Chọn ngành sau kỳ thi: Không chỉ là điểm số
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 khép lại khi hơn một triệu thí sinh trên cả nước đã biết điểm thi của mình. Điểm số có thể mang lại niềm vui hoặc tiếc nuối, nhưng điều quan trọng hơn là hàng loạt câu hỏi phía sau: chọn ngành gì? học ở đâu? và chọn vì ai, vì điều gì?

Các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng cao và bám sát nhu cầu xã hội.
Ngay sau khi biết điểm thi, em Hoàng Thị Mỹ Diệu, học sinh tại xã Phủ Thông, tỉnh Thái Nguyên, ghi tên mình trong nhóm thí sinh đạt điểm cao, với tổng điểm 27,75 khối C00. Trong đó, môn Địa lý đạt điểm tuyệt đối 10, Lịch sử 9 điểm, Ngữ văn 8,75 điểm và 7,5 điểm môn Toán.
Với kết quả ấy, Diệu có nhiều lựa chọn để bước vào cánh cửa đại học. Tuy nhiên, em lại đang phân vân giữa định hướng của gia đình là ngành Y và sở thích cá nhân là Luật Kinh tế. Gia đình mong muốn em nối tiếp truyền thống ngành Y, nhưng Diệu chia sẻ: “Nếu không đủ điểm ngành Y, em sẽ chọn Luật Kinh tế, ngành em yêu thích từ trước đến nay.”
Câu chuyện của Diệu không phải là cá biệt. Trong khi nhiều bạn trẻ có định hướng rõ ràng từ sớm, thì cũng không ít đối diện với lựa chọn khó khăn ngay sau khi có kết quả thi.
Chiều 15-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Nhiều môn thi có điểm trung bình khá cao, như Vật lý (6,99 điểm) với hơn 3.900 thí sinh đạt điểm 10; Địa lý có hơn 6.900 điểm tuyệt đối, gấp đôi năm trước. Môn Công nghệ - Nông nghiệp lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi, ghi nhận mức điểm trung bình cao nhất là 7,72 điểm.
Phổ điểm năm nay cho thấy đề thi có sự phân hóa hợp lý, phản ánh đúng thực lực của học sinh. Nhóm điểm từ 20 đến 25 chiếm tỷ lệ lớn. Đây là ngưỡng điểm có thể mở ra nhiều lựa chọn, từ ngành học truyền thống đến các ngành mới.
Trước yêu cầu phát triển mới của thị trường lao động, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng đang điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng cao và bám sát nhu cầu xã hội. Tại Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp triển khai đào tạo ngành Công nghệ ô tô điện và ô tô lai. Đây là ngành học đón đầu xu thế giao thông xanh và chuyển đổi năng lượng.
Các trường thành viên khác cũng tăng cường mở ngành, hợp tác quốc tế, thúc đẩy các lĩnh vực như blockchain, du lịch thông minh, năng lượng tái tạo...
PGS.TS Lê Văn Quỳnh, Trưởng Khoa Ô tô và Năng lượng, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, nhận định: Sinh viên được tiếp cận công nghệ hiện đại, phương pháp học tập cũng đổi mới, tiếp cận đa chiều. Điều này giúp chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hiện đại đang phát triển nhanh tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc lựa chọn ngành học không chỉ dựa vào điểm thi, mà cần được cân nhắc trên nhiều yếu tố: năng lực học tập, sở thích cá nhân, xu hướng thị trường và cả điều kiện kinh tế gia đình.
Tiến sĩ Lê Phương Hoa, chuyên gia tâm lý giáo dục, nhận định: Hiểu bản thân là nền tảng quan trọng để chọn ngành đúng. Khi người học hiểu rõ năng lực và sở thích, họ sẽ học tập tích cực hơn, bền bỉ hơn và dễ thành công hơn.
Câu chuyện của em Hoàng Minh Tú, thí sinh của trường THPT Đồng Hỷ đạt 26,5 điểm khối C00, là ví dụ điển hình. Dù không đủ điểm vào Trường Sĩ quan Chính trị như kỳ vọng, Tú nhanh chóng đánh giá lại và chuyển hướng sang các ngành gần với sở trường, tại Trường Đại học Nông lâm và Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên.
Có thể nói, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc và điểm thi đã rõ, nhưng hành trình tương lai của các bạn trẻ mới chỉ bắt đầu. Ngành học hôm nay không chỉ là tấm vé vào đại học, mà là nền tảng cho con đường dài phía trước. Chọn đúng, không nhất thiết phải là ngay từ lần đầu tiên, nhưng nhất định cần sự hiểu mình, dám nghĩ, dám điều chỉnh và sẵn sàng chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân.