Chồng hoa hậu H'Hen Niê cấy tóc: Vượt hói đầu, tìm tự tin

Các bác sĩ cho biết nếu tóc rụng trên 100 sợi mỗi ngày là có dấu hiệu mắc bệnh rụng tóc. Cấy tóc giúp cải thiện các vùng tóc hói, tóc thưa nhưng không là giải pháp ngăn rụng hay khắc phục nguyên nhân rụng tóc.

Kém tự tin vì rụng tóc

Trên facebook ngày 6.5 hoa hậu H’Hen Niê thông báo chồng cô Nguyễn Tuấn Khôi bắt đầu quá trình cấy tóc tự thân: “Anh Khôi lên bàn mổ lấy nang tóc sau gáy và bắn cấy lên mặt trước của đầu. Ca này thực hiện khoảng 8 - 10 tiếng”. Ít giờ sau, H’Hen Niê cập nhật thông tin chồng cô đã lấy xong nang tóc và anh cho biết không đau. Sau nghỉ ngơi, ăn uống sẽ bắt đầu cấy.

Nguyễn Tuấn Khôi sinh năm 1989, là nhiếp ảnh gia kiêm đạo diễn chuyên sản xuất các video quảng cáo. Trước khi kết hôn với H’Hen Niê hồi tháng 2 năm nay sau bảy năm yêu nhau, anh ít khi tham gia sự kiện showbiz.

Trong lần xuất hiện cùng vợ tại sự kiện ở Hà Nội ngày 14.4.2025, Tuấn Khôi mặc trang phục đơn giản và đội ngược nón lưỡi trai. Hình ảnh đó đăng facebook đã có người góp ý anh không nên đội nón vì nhìn kém trang trọng khi dự sự kiện. Tuấn Khôi đã phản hồi bằng cách công khai hình ảnh lúc không đội nón: “Mọi người hay thắc mắc vì sao em thường đội nón. Tóc em chỉ còn thế này thôi, nên việc đội nón giúp em tự tin hơn”.

Tuấn Khôi từng phải nhờ tóc giả trợ giúp để có hình ảnh đẹp cho khoảnh khắc anh cầu hôn H’Hen Niê hồi tháng 2.2025. Ảnh: TLNV

Tuấn Khôi từng phải nhờ tóc giả trợ giúp để có hình ảnh đẹp cho khoảnh khắc anh cầu hôn H’Hen Niê hồi tháng 2.2025. Ảnh: TLNV

Nói về quyết định cấy tóc, Tuấn Khôi cho biết anh bắt đầu bị rụng tóc từ khoảng 8 năm trước. Tóc rụng ở phần trán và đỉnh đầu khá nhiều. Việc này làm cho anh kém tự tin khi gặp đối tác. Sau khi tìm hiểu về cấy tóc và biết có nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng đã cấy tóc thành công, Tuấn Khôi quyết định trải nghiệm.

Rụng tóc bình thường và bất thường

ThS-BS. Thái Thanh Yến (bác sĩ điều trị khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết, rụng tóc là một chứng rối loạn gây ra bởi sự gián đoạn trong chu kỳ sản xuất tóc của cơ thể.

ThS-BS. Thái Thanh Yến

ThS-BS. Thái Thanh Yến

Chúng có thể xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc nguyên nhân gây ra. Rụng tóc có thể do hormone (mất cân bằng nội tiết tố), stress (căng thẳng, sợ hãi sẽ tác động lên hệ thần kinh và làm rối loạn hệ miễn dịch, gây rụng tóc), bệnh da liễu (nấm tóc, vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống…), thuốc và thực phẩm chức năng (thuốc trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, các vấn đề về tim, gút, huyết áp cao…), tác động ngoại lai (uốn duỗi tóc, nhuộm, tẩy màu…), tiền sử gia đình (nguyên nhân phổ biến nhất của rụng tóc là một tình trạng di truyền xảy ra kết hợp cùng quá trình lão hóa)…

“Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ, bình thường mỗi ngày có khoảng 50 - 100 sợi tóc rụng trên da đầu và được thay bằng số lượng chân tóc mới. Quá trình này sẽ trở nên bất thường khi số lượng tóc rụng vượt quá mức độ bình thường”, BS. Yến thông tin.

TS-BS. Vũ Thái Hà (Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, rụng tóc hói là một trong những loại rụng tóc hay gặp nhất, thường xảy ra ở nam giới nhưng cũng có thể gặp ở nữ. Rụng tóc hói được cho là có liên quan đến hormone sinh dục nam DHT (dihyrotestosterone). “Hiện ở nước ta chưa có nghiên cứu đánh giá tỷ lệ rụng tóc hói trong cộng đồng nhưng sự ảnh hưởng của nó khá lớn đến chất lượng cuộc sống làm người bị rụng tóc lo lắng, ngại giao tiếp, tự ti…”, BS. Hà nói.

Cấy tóc tự thân: hiệu quả tùy người

Theo BS. Hà, cấy tóc là phương pháp được thực hiện cuối cùng khi vùng da đầu không còn nang tóc. Cấy tóc cũng có nhiều loại, cấy tóc sinh học và cấy tóc tự thân. Cấy tóc sinh học là sử dụng các sợi tóc sinh học (tóc nhân tạo có 3 lớp như tóc tự thân) để cấy vào vùng da đầu bị hói nhằm phục hồi tóc một cách tự nhiên nhất. Tuy nhiên, cấy nang tóc nhân tạo tính thẩm mỹ không cao (vẫn gây sẹo, xơ), thường gây ra các phản ứng cơ thể với vật ngoại lai, khả năng tóc bị đào thải và rụng có thể xảy ra nên phương pháp này hiện nay gần như không sử dụng.

Tuấn Khôi bắt đầu rụng tóc từ khoảng 8 năm trước. Ảnh: TLNV

Tuấn Khôi bắt đầu rụng tóc từ khoảng 8 năm trước. Ảnh: TLNV

Còn cấy tóc tự thân là sử dụng những nang tóc của chính mình để cấy vào vùng da đầu bị hói. Tức là tách các nang tóc khỏe mạnh, thường ở vùng chẩm (vùng sau đầu) cấy lên vùng da đầu bị hói. Nang tóc sau khi cấy sẽ mọc ra tóc khỏe mạnh, không để lại sẹo đồng thời vẫn giữ nguyên đặc tính sinh học vốn có của tóc. Mặc dù là giải pháp xâm lấn nhưng cấy tóc tự thân không gây đau đớn và thời gian phục hồi nhanh.

“Đây là thủ thuật y khoa đã được kiểm chứng về hiệu quả bởi các trung tâm da liễu và tóc lớn trên thế giới nhằm giúp tóc mọc tại vùng da mà trước đó không có tóc, cho những người bị rụng tóc nhiều hoặc hói đầu lâu năm”, BS. Hà nói.

TS-BS. Vũ Thái Hà

TS-BS. Vũ Thái Hà

Để đủ điều kiện cấy tóc, người tóc hói trên 25 tuổi, vùng tóc cho tốt nhất là trên 80 nang/cm2, nếu ít hơn thì không được dưới 40 nang/cm2 và không bị bệnh kèm theo khác. Không thể cấy tóc của người này cho người khác bởi khi đưa mảnh ghép sinh học vào cơ thể sống khác sẽ xảy ra hiện tượng đào thải, họ phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời và chính các thuốc này lại gây rụng tóc.

Trước khi thực hiện cấy tóc tự thân, cần phải đánh giá toàn trạng bệnh nhân, tình trạng rụng tóc, tính toán số lượng nang có thể lấy và số lượng nang cần cấy để có kế hoạch chính xác. Quan trọng nhất là tách được các nang tóc tốt ở vùng cho thì tỷ lệ tóc sống (mọc mới) ở vùng cấy sẽ tối ưu.

“Khi nang tóc yếu thì dù có kỹ thuật viên cấy giỏi đến mấy cũng không mọc được. Chính vì vậy, người bệnh cần phải điều trị nội khoa trước 6 tháng để nang tóc khỏe thì tóc mới có thể sống tốt sau khi cấy. Thông thường, sau cấy 3 - 6 tháng sẽ đánh giá được hiệu quả cấy tóc. Thường tỷ lệ tóc sống đạt 30 - 70% tùy thuộc trình độ người cấy, bệnh nhân và điều trị trước, sau phẫu thuật”, BS. Hà cho biết.

Để hạn chế rụng tóc

Theo BS. Yến, để hạn chế rụng tóc nên tìm hiểu và chăm sóc tóc đúng cách. Tránh hà khắc với tóc như lạm dụng lăn nóng, máy uốn tóc, dầu nóng, thuốc nhuộm và hóa chất... Hạn chế độ căng trên tóc từ các kiểu dùng dây chun, kẹp tóc và bím tóc. Bảo vệ tóc khỏi ánh nắng mặt trời và các nguồn tia cực tím khác. Tránh xa khói thuốc lá. Giữ tinh thần thoải mái, giảm thiểu căng thẳng bằng cách sống xanh, làm việc và nghỉ ngơi khoa học. Tăng cường cuộc sống vận động, ăn uống lành mạnh đủ chất để nuôi dưỡng tóc, chủ yếu bổ sung thực phẩm giàu vitamin nhóm B và biotin như rau xanh, trái cây và các loại hạt… Hiện có nhiều phương pháp điều trị rụng tóc (thuốc uống, thuốc xịt, cấy tóc, liệu pháp laser…), tùy thuộc nguyên nhân và mức độ rụng tóc.

BS. Hà lưu ý cấy tóc không phải là giải pháp ngăn rụng hay khắc phục nguyên nhân rụng tóc. Để hạn chế rụng tóc, hói đầu, cần tác động vào các yếu tố ảnh hưởng như chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng không điều độ. Cần đi ngủ sớm (tránh thức khuya sau 23 giờ), không hút thuốc lá, không dùng các chất kích thích (lạm dụng rượu bia), luyện tập thể thao, giải tỏa sự căng thẳng… “Sớm đến bác sĩ da liễu khám khi có các dấu hiệu rụng tóc tăng lên, da đầu tiết dầu nhiều, hoặc tóc mỏng thưa để được tư vấn dự phòng và có phác đồ trị liệu phù hợp với từng người”, BS. Hà khuyến nghị.

Hữu Đức - Minh Hoàng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chong-hoa-hau-hhen-nie-cay-toc-vuot-hoi-dau-tim-tu-tin-48545.html
Zalo