Cho phép mua bán điện trực tiếp giữa các bên - Cú hích cho loạt doanh nghiệp năng lượng tái tạo

Nghị định Chính phủ vừa ban hành cho phép dự án điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối,... có thể được mua bán trực tiếp không qua EVN, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các loại hình năng lượng tái tạo.

Cho phép mua bán điện tái tạo trực tiếp giữa các bên

Theo quy định mới, một số loại hình năng lượng tái tạo sẽ được mua bán trực tiếp giữa các bên.

Theo quy định mới, một số loại hình năng lượng tái tạo sẽ được mua bán trực tiếp giữa các bên.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).

Theo đó, các dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối có thể được mua bán trực tiếp thông qua hai phương án gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN).

Với phương án qua đường dây riêng (tức không qua EVN), bên phát năng lượng tái tạo được tham gia cơ chế này gồm điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định.

Để mua bán qua đường dây riêng, đơn vị phát năng lượng tái tạo và khách hàng hàng lớn sẽ ký hợp đồng mua bán với điều kiện, mức giá do hai bên thỏa thuận. Với phần điện dư thừa, bên phát điện có thể bán lại cho EVN qua hợp đồng mua bán, quy định về công suất, sản lượng, giá.

Còn bên mua điện, ngoài mua trực tiếp từ bên phát năng lượng tái tạo, họ được mua bán điện với Tổng công ty Điện lực, hoặc đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực.

Dự án điện gió, mặt trời muốn tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới quốc gia phải có công suất trên 10 MW.

Dự án điện gió, mặt trời muốn tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới quốc gia phải có công suất trên 10 MW.

Với mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Nghị định cũng quy định rõ việc bán điện của đơn vị phát năng lượng tái tạo qua thị trường điện giao ngay và mua bán qua Tổng công ty Điện lực.

Trong cả hai trường hợp, bên mua là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 200.000 kWh. Mức này thấp hơn so với mức 500.000 kWh được đưa ra tại các bản dự thảo trước đó.

Cũng theo Nghị định, dự án điện gió, mặt trời muốn tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới quốc gia phải có công suất trên 10 MW.

Cơ chế DPPA được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia gồm: Bên mua, bên bán và đơn vị truyền tải, mở ra cơ hội phát triển mạnh cho thị trường năng lượng tái tạo, hướng đến thực hiện thành công các mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII.

Cụ thể, khách hàng (các tập đoàn, công ty có nhu cầu sử dụng một lượng điện lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh) tham gia vào cơ chế DPPA không chỉ được hưởng lợi về uy tín trong các cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững; mà họ còn đảm bảo được nguồn cung năng lượng trong dài hạn và giảm thiểu được rủi ro về chi phí sử dụng điện năng trong tương lai. Bởi khách hàng có thể áp dụng được chính sách đàm phán và cố định được giá mua điện thông qua đàm phán trực tiếp với Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.

Theo khảo sát từ các tổng công ty điện lực, khách hàng lớn sử dụng từ 500.000 kWh trở lên khoảng 30%, còn từ 200.000 kWh trở lên là hơn 7.700 khách hàng, chiếm 36,5% tổng điện năng.

Và ở chiều ngược lại, bên bán (Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo) tham gia cơ chế DPPA có thể dự báo được doanh thu trong dài hạn nhờ chủ động được thông tin phần lớn hoặc toàn bộ sản lượng điện sản xuất sẽ chắc chắn được mua bởi một khách hàng có uy tín cao với giá bán điện được cố định trong dài hạn. Từ đó giúp nhà đầu tư hoặc các đơn vị phát triển dự án có thể giảm thiểu tối đa về rủi ro tài chính và dễ dàng hơn trong tiếp cấp các dòng tiền có hạn để thực hiện phát triển dự án.

Đáng chú ý, việc mở ra hướng điện mặt trời mái nhà có thể tham gia mua bán điện trực tiếp đã giúp gỡ vướng cho loại hình năng lượng này, bên cạnh chính sách khuyến khích phát triển tự sản, tự tiêu đang được Bộ Công Thương soạn thảo.

BCG Energy, Tập đoàn Hà Đô, Tập đoàn PC1 hưởng lợi trực tiếp

Khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn mong muốn mua điện trực tiếp, tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Cùng đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.

Những vướng mắc về chính sách được tháo gỡ là cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện hóa tham vọng phát triển năng lượng tái tạo của mình. Đặc biệt, các doanh nghiệp có mảng năng lượng tái tạo với công suất quy mô lớn như: BCG Energy (mã cổ phiếu BGE), Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG), và Tập đoàn PC1 (mã cổ phiếu PC1) sẽ là những đơn vị tiêu biểu hưởng lợi trực tiếp từ Cơ chế DPPA.

Dự án điện mặt trời BCG Phù Mỹ của BCG Energy có quy mô lên tới 330 MW.

Dự án điện mặt trời BCG Phù Mỹ của BCG Energy có quy mô lên tới 330 MW.

Trong đó, BCG Energy hiện được xem là doanh nghiệp năng lượng tái tạo có quy mô hàng đầu. BCG Energy đang vận hành các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn là BCG Long An 1 (40,6 MW), BCG Long An 2 (100,5 MW), BCG Vĩnh Long (49,3 MW), BCG Phù Mỹ (330 MW) và Krong Pa 2 (49 MW). Bên cạnh đó, công ty còn phát triển các hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Đáng chú ý, theo Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, BCG Energy đang sở hữu danh mục 08 dự án điện gió với tổng công suất lên đến gần 1 GW được phê duyệt ưu tiên thực hiện tới năm 2030. Hiện công ty này đang đẩy mạnh triển khai nhiều dự án như Điện gió Đông Thành 1 (80 MW), Đông Thành 2 (120 MW) tại tỉnh Trà Vinh; Khai Long 1 (100 MW) tại Cà Mau nhằm đưa vào khai thác thương mại ngay trong năm 2025.

Đối với các dự án điện mặt trời mái nhà, ngoài 74 MW công suất đang vận hành, BCG Energy hiện đang triển khai thêm 23 dự án điện mặt trời áp mái khác, đặt mục tiêu đến hết năm 2024 nâng tổng công suất mảng này lên mức 150 MW.

Hiện BCG Energy đặt mục tiêu sẽ hoàn thiện danh mục 2 GW tổng công suất phát điện vào năm 2025.

Tập đoàn Hà Đô đang sở hữu 8 nhà máy năng lượng, bao gồm: 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 500 MW. Mảng năng lượng tạo ra doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm - trở thành nguồn thu chính cho tập đoàn này trong bối cảnh thị trường bất động sản “ảm đạm” kéo dài thời gian vừa qua.

Tập đoàn Hà Đô hiện đang vận hành dự án Nhà máy Điện gió 7A với công suất 50 MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Tập đoàn Hà Đô hiện đang vận hành dự án Nhà máy Điện gió 7A với công suất 50 MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Tập đoàn Hà Đô hiện đặt mục tiêu nâng công suất phát điện lên trên 1GW, với doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng/năm vào năm 2030. Dự án trang trại điện gió An Phòng công suất 350 MW đã được bổ sung vào Quy hoạch Điện VIII. Ngoài ra, tập đoàn này cũng vừa được UBND tỉnh Ninh Thuận trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy điện gió công suất 50 MW, và được UBND tỉnh Lạng Sơn trao ghi nhớ đầu tư cho dự án nhà máy điện gió công suất 80 MW.

Hay Tập đoàn PC1 cũng có tham vọng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tập đoàn này tạo được tiếng vang khi tháng 10/2021, cụm nhà máy điện gió Liên Lập, Phong Lập, Phong Nguyên tại Quảng trị chính thức vận hành thương mại với tổng công suất 144 MW, đủ điều kiện bán điện giá FIT. Mục tiêu của Tập đoàn PC1 là đầu tư và quản lý 350 MW năng lượng tái tạo vào 2025, vận hành thành công 1 GW điện gió ngoài khơi vào 2035.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cơ chế DPPA và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là hai trong số những chính sách quan trọng, là những “bước đi ban đầu” ở góc độ quản lý nhà nước và là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Quy hoạch Điện VIII với mục tiêu tăng tỷ lệ đóng góp của các nguồn năng lượng tái tạo lên mức khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và định hướng lên đến 67,5% - 71,5% vào năm 2050, so với mức 26,4% của cuối năm 2022.

Theo Bộ trưởng, các chính sách này là cơ sở quan trọng để phát triển, hoàn thiện thị trường điện trên cả ba giác độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Đây là bước đi cần thiết để Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/cho-phep-mua-ban-dien-truc-tiep-giua-cac-ben-cu-hich-cho-loat-doanh-nghiep-nang-luong-tai-tao-123235.htm
Zalo