuyển nhóm hoa thân thảo vào khu vực cao ráo để tránh ngập úng, chằng chống các cây công trình, hạ thấp mái khung nhà lưới, nhà kính… để tránh thiệt hại khi có mưa to, gió lớn.

Nông dân xã Văn Giang chủ động chằng chống cây ăn quả trước diễn biến bất thường của thời tiết.

Nông dân xã Văn Giang chủ động chằng chống cây ăn quả trước diễn biến bất thường của thời tiết.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 19 nghìn ha trồng cây ăn quả, chủ yếu là: Nhãn, vải, chuối, bưởi, cam. Thời điểm này, nông dân trong tỉnh bước vào vụ thu hoạch nhãn và chuối; cây có múi đang trong giai đoạn phát triển quả. Trước mùa mưa bão năm nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng phương án chống úng nội đồng cho từng vùng sản xuất; tổ chức giải tỏa rau bèo, vật cản trên các sông, trục, kênh mương thủy lợi… Trước diễn biến của bão số 3, chiều ngày 19/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra vận hành hệ thống thủy lợi của tỉnh; các công ty khai thác công trình thủy lợi trong tỉnh chủ động hạ thấp mực nước trong hệ thống, sẵn sàng tiêu úng khi xảy ra mưa lớn gây ngập úng cho sản xuất nông nghiệp nói chung và vùng trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả nói riêng. Ngoài ra, các xã, phường tăng cường thông tin diễn biến của cơn bão, khuyến cáo người dân khẩn trương thu hoạch cây ăn quả đến thời kỳ thu hoạch; chằng, chống cây ăn quả có múi, chuối, đu đủ, cắt tỉa cành đối với cây có tán rộng để giảm sức nặng, tránh gió quật gây bật gốc, rụng quả.

Theo thông tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, trong đó tỉnh Hưng Yên là một trong những địa phương chịu tác động mạnh nhất. Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Môi trường khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là, hoang mang, mà cần chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của bản thân và gia đình.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chu-dong-bao-ve-hoa-cay-canh-cay-an-qua-truoc-con-bao-so-3-3182723.html
Zalo